Những tấm ảnh cũ

.

Ngoại có mười hai đứa con nên đàn cháu rất đông đúc. Nhưng tôi may mắn là đứa cháu gái gắn bó nhiều nhất với Ngoại, từ khi còn lẫm chẫm bước đến lúc rời quê năm mười tám tuổi. Ấu thơ có bóng lưng Ngoại dịu dàng vỗ về đứa nhóc mè nheo không chịu đi học. Ấu thơ có nhịp võng Ngoại mắc, dụ dỗ đứa nhóc thường trốn ngủ trưa. Ấu thơ có lời bảo ban ân cần, cũng có cái khẽ tay điếng người của Ngoại mỗi khi đứa nhóc tính toán vừa chậm vừa sai. Ấu thơ, là cả vùng trời bình yên bên Ngoại…

Những tấm ảnh tư liệu này giúp tôi có thể mường tượng ấu thơ của mình.  Ảnh: KHA MIÊN
Những tấm ảnh tư liệu này giúp tôi có thể mường tượng ấu thơ của mình. Ảnh: KHA MIÊN

Ngoại không chỉ chăm từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy con chữ đầu đời mà còn giúp tôi lưu giữ thanh xuân. Chẳng nhớ từ đâu mà Ngoại có chiếc máy ảnh film Exa 1b - tài sản đắt giá thời điểm ấy. Cũng vì vậy, Ngoại gìn giữ chiếc máy rất cẩn thận, chỉ những dịp quan trọng mới đem ra xài, như ngày Tết, ngày giỗ, ngày sinh nhật… Khi tôi lớn hơn chút xíu, Ngoại hướng dẫn tôi trở thành “phó nháy”, từ sử dụng film đúng cách đến kỹ thuật chụp… Dẫu vậy, lần đầu tiên được giao trọng trách, tôi vẫn hậu đậu làm hỏng cuộn film vừa chụp do thao tác tháo gỡ và cất giữ chưa cẩn thận, để lọt ánh sáng mặt trời. Đợt đó, Ngoại giận lắm nhưng lần tiếp theo vẫn tiếp tục tin tưởng để tôi làm “phó nháy”.

Vài năm sau đó, khái niệm “chụp film” trở thành quá khứ. Những chiếc máy ảnh kỹ thuật số với thẻ nhớ tiện dụng và tiết kiệm ra đời đã khiến thời kỳ hoàng kim của những ông trùm như Kodak hay Fujifilm sụp đổ. Biết con gái mê chụp ảnh, ba mẹ vẫn cố gắng dành dụm và bất ngờ tặng tôi chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn của Canon dẫu cuộc sống còn nhiều chật vật. Cũng từ đó, chiếc máy ảnh… của Ngoại dần phủ bụi vì không còn ai nì nèo hỏi mượn.

Còn tôi - cô học trò lớp 12 - đi đâu cũng khư khư chiếc máy ảnh mới, chụp mọi lúc mọi nơi mà không còn phải đắn đo suy nghĩ về số lượng ảnh còn lại của cuộn film. Tôi háo hức lưu giữ hình ảnh những buổi học cuối cấp nhiều nỗi niềm, các tiết thể dục rộn ràng tiếng cười. Tôi mê mải chụp sân trường rợp bóng nắng, mái nhà nhiều hoa lá. Tôi rủ bạn bè, dụ người nhà trở thành “người mẫu bất đắc dĩ”. Chụp nhiều nhưng tôi chẳng dám in ảnh như hồi xài máy ảnh film của Ngoại vì… không có tiền. Tôi lưu trữ ảnh vào chiếc máy tính cũ có phần rệu rã được người quen cho, phân chia từng thư mục cẩn thận. Nhưng niềm vui ngắn đến độ tôi khóc nhiều ngày liền vì mất sạch kỷ vật thời gian ấy. Máy tính nhiễm vi-rút xóa toàn bộ dữ liệu, cả hồi ức thanh xuân tươi đẹp tôi nâng niu từng chút một.

Cũng vì thế, với tôi, những album ảnh luôn là một trong những đồ vật được gìn giữ đầy trang trọng. Mỗi khi chông chênh giữa bộn bề cuộc sống hiện tại, tôi ngồi lại với những trang ảnh, tìm về trong trẻo của quá khứ. Ngoại mất, tôi lần nữa tần ngần lật giở các album ảnh thời thơ bé, đa số được chụp vào dịp sinh nhật tôi và em gái. Chẳng ít lần mở toang cánh cửa trí nhớ, có khi vui, cũng có lúc buồn, nhưng lần này, cả một trời nhớ thương ùa về, chao ôi là xốn xang. Ngay đầu mỗi album, Ngoại đều cẩn thận chú thích về tuổi lên mấy của chúng tôi. Riêng các bức ảnh lẻ đều có dòng chữ nắn nót về lý do hoặc địa điểm chụp ở mặt sau. Gia tài hồi ức ấy vốn đã rất trân quý với tôi, nay vắng bóng Ngoại lại càng thêm dào dạt cảm xúc.

Tôi lật từng trang ảnh, thấy mình lớn dần theo năm tháng qua từng cú bấm máy của Ngoại. Có tôi của tuổi lên tám háo hức ôm con gấu bông đầu tiên ba mẹ tặng sau vài năm biền biệt đi làm ăn xa. Có tôi của tuổi lên mười dịu dàng bên những chậu cây Ngoại trồng cùng anh chị em họ. Có tôi của tuổi mười lăm bẽn lẽn bên bạn bè những năm cuối cấp hai. Cũng có tôi mừng mừng tủi tủi đoàn tụ cùng ba mẹ nơi đất khách… Có những bức ảnh chuẩn chỉnh do Ngoại chụp, cũng có vài bức ảnh với bố cục hơi kỳ cục được tôi chụp trong những lần đầu cầm máy. Nếu không có những thước ảnh tư liệu này, hẳn rằng, tôi đã không thể mường tượng sinh động ấu thơ của mình từng ra sao.

Cảm ơn những tấm ảnh cũ đã cho tôi biết mình đã từng được yêu thương đến nhường nào!

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.