Người Bh'noong nhớ chiếc pa nếng

.

Xưa kia, tộc người Bh’noong (thuộc dân tộc Giẻ Triêng) sống ở vùng rừng núi cao, hẻo lánh tỉnh Quảng Nam. Để phòng thân chống lại thú dữ, bảo vệ làng, họ có một loại vũ khí thông dụng giống như chiếc ná của người Kinh.

Ông Trần Văn Kiên mô tả từng bộ phận của ná để lớp trẻ luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Ảnh: S.G.P
Ông Trần Văn Kiên mô tả từng bộ phận của ná để lớp trẻ luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Ảnh: S.G.P

Người Bh’noong chế tác ra chiếc pa nếng, người Kinh gọi là ná, không chỉ ngăn ngừa thú rừng không phá nhà cửa, hoa màu trên rẫy nương mà còn được đàn ông Bh’noong dùng phòng thân, để săn bắn những con sóc, con dúi, các loài chim... nhằm kiếm thêm nguồn thức ăn cho bữa cơm hằng ngày.

Theo truyền thống người Bh’noong, từ trẻ cho đến trưởng thành, người đàn ông luôn ao ước có một chiếc ná. Bà con cho rằng, nam giới đến tuổi trưởng thành có sức khỏe tốt, có tài săn bắn thú rừng thì sẽ được thiếu nữ chọn làm chồng. Ngay từ nhỏ, trẻ em trai đã được người lớn bày cách làm ná và đưa đi rừng để làm quen với săn bắn bằng vụ khí thô sơ này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi và qua tư liệu điền dã dân tộc học, ngày trước ông bà người Bh’noong đã biết dùng cây cà chick (người Kinh gọi là cây pơ mu) để làm cánh ná. Đây là loại cây có thớ gỗ thẳng đều, không mắt, dẻo, dai có tính đàn hồi, không bị cong vênh, chịu nắng mưa và không bị mối mọt. Cây cà chick không mọc ven sông, suối ẩm ướt mà mọc hai bên núi đá, dưới những tán cây rừng rậm rạp; có khi lội rừng từ 2 đến 3 ngày mới tìm được.

Ông Trần Văn Kiên, ở thôn 1, xã Phước Công, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những người hiếm hoi còn biết kỹ thuật làm ná, cho biết theo kinh nghiệm truyền lại, khi chọn cây cà chick có độ to chừng bắp chân người lớn, đàn ông dùng rìu, rựa chặt vào cây theo hướng mặt trời lặn làm dấu, không chọn cây ở hướng mặt trời mọc. Hạ cây xong, họ chặt theo từng đoạn khoảng 6 gang tay (tầm trên 1 mét) trở lên, sau đó chẻ các đoạn làm hai, chỉ lấy nửa theo hướng mặt trời lặn, bỏ nửa kia theo hướng mặt trời mọc. Xong, tìm cây hưh yal (cây gỗ dỗi) làm thân ná. Đây là loại gỗ có mùi thơm, dùng làm ná thì khi đi săn, thú rừng khó phát hiện. Để làm dây ná và mũi tên, người Bh’noong chọn cây wâyq miêr (cây giang) có lóng thẳng, không già, không non, không bị kiến đục lỗ, sam hay bị cụt ngọn thì mới có độ bền, dẻo dai để kéo không bị đứt. Còn mũi tên, cũng chọn từ cây giang thật già, thẳng thì khi bắn mũi tên cho độ chính xác cao. Tất cả được đem về để trên giàn bếp cho thật khô.

Mùa mưa, đàn ông dân tộc Bh’noong rảnh nương rẫy, thường rủ nhau làm ná theo cách được truyền từ đời này sang đời khác, người này truyền kinh nghiệm cho người kia. Ông Kiên cho biết, khó nhất và tốn thời gian nhất là phần vót cánh ná, đòi hỏi hai bên cân đối, phải hơ nóng vào lửa rồi từng nhát dao trau chuốt, cạo, uốn. Tùy vào sức khỏe của mỗi người mà cánh ná thường có độ dài, ngắn khác nhau. Những thanh niên trai tráng lực lưỡng, có sức khỏe tốt thì làm ná với cánh ná dài cả gang tay (hơn 1m), còn thân ná cao 55-60cm để săn bắn các loài thú lớn như con mang, nai, sơn dương, heo rừng. Muốn làm một chiếc ná chuẩn, có độ chính xác cao, đúng kỹ thuật thì không phải đàn ông Bh’noong nào cũng có kỹ năng làm được. Nếu không biết làm, khi bắn không chuẩn xác, đôi khi cánh ná sẽ bị gẫy. Nói chung làm ná rất khó, ít người làm được, còn bắn ná thì hiện nhiều người biết.

Muốn làm thân ná có độ chính xác, phần đầu thân được xẻ một rảnh thật thẳng kéo dài tới lẫy ná để làm đường ngắm. Thân ná có dáng hình chữ nhật và nhỏ dần về sau. Trên phần thân ná, tính từ dưới lên khoảng một gang tay (20cm), khoét một lỗ nhỏ để gắn lẫy ná. Từ lẫy ná về phía đầu của thân ná có khoét lõm sâu một đường thẳng, vừa giữ thăng bằng vừa để cho chiếc tên đi thẳng trúng mục tiêu. Lẫy ná, còn gọi là cò ná, có thể dùng từ cây gỗ dỗi hoặc từ móng chân của con trâu, bò hoặc sừng con sơn dương. 

Công đoạn làm dây ná cũng lắm công phu, mất nhiều thời gian. Cây giang đem chẻ ra, vót mỏng chỉ lấy phần cật. Chẻ hai đầu cọng giang thành nhiều cọng nhỏ, rồi dùng đôi bàn tay xe cho săn lại với nhau thành một vòng nhỏ cài vào hai đầu cánh ná. Tùy thuộc vào cánh ná mà dây ná có độ dài, ngắn khác nhau. Còn muốn làm mũi tên có độ chính xác cao, thì phải chẻ cây giang vót tròn đều cỡ bằng ngón tay út trẻ em. Tùy theo độ dài của thân ná mà chế tác mũi tên cho phù hợp, chính xác dài từ 40-50cm, chỉ đàn ông có kinh nghiệm mới làm được.

Người Bh’noong theo tín ngưỡng đa thần, sau mỗi lần đi săn bắn được thú rừng đều lấy huyết của con thú bôi lên cánh ná với mong muốn thần linh phù hộ khi bắn tên không bay trúng người, mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, lần sau săn bắn được nhiều hơn.

Ngày nay, tại địa bàn đồng bào Bh’noong sinh sống thuộc huyện vùng cao huyện Phước Sơn, các loài động vật hoang dã đều được đưa vào danh sách bảo vệ, nên đàn ông Bh’noong không còn dùng ná để săn bắn thú rừng nữa. Tuy vậy, tộc người Bh’noong luôn xem chiếc pa nếng là vật dụng thiêng liêng, là hình ảnh tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên, thể hiện được sức mạnh, bản lĩnh và sự khéo léo của đàn ông dân tộc mình. Pa nếng còn là một trong những kỷ vật được gìn giữ trong gia đình như để bà con hoài niệm về một thời đáng nhớ...

Ôn lại chuyện xưa, những nghệ nhân như ông Trần Văn Kiên đã giúp cho tộc người Bh’noong gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, qua đó giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc Bh’noong - một cư dân sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

SƠN GIA PHÚC

;
;
.
.
.
.
.