Chuyện người "làm tờ rủ kêu sưu ích"

.

Nhiều năm qua, các tài liệu nghiên cứu trong nước đã đề cập nhiều đến các vị “thủ xướng” phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam năm Mậu Thân (1908) như: Trương Tổn, Trương Đính, Trương Côn, Trương Hoành, Hứa Tạo, Lương Châu, hay các vị thủ lĩnh “trừ gian diệt ác” như Trần Phước, Nguyễn Cương (Tú Cang), Ông Ích Đường, Ông Ích Mén (Mắng), Trần Thuyết… Song, có một người đóng vai trò khá quan trọng nhưng lại ở trong “hậu trường” nên ít được nhắc đến.

“Lửa” đòi giảm sưu, thuế lan khắp 10 tỉnh Trung Kỳ

Theo Quốc triều hương khoa lục, trong vòng hơn nửa thế kỷ, từ năm 1834 đến năm 1888, làng/xã Phiếm Ái xưa (nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) có 6 vị cử nhân. Trong số này, có Cử nhân Trương Lâm, đỗ vị thứ 28/40 khoa Mậu Tý năm Đồng Khánh thứ 3 (1888). Đây là vị cử nhân thứ 3.734 của triều Nguyễn (1802 - 1945). Cử nhân Trương Lâm còn có tên là Trương Nhiếp nên người đương thời gọi ông là Nghè Nhiếp và do con trai đầu tên là Trương Tiếp (Nẫm) nên còn được gọi là Nghè Tiếp.

Bia Danh nhân Trương Nhiếp tại Đền Trường An, huyện Đại Lộc. Ảnh: V.T
Bia Danh nhân Trương Nhiếp tại Đền Trường An, huyện Đại Lộc. Ảnh: V.T

Là nhà nho đỗ đạt, có phẩm hàm, thuộc tầng lớp trên của xã hội, song Nghè Nghiếp không chạy theo vòng danh lợi. Ông luôn thể hiện thái độ đứng về phía những người dân nghèo, không can tâm chứng kiến cảnh sưu cao, thuế nặng cũng như sự lộng hành, sách nhiễu dân của quan lại địa phương.

Lúc bấy giờ, nông thôn Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung, chịu quá nhiều thứ thuế cao ngất trời. Canh tác chỉ đủ nộp phân nửa số thuế là cùng. Lợi tức của nhà nông hầu như chẳng lo được chuyện ăn uống hằng ngày. Lại còn khoản sưu là “nghĩa vụ” mà người dân phải đóng góp cho Nhà nước Bảo hộ bằng công lao động để xây dựng các công trình công cộng nhưng thực chất là “Mở đường thiên lý cho tòa tỉnh đi xe/ Làm sở Bà Nà cho người Tây hứng gió”(*).

Vào hạ tuần tháng Giêng âm lịch năm 1908, viên Tri huyện Đại Lộc nhân việc xâu mà sách nhiễu tiền, lại tăng khống số dân lên quá số thiệt trong xã, dân các xã không chịu nổi. Nguyên tháng trước đó, viên Tri huyện này vì nhiễu dân nên bị dân các xã kiện tại Tòa Công sứ. Tòa xử không có lỗi nên y ỷ thế, lấy việc bắt xâu mà báo thù. Nỗi ai oán của nhân dân ngày càng tăng.

Vốn làm việc quan đã nhiều năm, Trương Nhiếp dẫu biết sưu thuế là việc có quan hệ đến đại chính của quốc gia nhưng ông nghĩ: Dân dĩ thực vi tiên (Dân lấy ăn làm đầu). Dân đang đói khổ do trời hạn hán, đất phải bỏ hoang thì lấy chi mà nộp thuế, đi sưu. “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”, ông tính đến việc phải đề đạt quan tỉnh, quan Công sứ giảm sưu, thuế cho dân.

Nhân một bữa đám giỗ của tộc Trương, Cử nhân Trương Nhiếp đưa ra bàn chuyện “sưu cao thuế nặng”. Về phần mình, ông nhận lãnh phần soạn tờ đơn xin giảm sưu, thuế để nhóm “Đồng Dân” (những người thủ xướng) tổ chức đi lấy chữ ký của các làng trong huyện. Phong trào chống sưu, thuế năm 1908 khởi phát từ huyện Đại Lộc nhanh chóng lan ra toàn tỉnh Quảng Nam, sau đó cuốn hút cả 10 tỉnh Trung Kỳ (trong đó có kinh đô Huế). Đây không chỉ là đòn đánh thẳng vào chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp mà một trong những biện pháp chủ yếu là tăng thuế mà còn làm lung lay mạnh mẽ bộ máy thống trị cấp tỉnh, cấp phủ, cấp huyện của chế độ thực dân, phong kiến đương thời.

Bản án độc nhất vô nhị

Nói về giá trị to lớn và sức lan tỏa mãnh liệt của tờ đơn xin giảm sưu, thuế năm 1908, cố nhà thơ Thanh Trường (Trương Anh Ta) đã viết: “Ôi những tờ đơn/ Sục sôi dân nước!/ Ôi những tờ đơn/ Lửa cháy trùng vi!/ Thương người dân nghèo/ Viết đơn cổ xúy/ Hàng ngàn dân bốc lửa/ Xuống đường...”.

Nhận thức được mối nguy hiểm tạo nên bởi tờ đơn ấy, thực dân Pháp và Nam triều truy xét và tìm ra người khởi thảo đơn không ai khác là Trước tác Trương Nhiếp, nguyên là vị quan đương triều.

Theo cuốn Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân (NXB Văn học, 2008) của Nguyễn Thế Anh, trong số các bản án dành cho các nhân vật “kiệt hiệt” ở Quảng Nam, chỉ duy nhất có bản án về vụ “làm tờ rủ kêu sưu ích” do Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung đệ trình, trong đó kết tội Trương Nhiếp như sau:

“Sưu thuế là việc quan hệ đến đại chính của quốc gia, nguyên Trước tác Trương Nhiếp (xã Phiếm Ái, huyện Đại Lộc) đã tùng sự lâu, lẽ nào không biết, thế mà tờ xin sưu ích ấy cũng có y viên dự soạn, đến khi xét hỏi, khai lời trốn tránh; nhưng y là một hương quan, khi ấy em là Trương Kỳ, tộc thuộc là Trương Tốn và rể là Lương Châu đi lại tụ hội, làm đơn rủ ký, y viên tai mắt rất gần, khó nói là không biết; đến khi quý quan tới nã Lương Xáng, y viên xin cho tạm về, cũng là có lỗi”.

Rõ ràng, bản án trên khẳng định, cụ Nghè Nhiếp không chỉ là người “dự soạn” tờ đơn xin giảm sưu, thuế năm 1908 ở Đại Lộc mà còn dám đứng ra xin quan trên cho Lý trưởng làng Hà Tân Lương Xáng “tạm về”. Ông này là em ruột Lương Châu, từng tham gia phát động kháng thuế, cự sưu ở vùng Tây Đại Lộc và trực tiếp ủng hộ 6 ang gạo, đôn đốc dân làng nấu cơm ngay giữa sân đình Hoằng Phước (nay thuộc xã Đại Đồng) để hỗ trợ đoàn người đi “xin sưu”.

Bản án cũng cho thấy thực dân Pháp và Nam triều không có đủ chứng cứ thuyết phục để buộc tội Nghè Nhiếp, khi mơ hồ cho rằng ông “khó nói là không biết” các hoạt động của những người thân thuộc: Trương Kỳ, Trương Tổn (Trương Tốn), Lương Châu, nhưng chúng lại áp dụng hình phạt khá nặng, đó là: xử trượng 80, đồ 2 năm, cách khử phẩm hàm, thu tiêu sắc bằng.

115 năm đã đi qua, song nghĩa khí cao cả và tấm gương vì nước, vì dân của cụ Nghè Nghiếp luôn là niềm tự hào của tộc Trương làng Phiếm Ái nói riêng và huyện Đại Lộc nói chung. Bia Danh nhân Trương Nhiếp được huyện Đại Lộc trân trọng dựng tại Đền Trường An vào năm 1995. Là “chứng nhân lịch sử” của Phong trào chống sưu, thuế ở Trung Kỳ năm 1908, địa điểm nhà ông Nghè Nhiếp (Nghè Tiếp) xưa, tại làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia năm 2017 (cùng với Đình làng Phiếm Ái).

VÂN TRÌNH

------------------
(*) Trích bài văn tế truy điệu ông Huỳnh Tâm, một người tham gia xin xâu bị chết.

;
;
.
.
.
.
.