Học sinh trung học phát huy khả năng sáng tạo

.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT thành phố Đà Nẵng diễn ra ngày 3-12 có nhiều đề tài nghiên cứu, sáng tạo đoạt giải cao. Cuộc thi cũng giúp các em chủ động tiếp cận thực tế, thúc đẩy tư duy, áp dụng kiến thức từ sách vở vào thực tiễn tốt hơn.

Phạm Hồng Yến Nhi và Phạm Nguyễn Ái Nhân trình bày đề tài “Phát triển giá trị văn hóa Chămpa thông qua trò chơi thẻ bài” trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2022-2023.  Ảnh do nhân vật cung cấp
Phạm Hồng Yến Nhi và Phạm Nguyễn Ái Nhân trình bày đề tài “Phát triển giá trị văn hóa Chămpa thông qua trò chơi thẻ bài” trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2022-2023. Ảnh do nhân vật cung cấp

Giữ gìn giá trị văn hóa Chămpa thông qua trò chơi thẻ bài

Mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Chămpa nói riêng, hai học sinh Phạm Hồng Yến Nhi và Phạm Nguyễn Ái Nhân, lớp 11 Trường Tiểu học, THCS và THPT Skyline đã đưa biểu tượng văn hóa Chămpa vào trò chơi thẻ bài. Trưởng nhóm Phạm Hồng Yến Nhi cho biết, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa dân tộc, nhóm quyết định tạo ra 2 bộ thẻ bài Chăm và Pa ứng dụng từ trò chơi dân gian.

“Giá trị văn hóa Chămpa thông qua trò chơi thẻ bài được thiết kế dựa trên các trò chơi bài thẻ như Ma soi, Uno, Meo nổ, Yokio… và một số bài thẻ dân gian như bài chòi, bài tới, đổ sông hường… Đồng thời, nhóm em tìm thấy điểm chung là các trò chơi trên được xây dựng theo các nguyên lý như: cốt truyện hay, quá trình chơi hấp dẫn và kịch tính, tăng khả năng tư duy cho người chơi”, Phạm Hồng Yến Nhi nói.

Bộ thẻ bài Chăm gồm 100 lá bài, là sự tổng thể của 71 hình tượng văn hóa Chăm như: lá bài thần Shiva (thần hủy diệt); thần Yama (thần diêm vương); thần Kubera (thần tài lộc)… kết hợp luật chơi đơn giản, gắn kết tự nhiên với các hình được chọn lọc đưa vào bộ thẻ bài, giúp người chơi tiếp thu kiến thức văn hóa một cách chủ động.

“Sau quá trình thực nghiệm thành công bộ thẻ bài Chăm, nhóm tiếp tục tạo thêm bộ bài Pa dựa trên nguyên lý của thẻ bài domino dành cho trẻ em hoặc những người thích loại hình trò chơi đơn giản. Bộ thẻ bài Pa có 28 lá bài mang hình tượng văn hóa Chămpa như hình ảnh vũ nữ Trà Kiệu, thần Rồng, tháp Chàm… kèm theo luật chơi đơn giản, vui nhộn. Thông qua bộ thẻ bài Chăm, Pa, nhóm mong rằng các bạn trẻ có nhận thức sâu hơn về tinh hoa văn hóa để giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống dân tộc”, Phạm Nguyễn Ái Nhân, thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Trực tiếp hướng dẫn nhóm học sinh nghiên cứu đề tài, thầy Trần Quốc Trưởng, giảng dạy môn Mỹ thuật cho hay, việc tiếp nhận văn hóa thông qua hình thức trò chơi thẻ bài giúp người chơi hiểu hơn các giá trị văn hóa, kích thích sự khám phá tìm hiểu trong mỗi người. Ngoài phạm vi học sinh, nhóm mong muốn lan tỏa đến nhiều người nhằm giữ gìn các giá trị di sản văn hóa và phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc. Đề tài ý nghĩa này giành giải Nhất chung cuộc và xét dự thi cấp quốc gia.

Hệ thống quản lý giao thông đô thị thông minh

Với mục tiêu giảm nguy cơ mất an toàn, quản lý các phương tiện tham gia giao thông, em Cao Thanh Phong, lớp 12A14 Trường THPT FPT Đà Nẵng đã nghiên cứu một hệ thống quản lý giao thông đô thị thông minh và giành giải Nhì cuộc thi lần này. Hệ thống tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn như camera giao thông, tivi thông minh và ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo)… để người dân và cơ quan quản lý tiếp cận gần hơn với giao thông đô thị thông minh.

Theo đó, thông qua hình ảnh ghi lại trên camera giao thông, công nghệ AI sẽ xử lý và hiển thị trên tivi theo dõi tại các cơ quan quản lý dưới dạng app hoặc website dựa trên công nghệ AI và Deep Learning (máy học ghi nhớ). Quy trình của hệ thống gồm 4 bước: video camera giao thông; phát hiện và bám theo đối tượng; xác định vi phạm và thông báo kết quả đến người điều khiển phương tiện.

Thầy Phạm Hồng Tính, hướng dẫn đề tài chia sẻ, qua thực nghiệm hệ thống đã phát hiện các phương tiện vi phạm giao thông với mục tiêu gắn nhãn, giúp truy xuất thông tin của người điều khiển phương tiện. Đồng thời, hệ thống tiết kiệm nguồn nhân lực và thân thiện với người tham gia giao thông.

“Dự án có tiềm năng phát triển mạnh khi ứng dụng AI còn mới mẻ, đặc biệt là áp dụng vào những hoạt động đời sống thường nhật như tham gia giao thông. Thời gian tới, hệ thống sẽ hoàn thiện đầy đủ chức năng và có thể áp dụng vào thực tiễn”, thầy Tính nhận định.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.