"Gã khổng lồ" TikTok vướng làn sóng tẩy chay

.

Từ vị thế là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, TikTok giờ đây đối mặt với làn sóng tẩy chay ở nhiều nước.

TikTok hiện có hơn 1 tỷ người sử dụng trên toàn cầu.            Ảnh: Reuters
TikTok hiện có hơn 1 tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Giới chức Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước châu Á cấm TikTok do lo ngại ByteDance - công ty sở hữu ứng dụng này - sẽ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, hoặc lan truyền thông tin sai lệch có lợi cho Bắc Kinh.

Mỹ sẽ cấm triệt để TikTok?

Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, TikTok (phiên bản tại Trung Quốc là Douyin) được các chuyên gia truyền thông ca ngợi là “gã khổng lồ mạng xã hội đang say ngủ”. Ứng dụng này phát triển nhanh chóng vào năm 2020 và hiện có hơn 1 tỷ người sử dụng trên toàn cầu (xếp thứ 6 trong số các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất, sau Facebook, YouTube, Whatsapp, Instagram và WeChat).

Thế nhưng, Quốc hội Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang. Tiếp đó, hơn 30 bang ở Mỹ ban hành lệnh cấm. Mới đây nhất, Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật Hạn chế các mối đe dọa bảo mật gây rủi ro công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT) do các thượng nghị sĩ đề xuất, nhằm trao cho chính phủ quyền hạn mới để cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok và các công ty công nghệ khác có trụ sở ở nước ngoài, nếu chúng gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

RESTRICT không nói rõ lệnh cấm được thực hiện thế nào nhưng trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm mọi giao dịch với TikTok, nghĩa là các cá nhân ở Mỹ không thể tiếp cận hoặc tải ứng dụng này về điện thoại. Đây là động thái mạnh mẽ của chính phủ Mỹ nhằm vào TikTok.

Tuy nhiên, ít khả năng Mỹ sẽ ban hành lệnh cấm hoàn toàn TikTok, bởi điều đó đồng nghĩa với sự can thiệp mạnh mẽ vào khu vực tư nhân. Hơn nữa, nếu có động thái như vậy, chính phủ Mỹ sẽ đối mặt với thách thức tại tòa án. Giáo sư Thẩm Dật, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng, Mỹ không dám nhìn thẳng sự thật khi không có bằng chứng cho thấy TikTok là “mối đe dọa” về an ninh và cơ bản đây chỉ là nền tảng giải trí.

Mất dần các thị trường lớn

Sau “phát súng” đầu tiên từ Mỹ, Canada và hàng loạt quốc gia châu Âu cấm TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ. “Tốt nhất là nhân viên chính phủ không dùng Tiktok vì có nhiều lo ngại liên quan bảo mật an ninh dữ liệu”, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố.

Ấn Độ cũng đã cấm vĩnh viễn TikTok cùng khoảng 300 ứng dụng khác của Trung Quốc. Trong khi đó, một số nước Hồi giáo như Indonesia và Bangladesh cấm TikTok với lo ngại lan truyền nội dung “không phù hợp”.

Hiện chưa có bằng chứng TikTok sẽ tiết lộ dữ liệu của người dùng. Song, theo các chuyên gia, công ty mẹ ByteDance không còn sự lựa chọn nào khác bởi Luật An ninh quốc gia năm 1993 của Trung Quốc quy định các cơ quan an ninh quốc gia có thể kiểm tra thiết bị liên lạc điện tử của các tổ chức và cá nhân nếu cần thiết. Luật Tình báo quốc gia năm 2017 của Trung Quốc cũng yêu cầu các tổ chức và công dân phải “hỗ trợ và hợp tác với cơ quan tình báo của nhà nước”.

Cam kết mới của TikTok

TikTok vừa công bố dự án bảo mật dữ liệu mới có tên “Kế hoạch Clover” (Project Clover) để thuyết phục các chính phủ châu Âu rằng công ty không làm lộ dữ liệu người dùng trong bối cảnh TikTok phải chịu áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và phương Tây, theo hãng tin Reuters. Cụ thể, TikTok xây dựng 3 trung tâm dữ liệu ở châu Âu để lưu trữ thông tin của 150 triệu người dùng trong khu vực. Một công ty độc lập sẽ hỗ trợ giám sát việc truy cập dữ liệu, nhưng TikTok chưa tiết lộ công ty này.

Dựa vào các luật nói trên, xét về lý thuyết, cơ quan chức năng Trung Quốc có thể yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu nếu cần thiết. Dẫu vậy, trên thực tế, việc truy cập vào các tài sản tư nhân thường yêu cầu phải trải qua các cuộc đàm phán kéo dài và phức tạp giữa các công ty và quan chức địa phương.

Bà Susan Ariel Aaronson - giảng viên Trường Quan hệ quốc tế Elliott (Đại học George Washington, Mỹ) nhận định: “Dữ liệu là nguồn lực quan trọng để phát triển một cường quốc kinh tế. Chẳng hạn, khi một chính phủ muốn phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, họ cần những nguồn dữ liệu khổng lồ. Không chính phủ nào muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thu thập dữ liệu, và họ không muốn dữ liệu cá nhân của công dân nước mình rơi vào tay một công ty nước ngoài”.

Dĩ nhiên, khi TikTok thất thế, miếng bánh sẽ thuộc về các nền tảng còn lại; trong đó có Facebook - nền tảng mạng xã hội đang có hơn 1,9 tỷ người dùng - vốn đã bơm tiền cho tính năng Reels để giành thị phần của “gã khổng lồ” đến từ Trung Quốc.

Khánh Linh (theo CBS, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.