Ngôi làng của ba xứ đất

.

Làng cổ Giáo Ái được hình thành lâu đời tại ba xứ đất màu mỡ, đậm đặc phù sa bồi đắp từ thuở xa xưa. Việc ra đời ngôi làng bên bờ bắc sông Thu Bồn là quá trình Nam chinh mở cõi của triều Lê nước Đại Việt. Gắn với vùng đất này là hình ảnh mái đình cũ kỹ, mộ tổ tiền hiền, người có công khai khẩn, lập làng đang còn hiện diện cho tới ngày nay.

Đình làng Giáo Ái ngày nay (ảnh trái) và hai trụ biểu cổ xưa được giữ lại với thời gian. Ảnh: THÁI MỸ
Đình làng Giáo Ái ngày nay (ảnh trái) và hai trụ biểu cổ xưa được giữ lại với thời gian. Ảnh: THÁI MỸ

Cũng như nhiều miền quê xứ Quảng, làng Giáo Ái (nay thuộc xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được hình thành khá sớm. Gia phả tộc Lê Văn làng Giáo Ái đã ghi chép khá rõ về sự hình thành làng. Theo đó, thuở xưa, đây là vùng đất thuộc Hóa Châu (có tên cũ đời nhà Trần là Châu Lý) hoang vu, cây cối um tùm, sông suối chằng chịt, hoang thú rất nhiều, trong đó có cả cọp, beo hung dữ. Nơi đây không một bóng người, ruộng đồng chưa ai cày cấy.

Nhận mệnh lệnh của vua Lê Thái Tông (tức Lê Nguyên Long) nước Đại Việt, năm 1442, đấng thủy tổ tiền liệt Lê Văn Sóc, sinh năm 1417 cùng vợ là bà Trần Thị Đào, sinh năm 1418 quê từ Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), dẫn nhau vào dừng chân tại đây. Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu dựng nhà cửa, khai phá, mở mang vùng đất tốt tươi, trù phú này. Sau một thời gian làm lụng vất vả, xua đuổi thú dữ để bảo vệ cuộc mưu sinh, ông bà đã khai phá được 467 mẫu điền địa, trong đó có 307 mẫu đất công, 160 mẫu đất tư điền thổ; sinh con, đẻ cháu, lập ra làng xã rồi mãi tới năm 1490 tên làng Giáo Ái mới chính thức được ghi danh trong địa bộ của chế độ cầm quyền đương thời.

Ông bà thủy tổ Lê Văn Sóc - Trần Thị Đào đã lần lượt sản sinh trên vùng đất này 3 phái gồm 18 chi tộc, chia đất làng Giáo Ái thành ba vùng là xứ đất Ông Mai, xứ đất Nhà Tạo và xứ đất Lò Gạch. Dân làng Giáo Ái bắt đầu xây dựng nhà thờ tộc Lê Văn vào năm 1766  rồi tiếp tục dựng đình làng Giáo Ái để thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tâm linh, làm nơi thờ cúng các vị Thành hoàng làng, các vị thần thánh luôn đồng hành cùng tâm tưởng của dân làng.

Lúc đầu đình làng Giáo Ái được dựng đơn sơ bằng tranh tre trên xứ đất Nhà Tạo với tên gọi đình làng Giáo Nghi, bao gồm làng Giáo Ái và Bàu Nghi, một địa danh khác của làng. Do phát hiện ở khu vực xung quanh đình làng có 872 bộ hài cốt lâu năm, không người thân thuộc, hương khói nên năm 1900, dân làng Giáo Ái đã di dời toàn bộ những hài cốt này tới an táng tại Nghĩa trủng rồi tiếp tục dời đình làng về xứ đất Ông Mai, lấy lại tên đình làng Giáo Ái. Việc dời mái đình về đây được người xưa tính toán khá kỹ, bởi ngoài yếu tố tâm linh ra, xứ đất Ông Mai được cho là thăng hoa nhất, lại nằm ở một vị trí trung tâm của ba xứ đất, rất thuận lợi cho dân làng sinh hoạt tập trung tại đình.

Gia phả ghi: Từ đấng thủy tổ tiền liệt trở về trước không đủ tư liệu trong tự sự thực lục, như ghi chép vào năm Minh Mạng thứ 7: “Nhược cao tổ nhi thượng tất thế viễn nhơn vong nan tường kỷ sự nhưng tiền liệt tự cao tổ dĩ vi sanh hạ tam phái chi nguyên”. Câu này có nghĩa rằng: Từ đấng cao tổ trở về trước thời gian quá xa, người không còn, khó khăn tường được rõ, tự sự thực lục có ghi lại được từ đấng cao tổ tiền liệt sinh hạ ra ba phái làm đầu nguồn.

Đình làng Giáo Ái tọa lạc giữa cánh đồng của xứ đất Ông Mai. Đây là khu đất có nhiều cây cối rậm rạp, đêm ngày thường xuyên vắng vẻ nên trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, đình làng là địa điểm hội họp, liên lạc giữa các cơ sở bí mật với cán bộ cách mạng, trong đó có  lão thành Lê Trí Miễn, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến lâm thời từ năm 1945. Ông Lê Trí Miễn đã dựa vào mái đình Giáo Ái để hoạt động, tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 1 tại ngôi đình này.

Đình Giáo Ái còn là mái trường làng gần gũi, thân thương với những đứa bé từ thời tóc để chỏm, những trẻ mục đồng quanh lũy tre làng. Những tiếng ê a đánh vần vang lên sớm tối tại ngôi đình chốn quê nhà giúp nhiều người sau này trở thành trí thức, nhân tài yêu nước. Các cụ cao niên kể rằng vua Minh Mạng đã ban sắc phong cho đình làng Giáo Ái. Sắc phong này ngày trước lý trưởng giao cho cụ Thủ Dung bảo quản nhưng trải qua bao biến cố của thời cuộc, sắc phong đã bị thất lạc. Năm 1966, đình làng Giáo Ái bị bom đạn dội đổ nát hoàn toàn, chỉ còn hai trụ biểu cổ kính, rêu phong, lỗ chỗ vết đạn.

Đến nay làng Giáo Ái không chỉ có 15 đời cháu con của thủy tổ tiền hiền Lê Văn Sóc - Trần Thị Đào mà còn có hơn 20 tộc họ khác quây quần, sum họp trong ngôi làng cổ ven một nhánh sông Thu Bồn. Từ nguồn đóng góp của con cháu gần xa, ngày 15-3-2019, đình làng Giáo Ái được phục dựng bề thế ngay trên nền móng cũ. Cách mái đình hơn cây số về hướng đông nam là khu đất Nhà Tạo, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của tiền hiền Lê Văn Sóc - Trần Thị Đào. Lăng mộ ông bà Thủy tổ được con cháu trùng tu, xây dựng khang trang giữa khu ruộng mướt xanh. Cứ vào dịp 12-9 Âm lịch hằng năm, dân làng Giáo Ái làm cỗ dâng cúng tiền hiền Lê Văn Sóc - Trần Thị Đào để tri ân công đức người có công khai khẩn, lập làng, cội nguồn của dòng họ Lê Văn nơi ba xứ đất. Đặc biệt, ngày 3-4-2021, Đảng bộ, chính quyền xã Điện Hồng cũng như dân làng Giáo Ái đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh cho đình làng Giáo Ái.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.