Theo phong tục Tết Việt, vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, người xưa có mỹ tục "bói mai" để dự đoán vận may cả năm cho gia đình...
Mai nở hoa trong giờ phút linh thiêng Giao thừa hoặc vào sáng mồng một Tết được cho là điềm lành. Ảnh: A.H |
Hoa mai nở vào Giao thừa
Mai nở hoa trong giờ phút linh thiêng Giao thừa hoặc vào sáng mồng một Tết được người miền Nam cho là điềm lành. Từ đó các nghệ nhân trồng mai đã tìm cách làm cho tất cả nụ hoa trên cây mai đều nở rộ, nhìn vào thấy vàng rực cả cây để tạo điềm Đại Cát, mong vận may sẽ đến thật nhiều, đến sớm trong những ngày đầu năm và quanh năm...
Tuy nhiên, trong thực tế, cây mai nở khoảng một vài nụ hoa đúng vào ngày đầu năm cũng được cho là điều may mắn. Mai nở đầu năm mới mang lại niềm vui, sự hy vọng đối với tất cả mọi người trong suốt những ngày đón Tết, vui xuân mới. Thậm chí, chỉ cần vài đóa hoa mai nở bung trên mỗi cành, trong khi tất cả những búp hoa khác đều no tròn, ửng màu xanh tươi mơn mởn, báo tin cho mọi người biết hoa mai sẵn sàng khoe sắc vàng trong những ngày sắp tới cũng rất tốt. Cây mai có hoa nở đều trong ngày Tết được đánh giá là cây mai quý vì suốt trong những ngày đầu năm ngày nào cũng có một số hoa mới nở như báo hiệu điềm may sẽ dàn trải khắp cả năm...
Ước vọng của mỗi gia đình mỗi khác, có người muốn mai nở hoa một lần nhưng có người lại thích hoa nở đều trong các ngày Tết. Trong điều kiện thời tiết ấm áp và tùy giống mai, có giống mai ghép chỉ nở rộ từ 2-3 ngày đầu xuân rồi tàn, chỉ còn lá và chồi non. Thông thường vào ngày đầu các cánh hoa mai nở bung hết, chùm nhụy vàng ở giữa cũng xòe rộng khoe sắc thắm. Qua đến ngày thứ hai, hoa đã có dấu hiệu tàn, các cánh hoa không còn ngay thẳng mà bắt đầu hơi rũ xuống, sắc hoa không được tươi tắn. Chùm nhụy co cụm lại. Đến ngày thứ ba, các cánh hoa tự rơi lả tả xuống đất khi gặp cơn gió nhẹ thổi qua hay cây bị lay nhẹ.
Nếu gặp cây mai trong đêm Giao thừa hoặc sáng mồng một Tết nở rộ như vậy ta nên biết giữ gìn bằng cách rê chậu mai đó vào nơi khuất gió hay che chắn để tránh luồng gió mạnh tạt vào. Tốt nhất là tránh đụng chạm vào cành mai, bởi dù chỉ chạm nhẹ cũng gây rụng hoa.
Cũng do lẽ đó nên người chơi mai Tết nhiều kinh nghiệm chỉ thích cây mai có hoa nở lai rai, nở đều trong suốt mấy ngày Tết, miễn sao đúng vào giờ Giao thừa linh thiêng nhất cây mai đó bắt đầu bung nở một số bông hoa là được. Với cây mai như vậy, trong suốt những ngày Tết, ngày nào ta cũng có một số hoa mới nở để ngắm nhìn. Mà nếu quả thật có việc hoa mai báo trước điềm may, thì sự may mắn đến đều đặn cả năm như thế được nhiều người ngưỡng mộ hơn là "bạo phát bạo tàn"...
Gặp những cây mai nở hoa tốt vào dịp Tết Nguyên đán, ít ai lại tỏ ra thờ ơ với chúng sau Tết. Những cây mai này thường được chủ nhân thay đất mới, tưới bón kỹ, chăm sóc công phu để hy vọng được thưởng thức chúng vào dịp Tết năm sau, mặc dầu vẫn biết việc này thì mưu sự tại nhân nhưng thành sự tại... thời tiết.
Bói mai đầu năm
Bói mai là cách mà các cụ thời xưa quan niệm bằng cách nhìn vào cây mai có nụ hoa như thế nào để đoán hậu vận của gia đình trong năm mới. Gia đình được hạnh phúc hay không, công việc làm ăn buôn bán có thịnh vượng hay không thông qua những bông mai nở như thế nào...
Cách bói mai đầu năm tương tự như tục đêm Giao thừa nằm chờ nghe tiếng con vật nào xuất hiện trước tiên để suy đoán ra điềm dữ, điềm lành. Hay như cách "bói Kiều" trong ngày Tết để đoán hậu vận của năm mới tốt hay xấu, hên hay xui, làm ăn phát tài hay không... Ngày nay cách bói mai mang màu sắc "mê tín" này chúng ta không thể chấp nhận vì nó phi khoa hoc. Tuy vậy chúng ta có thể cảm thông cho các cụ ngày xưa, vào thời buổi mà ánh sáng khoa học chưa có điều kiện phổ biến như ngày nay thì việc nhiều người lấy niềm tin vào thần quyền làm cứu cánh cho cuộc sống gia đình và bản thân là điều dễ hiểu. Hơn nữa, niềm tin vào bói toán của đa số người xưa cũng chỉ mang tính vô thưởng vô phạt. Đúng thì tốt mà có sai thì cũng chẳng sao, không ai coi đó là sự việc hệ trọng đến mức phải bỏ bê công việc làm ăn cả năm dài trước mắt. Chính vì thế, phong tục "bói mai" ngày nay vẫn được một số người dân thực hiện.
Tục mừng tuổi mai
Mừng tuổi cho mai xuân cũng giống như tục "Tết vườn" trong những ngày Tết cổ truyền có từ xưa. Xuất phát từ sự đam mê cây cảnh, ngày Tết, người xưa có tục mừng tuổi cho những cây mai thuộc loại đẹp nhất trong vườn nhà. Đây là một phong tục lạ mà ngày nay rất ít thấy. Tết vườn diễn ra vào chiều 30 Tết, sau lễ “rước ông bà”. Những cây lâu năm nhất trong vườn sẽ được gia chủ làm lễ mừng tuổi và dán vào đó một chữ phước (viết hay in trên giấy đỏ) vào gốc cây với hy vọng năm mới, cây sẽ đền ơn đáp nghĩa lại mình bằng việc cho hoa, trái gấp nhiều lần năm cũ. Cây hoa mai cũng vậy. Ngày Tết, trong nhà có chậu mai đẹp, nhiều hoa khoe sắc, chủ nhân sẽ treo lên cành mai một phong bao lì xì. Việc đó gọi là mừng tuổi cho mai. Việc mừng tuổi cho mai chính là ước mong về sự may mắn tràn đầy sẽ đến trong năm mới với các thành viên trong nhà.
Ngày trước, khi đến nhà chúc Tết, thấy cây mai đẹp khách sẽ bình phẩm, khen ngợi và xem là duyên may của chính mình. Có người hào phóng móc túi lấy bao lì xì treo thưởng cho hoa mai. Ngày nay, tục lì xì cho cây mai đẹp trong ngày Tết vẫn còn đâu đó ở Nam bộ. Ngày xưa cây mai đẹp chưng trong nhà, từng ngày Tết trôi qua, phong bao trên các cành nhánh của mai càng nhiều thêm. Sau Tết, khi gia chủ làm lễ cúng tiễn ông bà về trời thì những phong tiền lì xì cho mai mới được lấy xuống. Có nhiều cây mai đẹp được ngưỡng mộ đến nỗi tiền mừng tuổi dành cho nó trong một mùa Tết còn cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực của cây mai... Có lẽ do có tục lệ này mà khi chọn mai chưng Tết, nhà nào cũng chọn cây mai đẹp nhất.
NGUYỄN TẤN TUẤN