-Đó bây coi! Cô ả lại tới rù anh chàng. Ngộ thiệt tình, thương người ta mà cứ làm bộ chảnh! - Ông Chín cười hắc hắc, tay không ngừng lần theo vỏ bánh xe trong thau nước nổi váng dầu, tìm chỗ xì để vá.
Thằng Chánh ngó theo hướng nhìn của ông Chín. Nó đã biết ông đủ lâu để không phải ngạc nhiên khi những danh xưng rất người kia được ông dành cho một cặp mèo đen trắng. Cũng không ngạc nhiên nữa khi những ngón tay ông có mắt, thi thoảng cứ sửa xe như nghề này đã ngấm sâu vào máu mà không cần nhìn. Ông già này từng trải và đầy một bụng kinh nghiệm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bên kia đường, con mèo đực trắng đang nằm tắm nắng dưới giàn bông giấy sắp tàn rụng lả tả phủ hồng rực khoảng sân. Con mèo cái đen đi tới, lững thững như một người tản bộ ngắm cảnh. Bắt được mùi “người thương”, mèo trắng nhổm dậy liền, hớn hở đi tới bên. Mèo đen ra vẻ chán ghét, bước khỏi.
Nhưng cứ đi một quãng nó lại ngừng, cố tình chờ cây si màu trắng kia chạy tới. Cứ như vậy, hai con một trước một sau mất dạng trong khoảng sân um tùm lá nhà ông Ba Lé, chắc tìm một chỗ kín đáo mà rủ rỉ tâm tình. Giống mèo đâu có ưa người ta nhòm ngó mấy chuyện riêng tư, bởi có câu “Giấu như mèo giấu cứt”.
- Ông Chín mê mèo vậy sao không kiếm một con nuôi chơi? Nhà con mới đẻ một bầy nè, thích thì con…
- Thôi mày. Biết ở bao lâu mà nuôi. - Ông Chín thở hắt, cắt cụn ngủn cái cười của thằng Chánh.
Ông nhắc Chánh nhớ tới sự có mặt đường đột của ông vào một buổi chiều mưa xối như muốn lột da mặt đất, như đang cố đào kiếm những điều sâu kín cũ. Một ông già kỳ quặc, thích nói về chuyện tình của những con mèo.
Lẽ ra ông chủ không nhận ông Chín vô làm đâu. Ai tin nổi một ông già ướt rượt, te tua và xơ xác như tàu lá chuối bị gió quật tan nát, nói chưa dứt câu đã lụ khụ ho. Túi đồ nghề cùng bị quần áo cũ mèm cắp bên hông, trông có khác gì người trốn nợ đâu chớ.
Nhưng chắc ý trời, khách đem tới một ca khó nhằn. Thợ chính bữa nay nghỉ, gọi điện thoại thì ò í e, chắc đang quắp giò một cô nào đó trong mấy quán nhậu bên kia sông. Khách nằng nặc đòi gấp, còn kịp đi lấy giấy tờ chi đó.
- Để tui thử. - Ông Chín tự nhiên lên tiếng, nghe rõ và vang như tiếng sấm nổ chẻ đôi màn mưa.
Sự tự tin khiến Chánh cùng hai người đàn ông còn lại ngớ người mất mấy phút, mãi ông chủ mới gật đầu trước ánh mắt nghi ngờ của khách. Ông Chín ngồi bệt xuống, đôi bàn tay to bè lần giở túi dụng cụ lôi ra từng món. Thứ nào cũng cũ dơ hầy và có tuổi như ông.
- Thôi lấy đồ nghề tiệm kìa ông. - Ông chủ ngán ngẩm lắc đầu.
Ông Chín cười hề hề, gom lại túi đồ. Tay ông nhẹ nhẹ lần tới thùng đồ nghề thợ chính thường dùng. Rất kỳ lạ, Chánh nghĩ có lẽ đó là một nghi thức. Ông già nâng từng món lên, vuốt nhẹ theo cạnh kim loại, như đang chào hỏi. Ông kính cẩn xoay xoay chúng trong tay thử độ nặng nhẹ. Dường như bị bỏ bùa, ông chủ tì hẳn người vô tường để có thế đứng nhìn cho dễ, mặc kệ cái áo sơ mi trắng bị bụi tường ám dơ - điều ông cực kỳ ghét.
Ông Chín bắt đầu công việc, như người đang múa. Lạ lùng bàn tay to bè và nhăn nheo như những trái chuối già háp quắt héo đó lại uyển chuyển vô cùng. Chúng như hòa với cờ lê mỏ lếch, với nhớt với dầu. Chúng như được gắn radar, định vị tìm tới đúng những chỗ trục trặc của chiếc xe đang lên tiếng kêu cứu.
Hoặc có thể tại Chánh mới học việc, nên lần đầu thấy một người dày kinh nghiệm trổ tài đâm ra thần thánh hóa lên. Ông chủ nhìn một hồi, chép miệng, có nghề đó mai đi làm luôn được không ông.
Mọi chuyện có vẻ ổn hết, chiếc xe khách vui mừng nổ máy giòn giã chạy vút vô màn mưa. Cho tới khi hỏi ông Chín ở đâu, xin số liên lạc cho dễ kiếm nếu khách cần gấp, cái lắc đầu khiến Chánh và ông chủ chưng hửng:
- Tui chưa kiếm được chỗ ở. Tính kiếm việc trước. Không có điện thoại.
Anh thợ chính chỉ khó chịu trước sự xuất hiện của ông Chín vài ngày, sau cũng quen. Ai ghét được tấm lưng lầm lũi của ông già, gợi nhớ những ba những chú những ông hiền lành quê nhà. Hơn nữa, trong bóng lưng đó hằn rất đậm gió bụi bôn ba. Không ai nhắc ai, nhưng mọi người đều biết, ông chỉ ghé đây chút thôi, vài tuần vài tháng như ông nói, rồi sẽ rời đi.
Chánh ý thức được sự xa cách, đành dè xẻn thân thiết với ông. Mấy lần buồn đời tính rủ ông Chín lai rai chút cho vui, nhưng sợ men làm khắc sâu vô lòng anh ánh mắt nhăn nheo buồn rười rượi đó, nên lại thôi. Nếu biết trước gặp để tạm biệt, thì đừng có gầy dựng kỷ niệm chi cho bịn rịn cả người đi lẫn người ở lại.
Có điều, những câu chuyện tình mèo của ông Chín lôi cuốn anh quá sức. Anh không thể không chú ý tới chúng, những đám lông ấm nóng hay nhe nanh khè anh, khi ông Chín thủ thỉ quá nhiều ly kỳ lên. Ông thiệt tình có tài kể chuyện. Giọng kể bình dân trầm trầm, nghe ấm như nhấp ly trà trong buổi sớm đầy sương mặt trời mới nhen le lói. Tới mức, từ lúc nào không hay, nhìn con mèo trắng nằm bên vệ đường, anh đã sẵn suy nghĩ chắc nó buồn tình vì tự nhiên cô nàng đen lâu không thấy xuất hiện.
Những câu chuyện mèo của ông Chín luôn có nhân vật diễn ngay trước mặt. Giống như chúng đang nói bằng ngôn ngữ mèo, mỗi ngày, nhưng chỉ có ông nghe hiểu và kể lại. Dễ ợt như bà hàng xóm kể chuyện con dâu chăm con. Rõ mồn một như bà lão tấm tắc kể về đứa cháu cưng. Chỉ duy nhất một câu chuyện lờ mờ, Chánh đoán chừng là chuyện về cặp mèo hồi đó ông già nuôi.
- Ông đi miết, biết đâu nó về kiếm chủ không gặp tội chết! - Một bữa Chánh tự nhiên cảm thán, khi ông Chín kể hoài về cặp mèo. Lần thứ mười lăm hay gì đó. Bữa đó đang nắng thì mưa ụp xuống như ống bọng nhà Trời bị bể.
- Không, nó đi rồi. Nào tìm được vợ con, nó mới về. - Ông Chín như trở lại hình dạng te tua ngày mới tới đây, dù ông đang ngồi trong tiệm ráo khô.
Cả người ông già chìm lút, ướt rượt trong cơn mưa quá khứ. Quen thuộc tới nỗi, ông biết nó sẽ đến và đi, cứ mãi như vậy, chẳng cần bung dù hay tìm chỗ trú làm chi.
Con mèo mập bị thiến khi chưa biết mùi đời. Nhờ vậy mà đã mập nó lại càng mập. Chủ nó (chắc là ông Chín) sợ nó bỏ đi hoang nên ra tay trước. Cũng chẳng cản được tình yêu, một ngày đẹp trời mập ta phải lòng cô đốm cách nhà mấy căn.
Cả xóm ai cũng chọc mèo mập đổ vỏ. Bởi lẽ, chuyện nó tạm biệt khả năng làm cha đã rõ rành rành. Cái bầu của mèo đốm làm sao của nó cho được, trừ khi có những phép màu như truyện cổ tích. Mập không màng đàm tiếu của loài người, vẫn hằng ngày qua thăm vợ mình đều đặn, tới mức chủ nhà biết ý để sẵn đồ ăn cho nó, cũng như mua đồ ăn gửi bên nhà mèo mập dặn chủ nhà nào mèo đốm qua chơi lâu tới bữa cho ăn giùm.
Tới ngày mèo đốm chuyển dạ, đẻ một bầy đủ màu. Hên làm sao có cả màu vàng như mèo mập. Ngày đó, mèo mập cứ kêu ngao ngao hoài như đang khoe chiến tích: con tui, con tui mà thấy chưa, thấy chưa. Những đứa còn lại ngả xám rồi đen dần, khỏi nghĩ cũng biết di truyền từ con mèo hoang đen mặt có thẹo hồi trước hay tạt qua nhà mèo đốm ăn ké.
Chuyện tình mèo có lẽ tới đó là đẹp, nếu như không bị bàn tán quá nhiều. Mèo mập phởn phơ chẳng để tâm, nhưng người đàn bà của nó vừa đẻ con xong tâm lý ít nhiều bất ổn đã nghe thấy hết. Người ta chỉ biết chuyện đó, khi một ngày mèo mập tha mấy con cá khô chủ cho qua thăm mấy mẹ con, đã chẳng còn thấy đâu. Chỉ còn mùi lông âm ấp trong ổ, mèo mẹ đã dẫn bầy con bỏ đi biệt tích rồi.
Con mèo mập cũng đi hoang từ đó. Chắc nó muốn đi tìm vợ con mình, để nói là nó chẳng để tâm đâu, nó mập chứ không có ngu, nhưng nó thương như thương con nó mà. Thi thoảng, người trong xóm vẫn nghe tiếng mèo mập ngao ngao kiếm vợ. Không biết giờ nó đã tìm được vợ con nó chưa nữa.
- Bà với ông chắc cùng quê hả? - Chánh ghé quán chè bà Năm lần đầu trong buổi tối hẹn bạn gái mà nàng kêu đau bụng muốn ở nhà nằm nghỉ. Tiện đường tạt vô thôi, tính lấy chút ngọt dằn vô sự hụt hẫng hẹn hò bất thành.
- Ờ. Họ hàng xa. - Bà Năm cũng có những ngón tay mọc mắt, múc chè không nhìn cũng đều băng từng chén, chưa bao giờ đổ ra ngoài hay lấm lem miệng chén. Động tác gọn hơ.
Chánh ngồi trong cái quán nhỏ xíu đó, kê trước khu trọ xập xệ, riết thành quen. Chè bà Năm nấu ngon. Bà cũng duyên, lúc nào cũng đem lại cho mọi người cảm giác ấm áp. Mến bà, người ta không han hỏi những chuyện xa xôi, coi vụ quán chè của bà tới đây và may mốt lại đi như sự luân chuyển mặc định của mùa.
Cũng không ai muốn xoáy sâu vào mối quan hệ giữa bà Năm và ông Chín làm gì. Hai ông bà già mướn chung phòng trọ nhưng căn màn chia đôi, sự ý nhị cẩn trọng khiến người ta cất đi tọc mạch. Chánh cố kìm, nhưng một bữa cũng lỡ miệng hỏi dò:
- Sao bà chịu đi theo ông Chín vậy?
- Bỏ ổng một mình tội nghiệp. - Bà cười, vẫn hiền lành và ngọt ngay như món chè bưởi bà nấu, lẩn nhẩn những cùi bưởi đắng nhẹ áo trong lớp bột năng - Tui cũng không thân không thích, đi chung với ổng cho vui, có gì còn hụ hợ đỡ đần nhau.
Chừng biết nhiêu đó không đủ làm Chánh hài lòng, nhưng bà Năm vẫn coi như không. Bà như một đám mây trắng căng phồng, mà mỗi hơi nước tạo thành là một câu chuyện dài.
Đương im ắng, từ dãy trọ ai đó so dây đàn ca một câu não ruột:
“Mình chờ một kẻ tin xa
Đâu hay gần sát có ta chờ mình”
Bóng con mèo đen từ đâu vụt qua, lao về khoảng khuất đèn đường không rọi tới. Nhìn giống nàng mèo của con trắng hay nằm dưới giàn bông giấy rực hồng. Sóng đôi với nó là một con mèo đen khác.
Bà Năm thở dài nhìn theo bóng cặp mèo, nụ cười như héo đi từng chút:
- Có người trả lời giùm tui rồi đó. Vỏn vẹn chuyện cũng nhiêu đó thôi.
Bà nói ông Chín kể thiếu một phần, năm đó trong xóm còn một con mèo bỏ đi hoang nữa.
Nhìn bà Năm ngơ ngẩn ngồi xiêu vẹo giữa căn phòng trọ, Chánh thấy chân mình cũng ngả nghiêng theo. Tấm màn ngăn đôi nằm vắt trên dây, được kéo lên vội vàng, cũng chẳng thể tìm thấy nữa. Ông Chín đi mất chẳng hề báo trước câu nào. Đồ đạc bỏ lại hết.
Chánh biết tin sau một ngày ngóng chờ mà không thấy ông Năm tới tiệm. Ông chủ chậc lưỡi, xin nghỉ rồi. Nhờ lần trước ông chủ kiếm cho cái điện thoại cũ, mới liên lạc được với ông già. Không thôi, có
nước chờ tới Tết mới hay ổng sẽ không trở lại.
Chánh vội vã tới nhà trọ kiếm, nhắm tịt mắt mong mọi thứ không như mình nghĩ. Nhưng khi mở ra, sự thật hiển hiện trước mắt, rõ ràng: bà Năm bị bỏ lại, ngồi trong khoảng tối chỗ ánh sáng đèn từ bên ngoài không hắt tới. Bà lọt thỏm trong đó, đôi mắt tê dại ánh lên những câu hỏi mà người có thể trả lời đã biệt tăm biệt tích.
- Chắc ổng kiếm được người ta rồi, nên đi cho kịp. - Nhận ra sự hiện diện của Chánh, bà khe khẽ nói. Tiếng nói như những chiếc lá khô, rụng mệt mỏi xuống đất.
Chánh cũng đoán vậy. Ông Chín dành cả đời theo đuổi điều đó mà. Ông mải miết kiếm tin vợ con, đâu để ý chi xung quanh nữa. Chánh cũng mong ông đoàn tụ được với gia đình. Nhưng còn bà Năm, anh không biết sẽ làm sao đây.
- Rồi… bà tính ở chờ ông về? - Chánh nuốt câu hỏi mấy lần, tới bạc thếch mới nhả khỏi miệng. Anh không muốn nó còn một chút cảm xúc nào, sợ gợn đau lòng một người đang dậy sóng.
- Không. - Bà lắc lắc đầu. Mái tóc bạc mỏng dờn đang búi thành túm nhỏ mất thăng bằng xổ tung ra. - Tìm được rồi, người ta về chi nữa hả cậu. Chắc tui về quê. Ở cũng chẳng để làm gì nữa.
Chánh im lặng, không biết phải nói sao. Anh chẳng qua chỉ là thằng học việc non tay, cả sự đời cũng trải chưa tới một gang. Chỉ biết đứng lên, ra về, nói mai quay lại phụ bà Năm dọn đồ đạc. Lòng anh tớn tác suy nghĩ, hay gọi thử ông Chín, biết đâu…
Cơn mưa không thể tẩm ướt được tấm lưng già. Nụ cười rừng rực cháy lên, đột ngột đậu nơi cánh cửa thiếc đã kéo lại một nửa để chắn mưa khỏi tạt. Ông Chín hề hề ở đó, bất thình lình như lần xuất hiện đầu tiên. Cũng như lần đó, ông tới xin việc.
Ông chủ hoảng hồn mấy phút, rồi bật cười. Càng cười lớn hơn, khi nghe ông Chín hỏi, làm bao lâu thì đủ tiền mở tiệm. Tiệm nhỏ nhỏ thôi, nằm trước nhà, kế bên là cái chái bán chè bưởi. Tiệm sẽ ở dưới quê, nơi có những con mèo đã chán đi hoang quày quã trở về.
Nước mắt ông chủ ứa khỏi nếp nhăn, ông vội vàng đưa tay gạt phăng. Sự mủi lòng dễ dàng dấy lên, khi chứng kiến một thân gỗ trải trần ai còn kịp biết bàn về hạnh phúc. Ông Chín đang ở đây, đang kể về một tương lai gần lắm. Của hai con mèo già, hủ hỉ bên nhau.
- Còn con mèo đốm sao ông? - Cuối cùng Chánh cũng hỏi. Anh tha thiết muốn biết, vì đâu, một người bỏ ước mong cả đời để quay lại.
- Ờ. Con mèo mập kiếm được con mèo đốm. Mèo đốm đang hạnh phúc lắm. Mèo mập chỉ tới để nói, không giận hờn gì hết trơn, yên tâm mà sống nhe. - Ông Chín móm mém cười, nhìn như một bông vạn thọ vàng rực.
Giờ thì Chánh hiểu, cuộc truy vết của ông là để tha thứ cho chính mình, để buông bỏ hết mọi khúc mắc còn kẹt lại, mà ông biết, nếu để đó sợi dây chẳng thể nào căng thẳng thớm. Phải tìm, tháo đi, rồi dùng nó buộc lấy những chuyện mới. Như chuyện tình của hai con mèo móm mém, có một con vừa khóc, vừa nấu chè bưởi đâu đó trong căn phòng trọ nhỏ xíu, nơi tấm màn ngăn đôi đã được dẹp đi.
PHÁT DƯƠNG