XÂY DỰNG CON NGƯỜI VĂN HÓA

Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn hóa, văn minh

.

Năm 2015, Đà Nẵng phát hành sổ tay “Văn hóa người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, nêu những quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình, nhà trường lẫn không gian công cộng, khu dân cư…  Ông Bùi Xuân, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy - đơn vị biên soạn  khi đó nói rằng, đây chính là bước ngoặt quan trọng trong câu chuyện xây dựng lối sống, con người Đà Nẵng trong thời kỳ mới.

Lối ứng xử chuẩn mực, văn hóa được các cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng đề cao. TRONG ẢNH: Nhân viên ngành Điện lực Đà Nẵng luôn vui vẻ, hòa nhã với khách hàng. Ảnh: TÁO ĐIỆN LỰC
Lối ứng xử chuẩn mực, văn hóa được các cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng đề cao. TRONG ẢNH: Nhân viên ngành Điện lực Đà Nẵng luôn vui vẻ, hòa nhã với khách hàng. Ảnh: TÁO ĐIỆN LỰC

Trực tiếp biên soạn nội dung sổ tay “Văn hóa người Đà Nẵng thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, ông Bùi Xuân cho biết, điều ông đau đáu nhất, chính là làm sao dung hòa tính cách, con người xứ Quảng trong nhịp điệu phát triển đô thị. Bị ví von “Quảng Nam hay cãi”, nhưng người xứ Quảng được khen ngợi bởi lối sống trọng tình, trọng đạo đức, có ý thức gánh vác, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Những hành vi, lối sống văn hóa người Đà Nẵng nêu trong sổ tay có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, trên tinh thần cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của thành phố về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, như lối sống không rác, không tệ nạn, đến các ứng xử chuẩn mực nơi công cộng, trường học, khu dân cư, công sở hoặc văn minh thương mại…

Lối sống văn hóa, nhìn từ quy tắc ứng xử

Hơn 30 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Nguyễn Anh Tuấn (72 tuổi, sống tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê), kể 8 năm trước, ông tham gia cuộc họp do chính quyền tổ chức, nội dung quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Trong 7 nhóm nhiệm vụ, ông quan tâm đến việc làm thế nào xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, lịch sự và giàu tính nhân văn; đặc biệt, các nhóm giải pháp phải tiếp cận được đối tượng người nhập cư, chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Ông cho rằng, nếp sống văn hóa phải được định hình từ những hành vi cụ thể, như ý thức, trách nhiệm tham gia giao thông; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư; các quy định về việc cưới, tang, lễ hội; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự an ninh đô thị, gây rối trật tự nơi công cộng…

“Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ chủ trương xây dựng thành phố văn hóa, từ đó tự răn bản thân và người thân của mình. Trong nhiệm vụ này, mỗi người cùng nhau góp sức, thông qua cách ứng xử chuẩn mực, có trách nhiệm nhằm bồi đắp những giá trị nhân văn, lối sống kính trên, nhường dưới”, ông Tuấn nói.

Những ngôi nhà ở tổ 4, phường Thạc Gián, nơi ông Tuấn làm tổ trưởng nằm chen chúc trong con hẻm chật chội trên tuyến đường Lê Duẩn. Nhà đối nhà, ngõ đối ngõ, nếu không hòa thuận sẽ khó triển khai các công việc chung. Ông Tuấn nói, như nhiều khu vực dân cư, người dân tổ 4 xung phong tham gia tất cả các mô hình địa phương phát động, như tổ dân phố không rác, khu dân cư thân thiện môi trường, ra quân ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, thu gom pin đã sử dụng… Những hành vi không chuẩn mực đều được nêu ra trong các cuộc họp tổ dân phố để người dân góp ý, khắc phục. “Nhờ lối sống chuẩn mực, trọng tình, người dân trong khu vực sống đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều gia đình có việc đi vắng vài ngày, tin tưởng giao chìa khóa cho hàng xóm nhờ chăm sóc cây xanh hoặc gửi thú nuôi nhờ trông coi hộ”, ông Tuấn vui vẻ nói.

Tiếp nối kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU, năm 2022, UBND quận Thanh Khê tăng cường triển khai mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” tại các phường: Thanh Khê Tây, Thạc Gián, Hòa Khê. Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, bộ tiêu chí xây dựng “Khu dân cư thân thiện môi trường” gồm 6 nội dung với 18 yêu cầu liên quan đến các vấn đề rác thải; động vật nuôi; nước thải, khí thải, tiếng ồn; xây dựng môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng chống cháy nổ. Để mô hình đi vào thực chất, tạo chuyển biến trong thay đổi hành vi, lối sống theo hướng tích cực, mỗi tổ dân phố ký cam kết thực hiện, riêng khu dân cư Tam Giác 3A, phường Thạc Gián (được chọn xây dựng mô hình điểm cấp thành phố) thành lập tổ vận động thực hiện mô hình gồm 10 thành viên là đại diện Ban công tác Mặt trận khu dân cư, các tổ dân phố và hội, đoàn thể liên quan. Những gia đình sinh sống tại khu dân cư thân thiện môi trường bảo đảm thực hiện nghiêm quy định thu gom, tập kết rác thải đúng nơi quy định; không rải gạo muối, giấy cúng hoặc đốt vàng mã ngoài vỉa hè; không gây ô nhiễm tiếng ồn; chịu trách nhiệm vệ sinh và chăm sóc cây xanh trước khu vực nhà ở…

Tuổi trẻ Đà Nẵng tham gia khóa tập huấn về văn hóa khi tham gia giao thông. Ảnh: T.Y
Tuổi trẻ Đà Nẵng tham gia khóa tập huấn về văn hóa khi tham gia giao thông. Ảnh: T.Y

Nâng tầm chiến lược trong xây dựng con người văn hóa

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng toàn diện là nội dung cốt lõi trong Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 19-7-2022 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Cùng với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, hoàn thiện các loại hình thiết chế văn hóa, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 có 85% địa phương, cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng văn hóa cơ sở. Kế thừa, phát huy những tinh hoa văn hóa gia đình truyền thống, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo. Trong đó, tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao ý thức văn hóa trong tất cả các mặt kinh tế - xã hội như văn hóa công vụ, văn hóa công sở, văn hóa thương mại, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông, văn hóa du lịch, văn hóa ứng xử nơi công cộng…

Đến nay các cấp, ngành, địa phương của thành phố đều ban hành những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, người dân trong giao tiếp, làm việc với nội dung ngắn, gọn, sát thực tế. Đơn cử, huyện Hòa Vang ban hành các chuẩn mực đối với cán bộ, công chức như giảm lời nói, tăng hành động; giảm lý do, tăng biện pháp; giảm phàn nàn, tăng nhiệt huyết; biết nêu gương, biết ứng xử có văn hóa… Đối với quận Thanh Khê, ngoài quy định người cán bộ phải luôn tận tâm với công việc, tận tụy với người dân, Hội Cựu chiến binh xây dựng phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Liên hiệp Phụ nữ quận với mô hình 3 biết, 3 hỗ trợ… Đây là cơ sở đánh giá kết quả làm việc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo những chuẩn mực đạo đức đã đề ra.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, thông qua các quy định về chuẩn mực ứng xử trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình thực thi nhiệm vụ sẽ lan tỏa lối sống đẹp, có văn hóa đến toàn dân. Từ đó, nâng cao những giá trị tốt đẹp trong giao tiếp, ứng xử của người dân nông thôn. Đây cũng là mục tiêu của huyện Hòa Vang trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng lối sống văn hóa, văn minh.

Trước đó, Đà Nẵng cũng đưa ra những quy tắc ứng xử văn hóa trong ngành du lịch như luôn chào hỏi; nói lời cảm ơn, xin lỗi; không đeo bám, chèo kéo du khách; xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng; giúp đỡ người lớn tuổi, người già, tàn tật, trẻ em. Ngoài ra, bộ quy tắc này cũng yêu cầu người dân, du khách không thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng; không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi; không phá hoại di tích…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá, bộ quy tắc ứng xử du lịch dành cho 3 đối tượng (gồm người dân, du khách và người hoạt động trong ngành du lịch), với mục tiêu xây dựng điểm đến Đà Nẵng an toàn, thân thiện, văn minh, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các hoạt động liên quan. Theo ông Dũng, cách ứng xử văn hóa, chuẩn mực của người dân Đà Nẵng nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đã giúp thành phố thu hút lượng lớn khách du lịch, tạo nên thói quen giao tiếp lịch sự, nền nã, sẵn sàng nói câu “xin chào”, “xin lỗi”, “xin cảm ơn”…

Có thể nói, bằng những quy định cụ thể, thành phố đã nâng tầm chiến lược trong xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh. Ở khía cạnh khác, các mô hình sống xanh, bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông… đang diễn ra rộng khắp địa bàn khu dân cư, tổ dân phố đã giúp môi trường sống ở Đà Nẵng yên bình và hạnh phúc hơn.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.