XÂY DỰNG CON NGƯỜI VĂN HÓA

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

.

Ông bà ta có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” hoặc “Hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau”. Qua mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh thì mối quan hệ tình cảm láng giềng trong thôn xóm, khu phố càng trở nên đoàn kết và khắng khít hơn. Trong đó, ban điều hành tổ dân phố nói chung và bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối kêu gọi người dân chung tay giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.

 Các em nhỏ trong CLB “Môi trường nhí” ở khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu thu gom rác tài nguyên. Ảnh: T.N
Các em nhỏ trong CLB “Môi trường nhí” ở khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước, quận Hải Châu thu gom rác tài nguyên. Ảnh: T.N

Cứ sau mỗi đợt bão lũ, bác tổ trưởng xóm tôi (tổ 63, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) cùng chi hội phụ nữ, ban công tác mặt trận khu dân cư lại đến từng nhà thăm hỏi tình hình thiệt hại lũ lụt và kêu gọi mọi người đóng góp tiền ủng hộ những hộ gia đình đang tạm trú tạm vắng tại tổ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Đặc biệt, khi Covid-19 bùng phát, nhiều gia đình bị nhiễm F0 phải thực hiện cách ly, ban điều hành tổ dân phố đã trích quỹ của tổ đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ trao quà, nhu yếu phẩm cho nhiều gia đình, nhờ đó bà con yên tâm điều trị tại nhà.

Những dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, các cô chú trong ban điều hành tổ dân phố nhiệt tình vận động người dân quyên góp kinh phí để tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu và tặng quà tiếp sức đến trường cho các học sinh con hộ nghèo, hộ khó khăn. Không chỉ vậy, những lúc trong tổ chẳng may có người ốm nặng hoặc qua đời, ban điều hành tổ dân phố cử người đại diện thăm hỏi động viên kịp thời. Qua đó, tình cảm người dân trong khu dân cư ngày càng được củng cố và gắn bó mật thiết hơn.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố còn tổ chức thực hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như phong trào thu gom phế liệu, mô hình trồng rau sạch trên đất trống vừa gây quỹ học bổng cho khu dân cư vừa góp phần làm xanh, sạch, đẹp kiệt, hẻm.

Điển hình như khu dân cư Bình Phước 1 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) với mô hình CLB “Môi trường nhí” do Bí thư chi bộ Phạm Công Lương sáng lập. Mô hình này đã tập hợp được nhiều em nhỏ trong khu phố tham gia. Ngoài giờ học, các em chung tay thu lượm rác tái chế để gây quỹ, qua đó giúp các em giao lưu, thắt chặt tình cảm láng giềng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cụ thể như em Duy Long, trước đây là thành viên CLB “Môi trường nhí” Bình Phước 1, mặc dù gia đình đã chuyển nhà đến phường khác hơn 2 năm nay nhưng mỗi khi trở về thăm xóm cũ, Duy Long vẫn không quên mang những thùng giấy, vỏ lon... ủng hộ CLB như một thói quen.

Cũng từ mô hình này, hằng năm, khu dân cư Bình Phước 1 tiết kiệm trung bình vài chục triệu đồng để trao học bổng cho học sinh học giỏi và giúp đỡ các gia đình nghèo khó trong tổ. Nhất là lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người không có việc làm, nhưng nhờ nguồn quỹ của mô hình này đã giúp đỡ nhiều hộ khó khăn.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, người dân và các em CLB “Môi trường nhí” đã tiết kiệm hơn 27 triệu đồng từ việc thu gom rác tài nguyên. Ban điều hành khu dân cư Bình Phước 1 đã trích hơn 6 triệu đồng trao 28 suất quà cho các hộ khó khăn do dịch bệnh. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, khu dân cư Bình Phước 1 cùng các bạn nhỏ trong câu lạc bộ cũng tổ chức trao 21 suất quà trị giá 9,6 triệu đồng cho các hộ khó khăn để có cái Tết thêm ấm áp. Ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu vừa qua, Ban điều hành tổ dân phố 48 và 49 ở khu dân cư Bình Phước 1 cũng tổ chức liên hoan, trao quà cho các em học sinh cấp 2, cấp 3 có thành tích tốt trong học tập. Tuy là hành động nhỏ nhưng đã trở thành việc làm ý nghĩa và thường xuyên ở khu dân cư Bình Phước 1 trong nhiều năm qua, góp phần lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.

Ngày nay nhiều ban điều hành tổ dân phố/thôn đã tận dụng mạng xã hội và các ứng dụng trong việc kết nối người dân, từ đó giúp việc tuyên truyền, vận động hiệu quả, kịp thời hơn; khơi dậy tấm lòng của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, bà con nhân dân tham gia các phong trào “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, “Tương thân, tương ái”… Nhờ đó, mọi hoạt động của Mặt trận, tổ dân phố được thực hiện nhịp nhàng, duy trì thông suốt, giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sống, chấp hành thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

TÂM NHƯ

;
;
.
.
.
.
.