Lòng thương dân ái quốc của một quan Thượng xứ Quảng

.

Thượng thư Nguyễn Tường Vân (1774-1820) làm quan triều nhà Nguyễn, sinh sống tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Với lòng thương dân ái quốc, ông đã mạnh dạn tâu lên hai vị vua đầu tiên của triều Nguyễn những kế sách ngoại giao và nội trị, thể hiện tầm nhìn xa, thông tuệ của một kẻ sĩ xứ Quảng...

Mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân. Ảnh: A.T
Mộ Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân. Ảnh: A.T

Theo Đại Nam liệt truyện tập 1, 2 (NXB Thuận Hóa), năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Tường Vân thi đỗ tam trường, được bổ chức Phủ Lễ sinh, sau đó thăng chức Nhập thị Thư viện, rồi thăng Chính dinh Trị bạ Tri nội các. Nhờ lập được nhiều công trạng, ông được Nguyễn Ánh yêu mến và trọng vọng.

Trải qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng, nhiều kế sách trị quốc của Nguyễn Tường Vân đã được triều đình, nhà vua ghi nhận và thực hiện. Theo nhận xét của các nhà sử học, có thể nói những kế sách của ông thể hiện được tầm nhìn, trí tuệ một vị đại thần tài đức vẹn toàn. Những thông tin, tư liệu liên quan đến dòng họ Nguyễn Tường nói chung và Thượng thư Nguyễn Tường Vân nói riêng đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức phiên âm, dịch nghĩa và in trong sách Di sản Hán Nôm Hội An - Tập 2 (Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường), xuất bản năm 2016.

Theo đó, ngày 12 tháng 8 năm Gia Long thứ 8 (1809), Nguyễn Tường Vân có bản tấu 10 điều kế sách “nội trị”. Về kế sách thứ nhất, “quảng khai ngôn lộ” (rộng mở đường ăn nói), ông cho rằng: “Gốc của chính trị, không gì trước bằng cầu lời nói… Mở đường ăn nói để cầu người can gián, vẻ mặt hòa dịu để tiếp nhận kẻ sĩ...”. Ở kế sách thứ hai “Thận tu đức chính” (thận trọng tu sửa đức chính), nội dung quan trọng trong kế sách “nội trị” của nhà vua và triều đình, ông nhấn mạnh: “Rằng đức là được vậy, chính trị là ngay thẳng vậy. Ông phân tích thấu đáo: “Lấy sự thanh liêm, trong sáng bởi nghĩ đến việc phân phát phong hóa. Khen người thiện, chê người ác bởi nghĩ đến việc khuyên răn đời sau. Dẹp ngục hoãn hình bởi nghĩ đến việc thi thố dày nhân ái”. Ông nhận định, nếu “Thận tu chính đức” thì "có thể nắm trọn được nhiều mà đều chế hóa trong một nhà, để muôn năm lâu dài mà đều giữ được thành tựu như thuở mở đầu”.

Tập sách ghi chép cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ảnh: A.T
Tập sách ghi chép cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ảnh: A.T

Thượng thư Nguyễn Tường Vân có tư tưởng thương dân, dưỡng dân: “Bảo tồn tâm đối với thiên hạ, gia tăng chí hướng đối với dân cùng khổ. Một người dân đói thì nói là ta đói. Một người dân rét thì nói là ta rét... Phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ...”. Ông còn đề đạt vị vua khai sáng triều Nguyễn một việc làm rất thiết thực cho dân, đó là lập kho thóc cứu mất mùa: “Nhân lúc được mùa, lập kho thường bình ở các địa phương xa xôi. Phép ấy, vào lúc lúa gạo rẻ thì tăng giá lên, để làm lợi cho nhà nông, vào lúc lúa gạo đắt thì giảm giá để giúp dân”...

Ông cũng dẫn Kinh thư, Kinh dịch khuyên nhà vua: “... nên chia đặt quan lại, phạt tội, thưởng công mà mọi người chẳng vượt qua chức phận”. Ông cho rằng quan lại nhận bổng lộc của triều đình thì phải biết nuôi dưỡng sự liêm khiết của kẻ bề tôi, bởi “nếu được như thế thì tước mệnh trọng mà triều đình tôn quý, danh phận chính mà trên dưới phân biệt, ăn mặc đủ thì liêm sỉ nên”...

Tháng 7 năm Minh Mạng nguyên niên (1820), ông dâng sớ tâu vua 6 điều gan ruột. Mượn xưa nói nay, ông khéo léo khuyên can nhà vua trẻ siêng năng việc triều chính và hay tham vấn các đại thần về các sự tích xưa để trị quốc an dân: “Bề tôi thường xem sử nhà Lê ghi chép ngợi ca thời Thái Tổ hoàng đế: việc chính trị khoan hòa, trọng hậu khiến cho hai xứ Thuận Quảng, ngoài đường không nhặt của rơi, nhà không đóng cửa. Vào lúc dụng binh mà như thế thì lúc chính lệnh thi hành quả là vương nghiệp từ đó mà hưng, và đất đai làm chỗ nương tựa cho ngàn muôn đời. Nay đất nước thống nhất biên giới vô sự, các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê chưa được thịnh như ngày nay. Cúi xin vun đắp thêm công lao mở mang, thi hành nhân ái rộng lớn”.

Trong sớ 6 điều này, ông xin nhà vua tha miễn tô thuế ruộng công và tha miễn tiền thuế dung[1], thuế mân cho dân ở 4 dinh trực lệ: Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam vì theo ông: “Phàm bốn dinh trực lệ là đất căn bản, việc cung ứng chinh chiến so với các trấn khác là khá nặng hơn, lệnh trưng gọi phát binh so với các trấn khác”. Việc miễn tô thuế ruộng, miễn tiền thuế dung, thuế mân nhằm “sung vào nuôi dưỡng dân để ứng tòng việc binh” và “dưỡng dân rồi binh mới tự mạnh vậy”.

Tháng 7 năm Minh Mạng nguyên niên, ông được thăng chức Thượng thư Bộ Binh, vẫn giữ chức Hành duyệt Tuyển sự ở Bắc Thành, nhưng chưa bao lâu thì ông bị bệnh và qua đời vào ngày mồng 8 tháng 10 năm 1820. Trước khi mất, ông có tờ biểu tâu lên vua, trình bày những điều gan ruột về việc nội trị trong nước và ngoại giao với nước Xiêm La.

Thương tiếc một vị đại thần tài đức vẹn toàn, vua Minh Mạng có dụ: “Nguyễn Tường Vân có đầy đủ văn học, lo toan được chính sự; được sai nhận lãnh việc binh khu; mệnh cử đi đến Bắc Thành để thi hành điển chế. Trẫm mới nghe ông nhiễm bệnh thế mà đã qua đời rồi. Tiếc thương ôi cho người ấy, chí chưa tròn mà thân đã mất. Lòng trung trinh bền vững ở tờ di sớ này. Trẫm xem sớ tấu ấy mà bất giác lệ rơi”. (Đại Nam thực lục Tập II, Quyển V, NXB Giáo dục).

Thi hài ông được đưa từ Bắc Thành (thành Hà Nội) bằng thuyền lớn về Quảng Nam và được quốc táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc Gò Lăng, thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc. Ngôi mộ đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15-7-2020.

AN TRƯỜNG

-----------------------------
[1] Thuế dung; một phép thuế đời Đường (Trung Hoa) bắt dân làm việc cho vua. Thuế mân: một trong 3 loại thuế đinh gồm: thuế thân, thuế mân, thuế cước mễ (ĐNCT)

;
;
.
.
.
.
.