Hết mưa, nắng sẽ bừng lên

.

Hôm trước Tết, bạn tôi tới chơi mang tặng cây sen đá cổ thụ rất đẹp. Cây chỉ cao chừng hơn gang tay, có gốc to, thân chắc chắn. Tán cây xòe đều làm thành hình tròn nhìn như quả cầu. Xen kẽ lớp lá li ti màu xanh là sắc hoa màu hồng phủ quanh quả cầu, rất lạ mắt! Tôi biết khá nhiều loại hoa, nhưng khi chạm mắt phải cây sen đá cổ thụ này cũng phải ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của nó. Nhìn như những chậu hoa quả cầu giả mà có lần tôi thấy bán trong nhà sách. Nhưng đây là cây thật. Chạm tay vào thân, lá cây thấy mát rượi và sắc hồng gặp chút nắng thì bừng lên sáng cả căn phòng. Bạn tôi còn nói rằng, chỉ có một cây duy nhất trong hàng hoa. Vì vậy mà tôi nâng niu lắm!

Minh họa: TLAThu
Minh họa: TLAThu

Nhưng được chừng hơn một tháng, cây đột nhiên rụng lá dần. Có chút kinh nghiệm chăm sóc cây kiểng nên tôi biết được cây đang bất ổn. Khi cây bị rụng lá, khả năng cao là bộ rễ không hấp thụ dinh dưỡng. Tôi tiến hành thay đất cho cây, dùng loại dinh dưỡng kích rễ, tưới lá để bổ sung thức ăn cho cây, đem phơi nắng mỗi sáng.

Dù vậy, chỉ được thêm ít ngày thì cây rụng sạch lá, chỉ còn trơ cành. Tôi đoán cây không thuộc khí hậu nơi này. Và cây cũng chỉ là loài thực vật tự nhiên nên ngoài kỹ năng chăm sóc, còn phải thuận theo tự nhiên nữa. Tuy vậy, người thương cây sẽ hiểu cảm giác này: vui buồn theo cây. Cây như một thứ thần dược có khả năng kéo tinh thần mình lên khi nó tốt tươi, và ngược lại. Tôi cũng không ngoại lệ.

Mỗi buổi sáng, lúc chuẩn bị bữa ăn, tôi có thói quen nghe clip về thông tin, kiến thức nào đó, hoặc là chút nhạc không lời. Sáng nay, tôi nghe bài giảng của một thiền sư, về sự chấp nhận. Sư nói rằng, đa phần những khổ đau đến vì mình mất đi khả năng chấp nhận - một kỹ năng căn bản mà bất cứ ai vào đời cũng đều phải rèn luyện cho mình. Nhưng ta đã có chưa? Nếu đã có, ta xem mọi thứ chẳng có gì là to tát cả. Chẳng phải “trời hết mưa nắng sẽ bừng lên” đó thôi!

Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện xảy đến mà mình không lường trước được. Như dịch bệnh, mất mát người thân đột ngột… Vấn đề thảm họa như vụ động đất 7,8 độ richter tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-2 vừa qua đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng, kéo theo những thảm họa thứ phát của hậu động đất. Nếu như chẳng may người thân của mình nằm trong đống đổ nát đó, đau thương đến độ không thể chấp nhận thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Tôi nhớ ngày mẹ mất, đớn đau không nói thành lời. Bạn bè, đồng nghiệp đến chia sẻ, an ủi. Một người bạn thân lo tôi ở một mình bất ổn, bạn xách túi quần áo đến ở cùng tôi để tôi vượt qua cú sốc quá lớn đó. Được vài ngày, rồi bạn cũng trở về để tiếp tục công việc mỗi ngày. Khi ấy, còn lại một mình, nỗi đau vẫn vẹn nguyên như chưa từng vơi đi chút nào. Tôi nhận ra những lời động viên, an ủi, những cái nắm tay sẻ chia… chỉ là liều thuốc giảm đau tạm thời.

Vậy nên, bài học về sự chấp nhận là không thừa. Chấp nhận mọi biến cố xảy đến với mình, cả những điều không hoàn hảo ở bản thân mình, những điều bất như ý từ chung quanh… Chấp nhận mọi sự vô thường vì ngoài hơi thở hiện tại, mình chẳng giữ được điều gì. Mọi thứ có đó rồi sẽ mất đó. Có chấp nhận được như vậy, ta mới nhanh chóng lấy lại cân bằng để bước tiếp về phía trước.

Sự chấp nhận còn như một cuộc thương lượng cần thiết với chính mình, khi muốn chữa lành vết thương hằn trong tâm hồn. Bằng cách, mình phải có mặt ở đó, đón nhận hiện tại như nó vốn là. Khi ấy, vết thương sẽ dần hồi phục!

Bà Carole Berger, tác giả cuốn sách chữa lành nổi tiếng “Ho’Oponopono: Sống như người Hawaii” cũng nhấn mạnh chìa khóa duy nhất để có cuộc sống thanh thản, bình yên đó là: chấp nhận - tha thứ - biết ơn. Trong đó, biết chấp nhận chính là bước đầu để chúng ta đạt được tự do trong tâm trí, bình tĩnh và sáng suốt hơn.

Tôi đón tia nắng đầu ngày bên song cửa, cạnh chậu sen đá cổ thụ đã trơ cành, ở khoảnh khắc ấy, tôi thấy sắc hồng hoa sen đá vẫn bừng lên trong tâm trí mình.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.