7 năm, chưa lần "tắt bếp"

.

Điều khiến những người trực tiếp vận hành bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (thuộc sự quản lý của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố) tự hào, là trong 7 năm hoạt động, bếp ăn chưa ngày nào “tắt bếp”. Đều đặn ngày hai bữa, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, bếp chuẩn bị 80-100 suất ăn (mỗi suất 20.000 đồng) cho bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Ông Võ Văn Đức đi chợ Hòa Khánh nhận phần rau củ do chị Phan Thị Thanh hỗ trợ. Ảnh: T.Y
Ông Võ Văn Đức đi chợ Hòa Khánh nhận phần rau củ do chị Phan Thị Thanh hỗ trợ. Ảnh: T.Y

Đong đầy tình thương

Buổi tối trước cuộc hẹn, ông Võ Văn Đức (74 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu nhắn tin khoe chúng tôi: “Sáng mai, bếp ăn tiếp nhận 150 suất mì Quảng do mạnh thường quân tài trợ. Sự hỗ trợ này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng hoặc để dành phần rau, củ, thịt cá do tiểu thương hỗ trợ cho bữa ăn tiếp theo”.

Theo ông Đức, không dễ dàng duy trì bếp ăn cho 42 bệnh nhân nếu không có sự chung tay, góp sức của mạnh thường quân, nhất là thời điểm cả nước đối mặt làn sóng Covid-19. Giữa thời điểm khó khăn nhất, căn bếp vẫn đỏ lửa hoặc bằng cách này hay cách khác, người bệnh vẫn nhận mỗi ngày 2 phần ăn (trưa, tối) do bếp chuyển vào.

“Những ngày không có sẵn thực phẩm tại bếp, ông lo lắng không?”, “Có chứ, lúc ấy bếp phải gọi điện nhờ chị em tiểu thương, xin người cân thịt, con cá, người ít rau củ rồi mình chạy xe máy đến chợ lấy”, ông Đức nói. Chuyện đến lấy, nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy muôn vàn vất vả. Nhiều hôm, trời mưa gió tầm tã, một mình ông Đức chạy ngược, chạy xuôi từ chợ Hòa Khánh lên chợ Nam Ô nhận thịt, cá, rau, củ. Không ít phụ nữ buôn bán ở chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô nhìn người đàn ông lớn tuổi, dáng cao gầy, tóc lấm tấm muối tiêu chất lên xe máy cơ man nào thịt, cá, rau củ đã không khỏi ái ngại, lo lắng.

“Tôi chưa từng nghĩ ông Đức làm công việc này với tư cách Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu. Bởi trong những lần ông ghé chợ, chúng tôi cảm nhận được sự tận tụy và lòng yêu thương của ông dành cho bệnh nhân”, bà Nguyễn Thị Mười, tổ phó tổ 5, khu dân cư Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Bắc khẳng định. Buôn bán ở chợ Nam Ô khoảng 10 năm thì có gần 7 năm, bà Mười gắn bó với bếp ăn từ thiện Bệnh viện Tâm thần trong vai trò “người góp lửa”. Mỗi tháng, bà đi một vòng quanh chợ xin chị em tiểu thương kinh phí mua thực phẩm.

“Mỗi tháng chúng tôi chủ động góp tiền (1,5-2 triệu) mua thực phẩm nhờ ông Đức chở về bếp nấu tặng bệnh nhân. Việc góp tiền mua nguyên liệu ngay tại chợ giúp chúng tôi kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như phù hợp nhu cầu thay đổi món cho bệnh nhân. Nhiều chị em biết rau củ, thịt cá cho bếp ăn đã bán rẻ theo kiểu vừa bán, vừa cho”, bà Mười chia sẻ.

"Nhiều hôm tôi gọi điện nói với ông Đức là thực phẩm nhiều lắm, hơn hai chục ký lận, ông chở xe máy nguy hiểm nên tôi sẽ gọi xe ôm chở giúp lên bếp nhưng ông Đức gạt, bảo thuê một cuốc xe thì bệnh nhân mất vài suất ăn, ông không nỡ vì mỗi lần xin là một lần khó”.

Nguyễn Thị Mười, tiểu thương chợ Nam Ô nói

Ông Võ Văn Đức không nề hà chuyện phải làm “xe ôm” ngày vài ba cuốc. Chỉ lo ngày nào đó mình không đủ sức để bươn bả cùng bếp. Ai cho gì, ông cũng trân trọng nên có cuộc gọi là ông chạy đi, dù đêm hôm khuya muộn, hay đang dùng bữa giữa chừng.

Bà Mười cho biết thêm: “Nhiều hôm tôi gọi điện nói với ông Đức là thực phẩm nhiều lắm, hơn hai chục ký lận, ông chở xe máy nguy hiểm nên tôi sẽ gọi xe ôm chở giúp lên bếp nhưng ông Đức gạt, bảo thuê một cuốc xe thì bệnh nhân mất vài suất ăn, ông không nỡ vì mỗi lần xin là một lần khó”.

Đồng hành cùng bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, mỗi tháng, Công ty TNHH Hà Sính Kim Anh (phường Hòa Khánh Bắc) hỗ trợ hơn 100kg thịt, trứng các loại. Sự hào phóng của vợ chồng ông, bà chủ Đinh Viết Trúc - Hà Thị Sính đã giúp những người trực tiếp vận hành bếp ăn từ thiện thấy ấm lòng. “Bếp chúng tôi hay đùa nhau, thiếu thịt chạy đến chị Sính, thiếu gạo chạy đến chị Hồng (chị Bùi Thị Hồng, chủ đại lý Gạo Hồng ở địa chỉ 72 Nguyễn Lương Bằng), bởi bất cứ khi nào bếp cần, hai người phụ nữ này đều sẵn lòng giúp đỡ”, ông Đức vui vẻ cho hay.

“Hạnh phúc là cho đi”

Kẻ góp công, người góp của đã giúp bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đỏ lửa gần 7 năm qua. Trong căn phòng rộng hơn 30m2 nằm trước cổng bệnh viện vừa đủ đặt chiếc bàn tiếp khách, tủ cấp đông, khu vực sơ chế, nấu nướng, trữ thực phẩm khô, chúng tôi nhìn thấy dòng chữ “Hạnh phúc là cho đi”. Cách đó không xa, trên tấm bảng treo tường, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu ghi lại danh sách “những nhà tài trợ ban đầu”. Ngoài ra, bếp ăn cũng ghi bảng vinh danh những cá nhân, CLB, hội, nhóm đăng ký tài trợ theo tháng…

Sau 7 năm, bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chưa ngày nào
Sau 7 năm, bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chưa ngày nào "tắt bếp". Ảnh: T.Y

Nhiều năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, lúc về hưu, thay vì chọn thong dong, nhàn hạ, bà Lê Thị Lâm tình nguyện gắn bó với bếp ăn để có cơ hội tiếp tục chăm sóc bệnh nhân. Bà Lâm nói rằng, ngoài uống thuốc định kỳ, “thần dược” của bệnh tâm thần là sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ. Những bữa cơm ấm nóng, giàu dinh dưỡng đã góp phần vào hành trình thức tỉnh tâm trí, kéo bệnh nhân trở về cuộc sống hiện tại.

Như một bệnh nhân tên Phú (trú huyện Hòa Vang), từng gây ra cái chết cho mẹ khi tưởng mẹ là rắn, tâm trí đã phần nào thức tỉnh nhờ sự chăm sóc, hỗ trợ y tế thường xuyên. Thời gian qua, mỗi ngày, sau khi uống thuốc, Phú lại xin phép bác sĩ ra ngồi chơi ở ghế đá trước bếp ăn, chờ đến giờ phát cơm. Chẳng ai gợi lại quá khứ nhiều ám ảnh của Phú, bởi suy cho cùng, thần trí nửa tỉnh, nửa điên cùng nỗi ân hận dày vò, đã là nỗi đau lớn nhất đời anh. Theo bà Lâm, trong thời gian phụ giúp sơ chế, phân chia thực phẩm tại bếp ăn, bà vui, hạnh phúc vì được làm bạn với những con người tử tế, sống vì cộng đồng. Và bà thấy mừng, khi chứng kiến sự tỉnh táo của những người từng rơi vào “cõi điên”.

Có lẽ chẳng ai đếm được công sức, tiền của mình bỏ ra. Chỉ biết, trong guồng quay được, mất đời người, nhiều tấm lòng đã “gặp nhau” qua căn bếp nhỏ. Chị Phan Thị Thanh (40 tuổi), bán rau, củ tại chợ Hòa Khánh, nói vui rằng “khi nào thích thì cho, chứ đâu biết mình đã cho bao nhiêu và cho như thế nào”. Cứ thế, buổi chợ nào chị muốn cho thực phẩm, sẽ nhấc máy gọi ông Võ Văn Đức đến chợ chở về. “Chú Đức với chị em tiểu thương chúng tôi như người nhà, chú hiểu chúng tôi bán buôn bận bịu nên lúc nào cũng sẵn lòng chạy tới chợ chở đồ về bếp”, chị Thanh chia sẻ. Cũng như chị Thanh, ở góc bên kia chợ Hòa Khánh, chị Nguyễn Thị Thu (50 tuổi) thường xuyên gửi tặng cà tím, su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây… cho bếp ăn từ thiện.

Sau 7 năm, điều khiến những người trực tiếp vận hành bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tự hào, là chưa khi nào “tắt bếp”. Đều đặn ngày hai bữa, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, bếp chuẩn bị 80-100 suất ăn cho hàng chục bệnh nhân, theo tinh thần “hạnh phúc là cho đi”.

Bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cho biết, năm 2022, bếp phục vụ hơn 29.000 suất ăn, từ nguồn kinh phí vận động của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu cùng sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội. Để hoạt động diễn ra thông suốt, hội phân công ông Võ Văn Đức phụ trách quản lý, giám sát và thuê người nấu với mức lương tượng trưng. “Ngoài sự vận động của các cấp hội, những “nồi cháo tình thương” trên địa bàn cũng tích cực tham gia hỗ trợ bệnh nhân. Nhờ đó, 7 năm nay, hàng chục bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Tâm Thần Đà Nẵng không còn lo lắng bữa ăn, yên tâm điều trị phục hồi sức khỏe”, bà Tám nói.

Trước những tâm huyết trao - nhận này, chúng tôi tin rằng, hành trình yêu thương của họ sẽ còn dài mãi. Và, đâu đó trong căn bếp, mỗi ngày, từng con người sống tận hiến sẽ nhẩm đọc bài thơ của “nhà thơ điên” Nguyễn Lương Nhựt, từng điều trị nội trú thời gian dài tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (nay đã mất): “Bạn hãy đến nhà thương Hòa Khánh/ Nơi chúng tôi là những kẻ điên tàn/ Mới thấy rõ những người đang thèm sống/ Rất thương đời cúi lượm những hạt cơm”, để dặn lòng, cần cố thêm chút nữa.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.