Tết những ngày thơ nơi xóm nhỏ...

.

Khi nắng lên hồng sau những ngày đông u ám mưa dầm tầm tã, khi gió dịu dần cái rét cắt da cắt thịt và những bông hoa bắt đầu hé nở sau một mùa dài nép cành khép lá tránh cái lạnh và mưa gió, nghĩa là mùa xuân ấm áp đang đến, tôi lại có ý ngong ngóng Tết, đợi chờ Tết đến như những ngày ấu thơ trẻ con, nhất là thuở lên 9 lên 10 đã biết cảm nhận đôi điều vẫn mong chờ Tết.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thật ra thì từ giữa tháng mười âm lịch, sau khi làm bữa bánh xèo hay mỳ Quảng cúng rằm, nhà nhà xóm Đông An đã bắt đầu lo chuyện Tết nhất!. “Tết đến nơi rồi” là câu nói cửa miệng của người lớn. Từ cuối tháng 11, nhà nào cũng tất bật lo Tết: kiểm tra lại con heo nuôi dành Tết, xem lại ghè lúa thúng khoai khô còn lưng đầy thế nào, vườn còn buồng chuối, con gà hay có món gì đó để bán “tiêu Tết” không, tính toán đau đầu xem liệu có mua được cho con bộ quần áo mới mặc Tết, rồi hối hả lo chạy chợ đôn đả bán mua, kêu nhau hẹn trước đụng thịt heo hay nấu chung nồi bánh tét... Đầu tháng Chạp, Tết thực sự đến nơi rồi, càng về cuối tháng Chạp càng trăm nỗi lo toan! Người lớn trăm nỗi lo nhưng bọn trẻ con chúng tôi nào có biết gì, cứ háo hức ngóng từng ngày Tết đến để được năm ba ngày Tết sung sướng không đi làm đồng, cắt cỏ, chăn trâu vất vả mà mặc sức vui chơi, được căng bụng chén cơm trắng ú hụ thơm phức tuyệt không có bóng dáng chút khoai sắn độn nào, và có cả cá thịt, bạn nào may mắn thì được mặc áo quần mới, may hơn nữa thì có bà con, họ hàng ở xa về quê ăn Tết, lì xì năm ba hào, một đồng!

Và chiều 29, 30 Tết đến rồi! Đầu xóm, cuối xóm đã nghe vọng lại tiếng heo éc éc từ đám người nói cười đang xúm lại bắt mổ heo. Nghe tiếng heo kêu ở đâu là bọn trẻ con náo nức chạy xô đến chờ xem người lớn xẻ thịt, chia phần, bỏ ra trên các miếng lá chuối lót đất để các nhà đã đặt đụng heo (ai có tiền thì trả trước, nhà nào túng bấn có khi hẹn đến mùa lúa tháng ba năm sau gặt trả!) tự chọn lấy về, phần nào cũng có đủ thịt, xương, tim gan lòng... để các nhà làm mâm cúng ba ngày Tết. Đầu heo luôn kèm thủ vĩ thường được gia chủ giữ lại làm mâm tươm tất trịnh trọng cúng tất niên (mà bọn trẻ con chúng tôi đang rất háo hức xem đứa nào sẽ có cái may mắn nhất đời được mê mải gặm một phần tư cái móng giò ngon lành sau bữa cúng) hoặc ưu tiên dành cho người “hùn vốn” nuôi heo đã dặn trước. Bọn trẻ chúng tôi chỉ chăm chăm chờ lúc người lớn làm lòng, vứt cho cái bong bóng heo, giành nhau kiếm lá ổi chà xát sơ qua rồi thổi to hết cỡ lên, chạy chơi ầm ĩ với nhau. Sung sướng nhất là sau khi đem thịt về, chiều 30 Tết, nhà nhà làm mâm cúng cô bác và rước ông bà, í ới gọi mời nhau cùng ăn cơm cúng. Khó khăn mấy mâm cơm cũng đủ cơm canh, thịt thà, những món mà bọn trẻ chúng tôi thường ngóng chờ suốt một năm mới có để tha hồ ăn, không phải dè sẻn “ăn nhín” nữa! Tối 30, sau khi dọn dẹp quét tước nhà cửa xong (sáng mồng Một kiêng quét dọn), mẹ và chị Bốn tôi còn ngồi loay hoay rang nếp xay bột nhào đường làm bánh tổ, bánh in, bánh nổ, bánh lăn, khảo khảo… - các loại bánh Tết nhà nào cũng làm, vừa để cúng ông bà vừa để đãi khách đến chơi Tết. Và “vui như Tết” không gì bằng giờ chờ đón Giao thừa, cả nhà xúm xít ngồi hơ ấm quanh nồi bánh tét bự chảng đang sôi sùng sục trên bếp lửa góc sân mới làm bằng thứ củi gộc to đùng rất bén mà ông nội tôi đã lùng kiếm mấy ngày trước... Rồi khi nồi bánh tét nghi ngút khói đã chín được cha tôi cẩn thận vớt ra, mẹ và chị tôi tét những đòn bánh còn nóng hổi, chuẩn bị mâm cúng Giao thừa, anh em chúng tôi vẫn còn thức ngồi hóng miếng bánh tét đù đày mẹ đưa cho khi tét xong đòn bánh. Sao mà ngon lạ ngon lùng những miếng bánh tét đù đày còn dính cả lá chuối gói bánh dẻo thơm tê lưỡi, khi chúng tôi ngồi ăn nhồm nhoàm bên bếp lửa đỏ rực giữa tiết trời đêm se lạnh, hồi hộp chờ từng tràng tiếng pháo đì đùng sắp vang lên giữa bầu trời đêm đang sáng rực lên từng chùm pháo sáng lẫn với tiếng cói tàu, còi xe vang lên từng hồi vọng lại từ phía thị trấn hừng lên một khoảng trời hồng... Giao thừa đã điểm.

Ba ngày Tết, mà thật ra thường là... vui chơi đến rằm chưa nghỉ, khách ở xa về nhà thờ thắp hương, bà con nội ngoại đi lại thăm nhau, chúc Tết rộn ràng cả xóm nhỏ, đến bữa quây quần vui vẻ ăn uống trò chuyện rôm rả bên nhau sau khi vái hạ mâm cúng cơm ông bà. Mọi chuyện buồn, xui rủi, không hay đều bị kiêng kỵ, không ai được nhắc đến. Không khí Tết vui lan ra cả những cánh đồng lúa đang độ lên xanh, khi trên đường lũ lượt các đoàn nam thanh nữ tú rủ nhau đi chùa, đi chơi xuân...

Trưa mồng 3, nhà khá giả có thể để đến mồng 4, sau khi các nhà trong xóm làm mâm cơm “đốt vàng bạc” tạ đưa ông bà, hẹn xuân năm sau lại rước tổ tiên, ông bà về sum họp đón Tết, là bọn trẻ chúng tôi lại nao nao nhìn ba ngày Tết đang dần ra đi. Rồi lại nôn nao ngóng chờ cái Tết năm sau!

Nhưng vẫn còn một niềm an ủi to lớn cho chúng tôi trong những ngày sau Tết, khi không khí xuân vẫn còn tỏa hương, bánh in, bánh tổ, bánh nổ, khảo khảo trong ghè vẫn còn đôi ba cái (phần bánh để dành chờ cúng rằm tháng Giêng), chờ chúng tôi đi học về lén mở nắp ghè lấy ra bẻ từng miếng nhỏ ăn vụng, có khi đến rằm là trong ghè trống trơn! Và, bạn có biết cái món ngon nhất, tuyệt nhất trần đời mà nhà nào cũng có sau ba ngày Tết? - nồi xà bần. Tất tật mọi thứ thịt thà rau cải chiên, xào còn sót lại sau những bữa cúng cơm Tết, mệ tôi đổ hết vô một nồi to, bắc lên bếp nấu lại một lượt và đến bữa đem ra hâm sơ để ăn. Nồi xà bần, chao ôi mới thơm ngon đậm đà làm sao, thơm suốt một thời thơ ấu chúng tôi!

NGUYỄN KIM HUY

;
;
.
.
.
.
.