Về trận mưa lịch sử ngày 14-10-2022 ở Đà Nẵng

.

* Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng sáng 15-10 vừa qua, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, nhận định đợt mưa ngày 14-10 là trận mưa lịch sử, lưu lượng lên đến khoảng 700mm. Xin cho hỏi, lượng mưa 700mm nghĩa là gì và vì sao gọi đây là “trận mưa lịch sử”? (Lưu Phương, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Trận mưa lịch sử đã làm ngập đường Quảng Xương đoạn qua khu phố chợ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (ảnh chụp lúc  11 giờ 30 ngày 15-10-2022). Ảnh: V.T.L
Trận mưa lịch sử đã làm ngập đường Quảng Xương đoạn qua khu phố chợ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (ảnh chụp lúc 11 giờ 30 ngày 15-10-2022). Ảnh: V.T.L

- Trong chương trình dự báo thời tiết, các biên tập viên thường nói lượng mưa khoảng vài trăm hay vài chục milimét (mm). Trả lời câu hỏi “Vì sao dự báo thời tiết lại dùng milimét để đo lượng nước mưa?”, trang Vnreview.vn cho biết như sau:

Lượng mưa là chiều dày của lớp nước mưa rơi xuống tại một địa điểm nào đó. Nếu trong chương trình dự báo thời tiết, người ta thông báo “đo được lượng mưa khoảng 300mm”, thì điều đó có nghĩa, đường sẽ ngập khoảng 300mm nước sau cơn mưa nếu đất không ngấm nước. Tuy nhiên trong thực tế, đất sẽ ngấm nước và lượng nước đó lại chảy ra các sông, suối… nên chúng ta sẽ không thể cảm nhận trực tiếp được lượng nước mưa.

Với một cơn mưa có lượng mưa 200mm và cái sân 100m2 sẽ thu được 20m3 nước. Vì vậy, nếu mưa trên diện tích lớn ở nhiều tỉnh, thành phố, lượng nước chảy về các sông suối sẽ cực kỳ lớn.

Báo Zingnews.vn, trong bài “Giải mã trận mưa ngập lịch sử ở Đà Nẵng” đã dẫn lời chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, cho rằng trận mưa liên tục 6 giờ (15giờ-21giờ) ngày 14-10 vừa qua với lượng lên tới 567mm là trận mưa “khủng khiếp”. Từng có thời gian làm việc tại Đà Nẵng, bà cho biết đây có thể là lượng mưa lịch sử tại khu vực này và mức độ ngập cũng là chưa từng có.

KTS. Bùi Huy Trí, sau khi đưa ra con số về lượng mưa như trên, đã diễn giải một cách cụ thể như sau, trong bài “Đà Nẵng sau trận mưa lịch sử - Vài suy nghĩ từ góc độ quy hoạch” đăng trên baoxaydung.com.vn: “Trước hết hãy hình dung một cách đơn giản về lượng mưa trên 567mm/6h là như thế nào. Đó là hình ảnh một khối nước có diện tích bằng thành phố Đà Nẵng và dày gần 0,6 mét đổ xuống địa phận Đà Nẵng trong vòng 6 giờ. Thể tích khối nước đó tương đương 500 triệu khối nước, gấp rưỡi dung tích hồ Phú Ninh của tỉnh Quảng Nam”.

Bài phân tích “5 nguyên nhân khiến Đà Nẵng hứng chịu trận mưa lớn lịch sử” đăng trên cafef.vn, cho biết: “Riêng tại thành phố Đà Nẵng, mưa tập trung chính trong thời gian từ 1 giờ ngày 14-10 đến 1 giờ ngày 15-10, một số nơi có mưa rất lớn như: Trạm Đà Nẵng 697,6mm, Suối Đá 775.2mm. Mưa lớn đã làm ngập sâu trên diện rộng ở nhiều khu vực của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các quận/huyện: Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn”.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) quy định lượng nước mưa lớn hay nhỏ căn cứ theo số liệu như sau:

Mưa vừa: Từ 16mm đến 50mm/24 giờ , hoặc 8mm đến 25mm/12 giờ.

Mưa to: Từ 51mm đến 100mm/24 giờ, hoặc 26mm đến 50mm/12 giờ.

Mưa rất to: > 100mm/24 giờ, hoặc > 50mm/12giờ.

Theo các nghiên cứu, từ cấp mưa to (51mm-100mm/24 giờ) trở lên đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người. Huống gì Đà Nẵng vừa qua đã “hứng” trận mưa đến khoảng 700mm!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.