Đập ngăn mặn 100 tuổi qua bi ký

.

Ngày mồng 6 tháng 6 năm Nhâm Tuất (năm Khải Định thứ 7 - 1922), một bia đá được dựng lên để ghi lại công lao của quan và dân vùng Hóa Khuê Đông. Khảo cứu về văn bia này hé mở cho chúng ta thấy một công trình đập ngăn mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về dân sinh, quân sự và kinh tế của một vùng đất rộng hơn 400ha và các vùng lân cận. Công trình dân sinh đó là đập ngăn mặn Bờ Quan.

Dấu tích đập Bờ Quan hiện nay. Ảnh: N.T
Dấu tích đập Bờ Quan hiện nay. Ảnh: N.T

Ông Cao Văn Hùng, thư ký Hội đồng quản lý Đình làng Khuê Đông, người trực tiếp nghiên cứu nội dung bi ký này từ năm 2018 cho biết, để được phép thi công công trình đập ngăn mặn Bờ Quan, dân làng và các chức sắc trong vùng phải hai lần đệ đơn lên quan phủ mới được chuẩn y.

Lần thứ nhất dân đệ đơn thỉnh cầu quan trên cho phép xây đập ngăn mặn nhưng do nước trong ruộng lúc đó còn đọng lại nhiều nên cáo lui. Lần thứ hai, đơn gửi lên phủ, được Tri phủ Tôn Thất Toại phê duyệt và công trình đập Bờ Quan được phép tiến hành xây dựng như mong mỏi của người dân trong vùng.

Sau khi Tòa Công sứ Hội An cử người về khảo sát đất đai, đóng mốc lạch rãnh thì đập Bờ Quan được xây dựng với chiều dài 300 thước tây, bề ngang trên mặt rộng 4 thước tây, xếp đá, trồng cây phòng ngự sóng gió, nhân tiện hạn chế nước mặn, trữ nước ngọt. Sau một quý (3 tháng) khởi công thì công trình hoàn thành. Từ đây, công việc nhà nông được thuận tiện. Nhờ con đập mà sản xuất được phục hồi dần, đời sống người dân cải thiện, những người tha hương trở về quê tiếp tục làm việc trên quê hương.

Ngoài chức năng ngăn mặn, trữ nước ngọt, con đập còn là con đường giao thương của người dân. Hàng hóa nông sản địa phương làm ra cứ theo con đường ấy mà ra đến “đường cái quan” để buôn bán; thuận tiện cho giao thông.

Đặc biệt, con đập còn là nơi án ngữ các trận càn trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ người dân và cán bộ. Theo Trang thông tin điện tử quận Ngũ Hành Sơn, khi tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (12-1946 - 7-1954), nhân dân các xã vùng đông Hòa Vang đã đóng góp nhân lực, tài lực để xây dựng phòng tuyến ngăn chặn địch, đặc biệt là phòng tuyến từ đập Bờ Quan đến Trung Lương (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Lần theo nội dung bi ký, có thể hình dung những nét sinh hoạt trước và sau khi có đập Bờ Quan, nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Bi ký, sau khi dẫn một số công trình thủy nông xưa như đê Đông Pha(1) ở Hàng Châu, đê Trần Công(2) ở Hải Dương, được sử Nam Bắc ghi truyền về lợi ích của chúng đối với nhà nông, đã đặt ra câu hỏi: “Vậy địa giới bổn xã như thế nào?”. Câu trả lời được ghi tiếp trong bi ký: Phía Nam Hiện Hải (Biển Đông - NV), từ sông Điện (sông Vĩnh Điện - NV) dòng chảy yếu, nguồn nước không đầy. Ba mươi năm nay, nước triều mặn từ biển dâng ngập khiến ruộng chết bởi sự ô nhiễm… Công việc nhà nông không tiện thì làm sao có thể làm đầy kho của quốc gia, gia đình có đủ lương thực?”.

Bi ký ghi việc lập đập 100 năm trước. Ảnh: N.T
Bi ký ghi việc lập đập 100 năm trước. Ảnh: N.T

Bi ký cho thấy, vùng đất phía tây của làng Hóa Khuê Đông xưa là vùng đất trù phú, tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan mà đất canh tác bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng. Nhiều họ tộc lớn trong vùng phải bán đất dưới hình thức “lai phục” mới có điều kiện sinh sống; một số lớn khác đã bỏ làng ra đi. Theo ông Hùng, “lai phục” là hình thức nông dân cầm cố tài sản (chủ yếu là ruộng đất) của mình cho chủ đất (thường là các địa chủ) rồi trực tiếp canh tác trên mảnh đất đã cầm cố, ăn chia hoa lợi với chủ đất theo tỷ lệ tam thất hoặc tứ lục (nghĩa là chủ ba ta bảy hoặc chủ bốn ta sáu). Về sau, người nông dân nếu đủ điều kiện về kinh tế thì có thể chuộc lại mảnh đất đã cầm cố trước đó.

Nói đến những khó khăn của người dân lúc đó, ông Hùng chia sẻ thêm từ những câu chuyện mà các cụ cao niên kể lại. Thế mới thấy tình hình sản xuất và đời sống của người dân ngày ấy cùng cực như thế nào khi đất bị nhiễm mặn.

Thế mới thấy tầm quan trọng của đập Bờ Quan, được xây dựng và ghi lại công đức của các chức sắc, quan lại từ phủ đến thôn, xã và bà con nhân dân. Việc làm ý nghĩa được nho sĩ đương thời nhiệt tình ủng hộ.

Có thể xem đập Bờ Quan là một công trình thủy nông phục vụ sản xuất, ngăn mặn có giá trị nhất ở vùng Hóa Khuê Đông xưa. Bởi, nó đã biến một vùng đất nhiễm mặn trở thành một vùng đất trù phú, phát triển cho đến ngày hôm nay. Vẫn còn lại một phần con đập 300 thước tây ấy như là một minh chứng về một tập quán sản xuất nông nghiệp của ông cha ta - “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Và hiện nay, tấm bia đá ghi lại công trình thủy nông đập Bờ Quan được dời về vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 100m, ở đầu cầu phía Tây cầu Bờ Quan (đường Minh Mạng, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Theo nội dung văn bia thì người chắp bút soạn bi ký là Tú tài Hồ Thăng Doanh (1869-1941), dân gian thường gọi là ông Nghè Hồ. Vị tú tài người xã Hóa Khuê Đông này cũng là tác giả của tác phẩm “Ngũ Hành Sơn lục” – một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn; ông cũng là tác giả của Bi ký tháp Tổ Phổ Bảo (người có công trùng tu chùa Chúc Thánh – Hội An). Ngoài ra, tên tuổi của Tú tài Hồ Thăng Doanh cũng được ghi công đức trong các văn bia Quảng Nam, là một trong những nho sĩ xứ Quảng có công trong việc biên soạn các bi ký.

NGUYỄN TRẦN

------------------------
(1) Do nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha bên Trung Hoa xây khi ông đến làm quan tại đây (ĐNCT).
(2) Do Trấn thủ trấn Hải Dương Trần Công Hiến (người Quảng Ngãi) chủ trương đắp đê ngăn nước mặn, người Hải Dương gọi con đê ấy là đê Trần Công để ghi ơn ông (ĐNCT).

;
;
.
.
.
.
.