Từ ngã ba Trảng Nhật đến ngã ba Lầu Sụp

.

Quốc lộ 1A đoạn qua xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn), nơi giáp ranh với xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, có một địa danh dân gian được rất nhiều người biết đến: ngã ba Lầu Sụp.

Ngã ba Lầu Sụp. Ảnh: H.S
Ngã ba Lầu Sụp. Ảnh: H.S

Theo quốc lộ 1A hướng Đà Nẵng - Điện Bàn đến Km942+400 là ngã ba Lầu Sụp, tại đây nếu rẽ theo hướng tây sẽ đến Khu công nghiệp Trảng Nhật Điện Thắng - Điện Hòa. Ngã ba này có địa danh gắn với nhiều tên gọi khác nhau và là câu chuyện dài dân gian mà nay còn ít người biết.

Sách “Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng 1930-1975” (NXB Đà Nẵng, 2022) cho biết, ở trang 37, sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng vào mùa hè năm 1940. Ngày 22-9 năm đó, một nước thành viên Phe Trục là Nhật Bản xâm lược Đông Dương nhằm xây dựng căn cứ quân sự để chống lại phe Đồng minh ở Đông Nam Á. Năm 1942, phát-xít Nhật đem quân vào Điện Bàn, ngoài việc mở rộng địa bàn, đóng các đồn bót quan trọng, còn chọn vị trí các làng Hà Thanh, Bích Trâm (nay thuộc xã Điện Hòa) và Phong Lục (nay thuộc xã Điện Thắng Nam) để làm sân bay quân sự và đóng đồn xây dựng khu vực phòng thủ.

Bấy giờ, người Nhật cho cày ủi một vùng rộng lớn chiều dài hàng chục km để làm sân bay, đồng thời làm một con đường nối từ quốc lộ 1 đến sân bay và đồn Trảng để vận chuyển vũ khí và hậu cần. Điểm giao giữa quốc lộ và con đường mới mở này được nhân dân gọi là ngã ba Trảng Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, con đường này trở thành tuyến giao thông thuận lợi cho nhân dân các làng của hai xã Điện Hòa và Điện Thắng. Bấy giờ, tại góc ngã ba đường có một cây xoài xanh tốt sum suê nên có một thời người dân cũng gọi nơi đây là ngã ba Cây Xoài.

Tuy nhiên, các địa danh ngã ba Trảng Nhật, ngã ba Cây Xoài đã dần lùi vào quá vãng, nhường chỗ cho tên gọi ngã ba Lầu Sụp cho mãi tới bây giờ với câu chuyện khá ly kỳ như lời ông Nguyễn Lương Liêm, 90 tuổi, trưởng tộc Nguyễn Lương làng Bồ Mưng (xã Điện Thắng Bắc).

Theo đó, làng Ngân Hà (nay là khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc) ngày trước có ông Nguyễn Hữu Thị con ông Chánh Xang, kết duyên với bà Nguyễn Thị Anh (Bốn Anh) con gái ông Chánh Thống, người tộc Nguyễn Văn làng Bồ Mưng. Nhận thấy vùng đất quê vợ thuận lợi cho việc kinh doanh, đồng thời nối nghiệp gạch ngói của ông cha, ông Thị mở một xưởng ngói ở phía tây cầu Tứ Câu lấy tên là xưởng ngói Hiệp Thắng, không bao lâu cơ sở sản xuất phát triển. Khi trở nên giàu có, vợ chồng ông mua một khu đất ngay ngã ba Trảng Nhật làm nhà ở.

Nhận thấy địa điểm thuận lợi, là trung tâm các vùng lân cận, bà Bốn Anh mở một tiệm tạp hóa ngay tại nhà để bán các mặt hàng nhu yếu cho nhân dân quanh vùng. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa… khách hàng ngày mỗi đông, việc buôn bán phát triển, tiệm tạp hóa Bốn Anh chẳng bao lâu trở nên nổi tiếng khắp vùng. Năm 1953, ông Thị xây dựng ngôi nhà lầu 2 tầng kiên cố hai mặt tiền, một quay ra hướng đông theo quốc lộ, một quay ra hướng nam theo đường lên Trảng Nhật. Đây là ngôi nhà lầu sớm nhất trong vùng có quang cảnh đẹp, quán Bốn Anh trở nên bề thế như một trung tâm thương nghiệp nhỏ gồm đủ các loại hàng.

Năm 1964 xảy ra cơn lũ lịch sử năm Giáp Thìn, bà con quanh vùng đến quán Bốn Anh tránh lụt vì đây là nơi cao ráo, rộng rãi. Gia đình ông Thị đã cung cấp gạo, muối, thức ăn,... cứu giúp hàng trăm gia đình trong suốt thời gian trước và sau lũ, đến nay nhiều người già còn nhớ.

Ngày 8-3-1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, bắt đầu tại bãi biển Đà Nẵng. Tháng 5 năm đó, đại đội lính thủy đánh bộ đầu tiên đến Điện Thắng khoảng 120 người, đóng tại đồn Trảng Nhật, nhằm hỗ trợ cho chính quyền Sài Gòn thực hiện kế hoạch “bình định” trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tình hình chiến sự nơi đây ngày càng căng thẳng, tại khu vực nhà Bốn Anh là chốt điểm ban đêm của lính đồn Tứ Câu và đồn Trảng Nhật thay nhau đến canh giữ. Có lần, do bộ đội ta và du kích địa phương tấn công bằng pháo và đại bác, mái nhà lầu tầng trên bị sụp. Thấy tình thế bất ổn, có nguy cơ chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản nên gia đình ông Thị đã bỏ nhà tản cư từ đó.

Năm 1965, thường xuyên có đơn vị Mỹ kép và lính địa phương quân đến chiếm đóng. Cuối năm 1965 có một trận đánh phối hợp giữa bộ đội và du kích tấn công bằng mìn và pháo vào đồn nên ngôi nhà lầu sụp thêm một tầng nữa. Tại đây, tháng 5 và tháng 6 năm 1966 đã diễn ra 2 trận đánh của du kích Điện Thắng, trong đó có trận tiêu diệt cả tiểu đội lính Mỹ đi tuần, thu toàn bộ súng đạn. Đây là một trong những trận đánh Mỹ đầu tiên hiệu quả nhất trên đất Điện Thắng được cấp trên khen ngợi, biểu dương.

Từ đó, ngôi nhà lầu dần trở nên hoang vắng, khách vãng lai không khỏi thắc mắc chủ nhà đi đâu mà sao không sửa ngôi nhà có hai tầng lầu sụp. Tên gọi ngã ba Lầu Sụp ra đời từ đó, người dân đi xe đò vào Nam ra Bắc ngang qua đó hay nói rằng: “Cho tôi xuống chỗ ngã ba Lầu Sụp”. Riết thành quen và gọi mãi đến giờ, cho dù hình ảnh ngôi nhà hai tầng bị sập không còn nữa.

Sau ngày thống nhất đất nước, chủ nhà lầu cũ không về, UBND xã Điện Thắng (cũ) quản lý khu đất này làm cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giày da xuất khẩu, nay là doanh nghiệp tư nhân Hòa Thắng sản xuất hàng nông sản và thức ăn gia súc. Ngã ba Lầu Sụp hiện là trung tâm thương mại dịch vụ của xã Điện Thắng Bắc, có đường xuống phường Điện Ngọc, đường lên cụm công nghiệp Trảng Nhật và thông với các xã Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Phước, Điện Thọ thuận lợi cho việc thông thương và giao lưu đi lại. Với lợi thế này, ngã ba Lầu Sụp sẽ phát triển sầm uất thành khu đô thị Điện Thắng, tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng, trở thành phường nội thị của thị xã Điện Bàn trong một ngày không xa.

HÀ SÁU

;
;
.
.
.
.
.