Đời hẻm

.

Đứng ngọ, người trong hẻm mới thấy mặt trời. Suốt cả một ngày, ban mai ở đâu đó, hoàng hôn ở đâu đó, không ai hay biết. Ánh nắng chỉ của những nhà lầu sập sình tiếng nhạc và đem đệm êm, chăn ấm ra phơi. Còn trong các hẻm, quanh năm suốt tháng là mùi quần áo ẩm, là bóng dáng ngấn nước ố vàng đọng trên nếp áo. Thế mà trong hẻm vẫn đủ gặp gỡ, chia tay, cưới hỏi, tang ma và muôn vàn thứ ánh sáng khác trong một đời người.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc nhà tôi mới chuyển đến con hẻm này, tôi để ý thấy có một bà cụ ngồi bán những tờ báo cũ. Gian nhà của bà thấp bé nhưng có một cái cửa sổ thật rộng. Gọi là cửa sổ cũng được, cửa chính cũng chẳng sai bởi cái bậu cửa thấp đến mức đứa trẻ lên ba cũng có thể leo qua được. Tối đến, bà lùa các tấm gỗ vào cái hèm cửa mà bác thợ nề đã khía bằng nhát bay thẳng tưng.

Dần dà, tôi hiểu ra, bà bán rau, trứng, thuốc lào... còn những tờ báo cũ bà lượm lặt về để ngồi đọc qua ngày. Đọc hết tờ này bà đọc sang tờ khác, đọc từ mới hơn đến cũ hơn, đọc theo nhã hứng từng ngày nhưng tất thảy đều được xếp ngăn nắp như ở một sạp báo. Có lần, tôi nghe bà cụ bảo: Chữ nghĩa cũng như những con đường. Người tìm ra đường lớn, người đi suốt trong những con ngõ, con hẻm vậy mà chưa biết lòng ai vui hơn ai.

Đã 3 lần bà chuyển nhà, lần nào cũng chỉ mang theo một cái gánh nhỏ, trong ấy không thể thiếu những tờ báo. Bà mê nhất là cái mục viết ngắn như mảnh ruộng con con. Người sống manh mún, đọc manh mún nhưng ham đọc lâu và bền. Ngày trước, hẻm có một ông cụ chữa đài. Bao nhiêu loại đài về xếp chật ních trên mấy cái bàn gỗ. Nhìn chúng, tôi nghĩ đến những bản nhạc tiếng Anh đến từ một chân trời khác nhưng lại quen thuộc như tiếng chim hót, như tiếng suối chảy.

Giai điệu của nó có khuôn mặt để tự ta cảm nhận. Bàn tay ông thợ sửa ngày một chậm lại, những chiếc đài đến ngày một nhiều, bao thế hệ thanh niên lớn lên cùng những: Rock With You, Woman in Love, Baby One More Time, Say You’ll Be There, I Want It That Way… còn bác thì ngược về với những gì giản đơn của một người già. Cái tiệm sửa đài ấy rồi cũng phải đóng cửa, cái hẻm nhỏ với những chàng trai đêm đêm thao thức với những băng cassette ấy cũng già đi.

Trong hẻm còn có một người trồng những nhánh phong lan nhưng chẳng có giò nào ra hoa đẹp. Nghe nói, trong một chuyến đi rừng, thấy những cây gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ chỉ còn lại những gốc cây và đám cành lá. Ông lượm nhặt được nhánh lan như người ta tìm thấy đứa trẻ sống sót sau cuộc thảm sát. Bất luận hoa của nó ra sao, ông đem về trồng.  Bã trà, bã cà phê - những gì đọng lại sau những cuộc đàm đạo đầy bế tắc nơi con hẻm thiếu nắng - được ông giữ lại, đắp bồi để những mầm xanh vươn lên từ cằn cỗi. Những bông lan bình thường cứ nở như lẽ hằng thường dọc hiên nhà ông, làm những ngày trong con hẻm thêm mát rượi.

Con người ta sống lựa theo địa hình, tình huống, để rồi, tất cả những điều đó quay trở lại định danh cuộc sống của chính chúng ta. Có lẽ, nơi con hẻm vắng ấy, và biết bao con hẻm trong cuộc đời này ngày ngày vẫn lặng lẽ đều đặn nhịp sống. Những ước mơ, những niềm vui rất bình dị cứ thế lan tỏa, từng người tự vui với những gì đang có và đem niềm vui chia cho những người cũng dãy, từng lối đi như khi ta chia cho nhau quả ớt, chén nước mắm, bát cà muối xổi…

Thế mới hay, đời người là cuộc trăm năm lớn lao mà đôi khi cũng nhỏ bé, giản đơn mà ý vị biết nhường nào.

KIẾN VĂN

;
;
.
.
.
.
.