Xã hội già hóa, người cao tuổi vẫn làm việc

.

Ở các nước Đông Á, dân số già đi nhanh chóng, người lao động ngoài 70 tuổi vẫn làm việc do lương hưu thường không đủ trang trải các chi phí sinh hoạt cơ bản.

Các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á ban đầu tập trung vào việc thúc đẩy sinh đẻ và sửa đổi luật nhập cư để củng cố lực lượng lao động. Song, giải pháp này không thể thay đổi xu hướng già hóa và không cải thiện được tỷ lệ sinh ở mức thấp.

Ông Yoshihito Oonami làm việc tại một cửa hàng sản phẩm tươi sống ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: NYT
Ông Yoshihito Oonami làm việc tại một cửa hàng sản phẩm tươi sống ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: NYT

Lương hưu không đủ sống

Ở tuổi 73, ông Yoshihito Oonami vẫn thức dậy lúc 1 giờ 30 mỗi sáng, lái xe 1 tiếng đồng hồ đến chợ tươi sống trên một hòn đảo ở Vịnh Tokyo. Ông không những chất nấm, gừng, khoai lang, củ cải và các loại rau khác vào xe, mà còn thường xuyên bê những chiếc hộp nặng hơn 5kg. Sau đó, ông Oonami lái xe giao hàng cho các nhà hàng ở khắp Tokyo tới 10 lần một ngày. Mức lương hưu quốc gia cơ bản mà ông Oonami nhận chỉ khoảng 60.000 yên/tháng (khoảng 477 USD), không đủ trang trải chi phí hằng ngày.

Tại Đông Á, với tình trạng dân số đang giảm, ngày càng ít người trẻ tuổi tham gia vào lực lượng lao động, nhiều người như ông Oonami vẫn phải làm việc chăm chỉ dù đã ngoài 70 tuổi. Các công ty cần họ và họ cũng rất cần công việc. Tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định đã làm tăng quỹ lương hưu, gây khó khăn cho các chính phủ châu Á trong việc chi trả đủ tiền cho người về hưu mỗi tháng.

Với ông Eiji Sudo cũng vậy, người đàn ông 69 này chưa sẵn sàng nghỉ hưu. Hơn 40 năm qua, ông làm việc tại Tokyo Gas - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên. Năm 60 tuổi, Sudo nghỉ hưu và công ty đề nghị ông làm việc 4 ngày/tuần với mức lương bằng một nửa mức lương cao nhất mà ông từng nhận.

Năm 65 tuổi, ông Sudo không được gia hạn hợp đồng nữa. Song, ông muốn tiếp tục làm việc để kiếm tiền đi du lịch cùng vợ. Hiện ông làm việc cho Asuqa - công ty đường ống dẫn khí đốt ở Tokyo. Ba ngày trong tuần, ông lái xe đến những khu vực nơi công ty đang lắp đặt hoặc sửa chữa đường dẫn khí đốt, gõ cửa từng nhà để thông báo cho người dân về công việc xây dựng sắp tới.

Khoảng 1/10 công nhân tại Asuqa từ 65 tuổi trở lên. Hầu hết họ nghỉ hưu ở tuổi 60, sau đó làm hợp đồng với mức lương thấp hơn. “Chúng tôi luôn phải bổ sung nhân lực bằng cách tuyển dụng lại những nhân viên lớn tuổi”, ông Kazuyuki Tabata - quản lý của Asuqa nói.

Nhật Bản không phải là nơi duy nhất ở khu vực Đông Á mà người già cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục làm việc. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ nghèo trong nhóm người lớn tuổi gần 40% và tỷ lệ những người từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc cũng tương tự. Tại Hong Kong (Trung Quốc), cứ 8 người lớn tuổi thì có 1 người đi làm. Tại Nhật Bản, khoảng 1/4 người lớn tuổi tiếp tục làm việc.

Doanh nghiệp cần lực lượng lao động lớn tuổi

Trong những năm gần đây, các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo về dân số già hóa ở các quốc gia giàu có. Giờ đây, Nhật Bản và các nước láng giềng bắt đầu cảm nhận được hệ quả của tình trạng này. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều thử nghiệm các chính sách mới, chẳng hạn như trợ cấp doanh nghiệp và điều chỉnh chế độ hưu trí. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các công ty và hiệp hội việc làm tạm thời đã được thành lập để hỗ trợ người lao động lớn tuổi. Chính phủ Nhật Bản hiện cung cấp các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng lao động lớn tuổi để thiết kế nơi làm việc phù hợp với người già như bổ sung tay vịn cho cầu thang hoặc xây khu vực nghỉ ngơi cho người lao động.

Điều đáng nói là mặc dù nhiều người lớn tuổi phải làm việc vì nhu cầu kinh tế, nhưng người sử dụng lao động cũng phụ thuộc vào họ. Các cuộc khảo sát tại Nhật Bản cho thấy, một nửa số doanh nghiệp ghi nhận tình trạng thiếu nhân viên làm việc toàn thời gian và những nhân viên lớn tuổi trở thành lực lượng lấp khoảng trống.

Koureisha là công ty cung ứng nhân sự làm việc tạm thời ở Tokyo và ứng viên phải từ 60 tuổi trở lên. Ông Fumio Murazeki - Chủ tịch Koureisha - cho biết các nhà tuyển dụng ngày càng dễ dàng thuê lao động lớn tuổi hơn. “Nhiều người trên 65 tuổi, thậm chí đến 75 tuổi vẫn rất năng động và khỏe mạnh”, ông Murazeki nói.

Tokyu Community - công ty quản lý bất động sản cho các khu chung cư ở Tokyo - có gần một nửa số nhân viên từ 65 tuổi trở lên. Với mức lương chỉ 2,3 triệu yen/năm (gần 17.100 USD), công ty này không thu hút người lao động trẻ nhưng những người lớn tuổi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để có thêm thu nhập.

Các nước còn lại của thế giới cũng có thể đối mặt với tình trạng già hóa dân số và phải đến châu Á để học cách ứng phó các cuộc khủng hoảng tương tự. Một thực tế rõ ràng là tỷ suất sinh giảm, dân số già hóa có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong cơ cấu kinh tế như lực lượng lao động thu hẹp dần, đồng thời gây ra các vấn đề xã hội như mất cân bằng giới tính trong gia đình và thị trường việc làm.

KHÁNH LINH (theo Japan Times)

;
;
.
.
.
.
.