Mai xuân - thú chơi công phu

.

Nói đến trồng trọt, ông bà ta đều có nhiều kinh nghiệm vì nghề nông là nghề "cha truyền con nối" lâu đời của người Việt. Từ việc chọn giống đến cách gieo trồng, thu hoạch ra sao, trong thời hạn dài ngắn bao lâu của từng giống cây, chắc chắn không ai là không biết. Tuy nhiên, nói về thú trồng và chăm sóc cây mai ra hoa đúng Tết thì không phải ai cũng làm được…

Mai vàng 5 cánh. Ảnh: V.T.L
Mai vàng 5 cánh. Ảnh: V.T.L

Kinh nghiệm trồng mai

Kinh nghiệm trồng mai ra hoa đúng Tết cổ truyền do người xưa để lại qua truyền miệng là chủ yếu. Trước đây, phương pháp chiết, ghép và lai tạo các giống mai không bằng hoa học kỹ thuật ngày nay. Bên cạnh đó, do tục giấu nghề nên các kỹ thuật hay đã bị thất truyền dần. Ngày xưa người ta chủ yếu nhân giống bằng cách gieo hạt, nhân giống hữu tính. Phương pháp này dễ thực hiện và không tốn kém nhiều thời gian, công sức.

Hạt mai có khả năng nảy mầm khá tốt. Chỉ cần chọn những hạt già gieo xuống đất, thậm chí những hạt chín rơi rụng từ cây mẹ xuống, sau một thời gian không cần đến bàn tay chăm sóc của người trồng, cũng dễ dàng mọc cây con. Tỷ lệ cây mai con sống khá cao. Việc chọn hạt giống để gieo trồng là kinh nghiệm nhiều năm của nhân dân ta. Chỉ cần chọn những cây mai mẹ có nhiều ưu điểm nhất như sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhiều búp, nụ hoa lớn và đẹp thì lấy hạt làm giống.

Chờ khi mùa mai xuân kết thúc (sau Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng) hạt mai từ xanh chuyển sang đen sẫm như hạt mãng cầu thì hái về làm giống. Nên chọn hạt no tròn, màu đen sẫm, bỏ những hạt lép, hạt chưa chín. Hạt mai thu hoạch xong có thể gieo ngay hoặc cất giữ nơi thoáng mát sẽ không bị hư hỏng. Tùy chất lượng đất, hạt mai có thể nảy mầm nhanh hay chậm, có khi vài ba tháng sau khi gieo hạt giống mới chịu nảy mầm. Với những cây mai mọc chậm, sau này nếu được chăm sóc kỹ, tưới bón đầy đủ chúng sẽ phát triển rất nhanh. Cây mai con cao từ 20cm trở lên có thể bứng trồng vào chậu.

Khi nhổ cây mai con tránh làm đứt rễ cái, vì khi rễ cái bị đứt sẽ không có khả năng mọc lại như các rễ con, mai rất khó phát triển. Tốt nhất nên bứng luôn bầu đất, mà muốn bứng bầu đất được nguyên vẹn thì không gì tốt hơn là trước đó nên tưới cây mai giống thật đẫm để đất mềm, dễ bứng cây. Cây mai trồng bằng hạt phát triển rất chậm, nếu nhanh thì cũng vài ba năm mới ra hoa nhưng tiện cho việc uốn sửa thành cây mai thế vì khi cây còn non từ thân đến cành đều rất mềm dẻo, uốn sửa theo ý.

Chọn đất và cách chăm sóc

Theo kinh nghiệm, nên trồng mai trên những mảnh đất cao ráo, kể cả đất đồi, đất gò, cây mai vẫn phát triển tốt. Các vùng đất trũng, thấp vào mùa mưa thường bị ngập úng, không hợp với giống cây chịu hạn này. Vườn mai bị ngập nước một ngày đêm là rễ cây mai sẽ bị hư, thối, cây dần bị vàng lá và chết dần. Nếu ta chỉ có vùng đất thấp trũng, muốn trồng mai phải đánh luống thật cao, quanh khu vực trồng mai phải đào mương, rãnh thoát nước. Phòng khi mưa lũ không bị úng ngập. Các mương rãnh này còn mang lại điều lợi cho người trồng mai vì lúc nào cũng có sẵn nước tưới cho mai.

Nếu trồng mai vào chậu thì đáy chậu phải có lỗ thoát nước để lượng nước tưới dư thừa hoặc nước mưa thoát được ra ngoài. Lượng nước tưới bị ứ đọng lại trong chậu, dù rất ít, cũng đủ làm thối bộ rễ hoặc tạo cơ hội cho các loại nấm có hại tấn công rễ mai khiến cây chết dần. Vị trí trồng mai cần đủ ánh nắng vì mai chịu nắng trực xạ, không thích hợp với vùng bị che rợp.

Kinh nghiệm trồng tỉa từ ngàn đời là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" thế nhưng, một số người quan niệm trồng mai không cần bón phân. Ngay cả mai kiểng cũng vậy. Có lẽ do cây mai vốn dễ trồng, dễ sống, nhằm mục đích hãm đà phát triển của cây mai xuân, nhất là đối với mai kiểng. Quả thật cây mai có khả năng sống mạnh được trong điều kiện tự nhiên, miễn là môi trường sống của nó không lạnh quá và cũng không thường xuyên bị gió to làm lay gốc.

Trồng mai trên đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa, đất sét, đất bazan đều có thể phát triển tốt mà không cần phân. Chỉ trừ loại đất nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng và đất quá nghèo chất dinh dưỡng không thích hợp với cây mai. Số lượng phân bón được tăng dần lên cho cây mai, như phân chuồng, phân bổi, xơ dừa, thậm chí các loại phân bón vi sinh, phân hữu cơ và phân vô cơ làm cho cây mai phát triển tốt và nhanh hơn. Đối với nước tưới, vào mùa nắng, mỗi ngày tưới đủ hai cữ cho cây mai vào buổi sáng, chiều. Nước tưới mai lấy từ sông, suối hoặc nước giếng là tốt nhất.

Lặt lá mai xuân

Ngày xưa, để hoa mai ra đúng Tết, người dân thường lặt hết lá mai đúng vào ngày rằm tháng Chạp hằng năm. Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày mọi nhà sửa lễ cúng ông Táo về trời đã được coi là ngày Tết. Từ đây, không khí vui vẻ nhộn nhịp của ngày Tết đã bắt đầu đến với mọi người, mọi nhà. Nếu có cây mai nào nở sớm vào những ngày cận Tết, tuy có chút tiếc rẻ nhưng cũng vẫn được mọi người tán thưởng. Ngày Tết Cổ truyền thường kéo dài đến tận ngày mồng 7 âm lịch mới làm lễ hạ nêu nên mai nở muộn đôi ba ngày vẫn còn không khí Tết.

Trước Tết, nhà nào cũng săn sóc cho từng gốc mai để thúc cây trổ hoa đúng vào Giao thừa. Ngày Tết, nếu ai đến chúc Tết gặp cây mai nở đẹp thì cho rằng mình đã gặp may mắn. Hiện nay, để có cây mai nở hoa khoe sắc đúng ngày đầu năm mới, người ta có nhiều cách tính toán riêng để chọn ngày lặt lá cho mai ra hoa đúng Giao thừa. Vì vậy, không nhất thiết phải theo "lệ" xưa là chỉ tập trung lặt hết lá mai vào ngày rằm tháng Chạp. Theo kinh nghiệm, nếu cành mai có nhiều nụ nhỏ bằng hột gạo thì nên trẩy lá sớm vào ngày 12 hay 13 tháng Chạp. Nếu nụ đã lớn bằng hột đậu xanh thì nên trẩy lá vào ngày rằm tháng Chạp. Nếu trên cành xuất hiện nhiều nụ to, sắp bung vỏ lụa thì nên trẩy lá vào ngày 20 tháng Chạp trở đi. Vì nụ mai lớn như vậy thì chỉ cần 3, 4 ngày sau sẽ bung vỏ lụa, do đó nếu trẩy lá sớm thì chắc chắn cây mai đó sẽ trổ hoa trước Tết.

Mai có nhiều cánh, nhiều tầng như mai Giảo, mai Huỳnh Tỷ... có từ 12 cánh trở lên, từ 2, 3 tầng thì tùy trường hợp phải trẩy lá rất sớm, từ ngày mồng 8 tháng Chạp trở đi, sớm hơn mai 5 cánh khoảng một tuần. Có nhiều người còn cẩn thận trẩy lá mai đợt đầu vào đầu tháng Chạp, chỉ nhằm vào những lá nằm bên trong tán lá rậm rạp để giúp các nụ hoa khuất bên trong nhận được sự quang hợp đầy đủ để phát triển nhanh hơn. Còn trẩy lá đợt 2 (trẩy sạch) thì tùy vào sự phát triển của các nụ hoa trên cây lớn nhỏ ra sao mới định được ngày chính xác.

Từ ngày hoa cái bung vỏ lụa cho đến ngày chùm hoa bên trong bắt đầu bung nở mất khoảng một tuần. Như vậy, nếu vào ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo, hễ thấy cây mai nào có nhiều hoa cái bung vỏ lụa thì cây mai đó có nhiều hy vọng trổ hoa đúng vào dịp Tết. Có biết rõ như vậy ta mới định được ngày "chuẩn" đề trẩy lá mai. Nhiều người chơi mai có kinh nghiệm thì trước Tết một tuần họ mới đi mua mai, vừa dễ chọn lựa, vừa tránh bị lầm, dù vẫn biết phải trả với giá khá cao.

NGUYỄN TẤN TUẤN

;
;
.
.
.
.
.
Cập nhật kqxsmb 30 ngày mở thưởng