Đi và thấy

.

Một lần, tôi có việc chạy xe về phía ngoại thành. Trong làn mưa bay lất phất của buổi chiều chập choạng, lúc đứng lại để khoác áo mưa, ánh mắt tôi dừng lại nơi đống rác cạnh khu đất trống bên lề đường. Một người đàn ông chừng ngoài năm mươi tuổi, áo quần nhàu nhĩ cũng vừa dựng chiếc xe cạnh đống rác, tiến lại gần và đưa bàn tay thô sần của mình nắn tấm nệm mỏng đã cũ ai đó bỏ đi. Vài lần nhấc lên bỏ xuống, cuối cùng người đàn ông chậm rãi kéo hẳn tấm nệm đã chọn được ra khỏi đống rác, đặt bên vệ đường, cuốn lại cho gọn rồi ràng chặt phía sau yên xe, mang về. Trong ánh sáng của đèn đường màu ngà vàng, tôi nhìn thấy những nếp nhăn khắc khổ trên gương mặt của người đàn ông.

Cũ của mình nhưng biết đâu nó sẽ trở thành đồ dùng của một ai đó, hữu ích thêm thời gian nữa. (Ảnh minh họa)
Cũ của mình nhưng biết đâu nó sẽ trở thành đồ dùng của một ai đó, hữu ích thêm thời gian nữa. (Ảnh minh họa)

Tôi hình dung những đứa trẻ ở nhà sẽ có giấc ngủ ngon sau khi tấm nệm được tẩy rửa thơm tho, bọc vào tấm ra nệm mới.

Ở chung cư tôi, từ trong mùa dịch, tổ trưởng lập nhóm để tiện thông báo đến bà con những thông tin cần. Cũng trong nhóm đó, thói quen chia sẻ đồ cũ hình thành. Từ cái ghế, cái bàn, cái nồi, tấm rèm cửa, chậu trồng hoa… Ai có đồ cũ còn dùng được cứ đăng lên. Người cho cảm giác rất vui vì món đồ đó còn có người tận dụng xài, đỡ tiếc. Người nhận càng vui vì đỡ tốn tiền mua mà vẫn có dùng. Đúng như ông bà ta thường nói “cũ người mới ta”. Không chỉ vậy, việc giao lưu đồ cũ này còn là nhịp cầu kết nối giữa những người hàng xóm nơi chung cư vốn ít giao tiếp. Vài câu chào nói, ánh nhìn thiện cảm làm ấm lòng nhau hẳn. Lợi cả đôi đường! Thiết nghĩ nếu mọi cộng đồng đều có sự sẻ chia đồ cũ, biết đâu sẽ không có cảnh khiến tôi phải cay mắt kia.

Tôi nhớ cách đây khoảng hơn mười năm, mỗi lần cậu tôi từ cao nguyên về thành phố ghé thăm nhà tôi, chị em tôi đều gom quần áo làm quà để cậu mang về cho các em. Nhà cậu toàn con gái, ở nơi cuộc sống còn nhiều lam lũ, khó khăn. Quanh năm người lớn làm lụng vất vả cũng chỉ đủ lo cái ăn nên có gì mặc nấy. Vì vậy mà có được những bộ đồ tuy cũ nhưng còn mới và xúng xính mặc cả năm không phải may thêm đồ mới. Vào mùa lạnh, mẹ tôi còn cẩn thận gói cả những chiếc áo vải dày, ấm, thỉnh thoảng mẹ lấy cớ thay loạt mền mới, để mền cũ gửi về cho cậu. Vì mẹ biết tính cậu, đưa đồ mới là không nhận.

Bây giờ các em tôi đã trưởng thành, đi làm có tiền, kinh tế gia đình khá giả lên. Nhưng mỗi lần có dịp gặp nhau, ở bàn mâm cao, cỗ đầy, các em vẫn rưng rưng kể lại niềm vui khi nhận quà của các anh chị, là những bộ quần áo cũ. Chỉ những sẻ chia giản đơn như vậy, nhưng cũng là chất keo dính, kết nối tâm hồn chị em tôi ngày càng chặt chẽ hơn, tình cảm vì thế mà mặn nồng hơn. Thứ tình cảm đó được nuôi dưỡng bởi lòng biết ơn sâu sắc, giúp kết nối cả những thế hệ sau lại với nhau. Tôi tự hỏi nếu quãng thời gian đó, chúng tôi bỏ mặc nhau, thì những cuộc gặp gỡ sau này sẽ nhạt nhòa lắm, năm ba câu xã giao là hết chuyện. Chẳng khác gì những người lạ ngồi lại với nhau.

Ngày nay cuộc sống mỗi người đều ổn định. Có những thứ mình bỏ đi vì không xài, cũng ngại không dám mang cho ai. Nhưng biết đâu chung quanh vẫn còn những mảnh đời cơ cực cần đến. Vậy nên khi bỏ rác những món đồ còn dùng được, tôi cẩn trọng bỏ vào túi mới. Để tránh mưa nắng mà ai cần dùng cũng xách đi cho tiện. Biết đâu nó sẽ trở thành đồ dùng của một ai đó, hữu ích thêm thời gian nữa.

Và khi làm việc gói ghém những món đồ cũ đó, ta đã nhận lại niềm hạnh phúc của sự tử tế, sẻ chia.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.