Hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng

.

* Tôi mỗi lần tới khám bác sĩ là huyết áp lại tăng cao, có người nói tôi bị hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng. Hội chứng này là gì và có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? (Lê Thành, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Thuật ngữ “áo choàng trắng” bắt nguồn từ màu sắc của chiếc áo blouse truyền thống mà bác sĩ hay mặc khi khám bệnh. Bệnh tăng huyết áp áo choàng trắng, hay hội chứng áo choàng trắng là tình trạng căng thẳng, hồi hộp, tăng huyết áp đột ngột, xảy ra khi bệnh nhân gặp bác sĩ. Tuy nhiên, khi trở về nhà, huyết áp của họ lại hạ về mức bình thường. Sự lo lắng khi ở gần bác sĩ có thể khiến huyết áp của bạn tăng cao tạm thời.

Khi đo huyết áp tại bệnh viện, huyết áp của bệnh nhân có thể lớn hơn 140/90mmHg. Ảnh: V.T.L
Khi đo huyết áp tại bệnh viện, huyết áp của bệnh nhân có thể lớn hơn 140/90mmHg. Ảnh: V.T.L

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg. Để xác định tình trạng này, cần đo huyết áp ít nhất 2 lần, ở 2 thời điểm khác nhau, khi ở nhà và khi ở cơ sở y tế.

Bài viết “Tăng huyết áp áo choàng trắng là gì?” đăng trên trang trungtamytequan4.medinet.gov.vn (Trung tâm Y tế quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thêm, về lý thuyết, nếu huyết áp bệnh nhân liên tục ở mức cao trong ba lần đo tại bệnh viện, bác sĩ sẽ bắt đầu nghi ngờ và chẩn đoán tăng huyết áp. Chính vì vậy, người bệnh cần trung thực chia sẻ với bác sĩ về sự khác biệt huyết áp giữa đo tại bệnh viện và đo tại nhà. Dựa trên thông tin ấy, bác sĩ sẽ yêu cầu hai phương pháp đơn giản sau nhằm xác định tăng huyết áp áo choàng trắng:

Đo huyết áp tại nhà với các loại máy cơ, máy điện tử giúp đo huyết áp chính xác. Để bảo đảm độ hiệu quả, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhằm thực hiện đúng kỹ thuật trước, trong và sau khi đo huyết áp tại nhà.

Với kỹ thuật đo huyết áp lưu động 24 giờ, bạn sẽ được gắn một thiết bị đo chuyên dụng, liên tục đo và ghi lại mức huyết áp trong các sinh hoạt đời sống thường ngày. Sau 24 giờ, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập, đối chiếu, đánh giá dữ liệu để có chẩn đoán chính xác nhất, xem bạn có thực sự bị tăng huyết áp và cần điều trị hay chỉ đơn thuần mắc hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng.

Cũng theo bài đã dẫn, đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh tác động của tăng huyết áp áo choàng trắng lên sức khỏe người bệnh. Hội chứng này thực ra khá phổ biến (khoảng 20% số trường hợp) và thường sẽ dần dần biến mất theo thời gian. Một số bệnh nhân chỉ cần đến lần khám thứ 3 là đã có thể tự tin, trong khi số khác phải mất nhiều thời gian hơn. Trên thực tế, bác sĩ có thể góp phần giúp cải thiện hội chứng này bằng cách gầy dựng lòng tin, sự sẻ chia với bệnh nhân, tạo ra môi trường giao tiếp thoải mái, vui vẻ. Nhờ vậy, người bệnh sẽ không còn cảm thấy lo âu, bồn chồn và tăng huyết áp áo choàng trắng cũng biến mất.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Hùng đưa ra lời khuyên: Đối với các trường hợp tăng huyết áp áo choàng trắng, các bác sĩ thường chưa sử dụng thuốc để điều trị mà chỉ theo dõi thêm huyết áp tại nhà và áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc như: chế độ ăn hạn chế muối, đường mỡ, tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng lý tưởng, tránh lạm dụng bia rượu và chất kích thích như cà phê, thuốc lá... Sau khi theo dõi, nếu khẳng định là tăng huyết áp thực sự thì bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc hạ huyết áp thích hợp.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.