Nguyễn Nho Nhượn - Hồn thơ sóng vỗ

.
Thơ Nguyễn Nho Nhượn (NXB Hội nhà văn, tháng 11-2022).
Thơ Nguyễn Nho Nhượn (NXB Hội nhà văn, tháng 11-2022).

Nguyễn Nho Nhượn (1946-1969) sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bồng Lai, Điện Bàn, Quảng Nam; bắt đầu làm thơ năm 16 tuổi và chỉ 6, 7 năm gắn bó nghiệp viết; phải sống ở thời tao loạn lại có căn bệnh cố hữu trong người nhưng anh vẫn mang chí hướng làm trai muốn dấn thân, nhập cuộc để tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.

Đọc Thơ Nguyễn Nho Nhượn (NXB Hội Nhà văn, tháng 11-2022) do gia đình thi sĩ tìm lại gồm 64 bài thơ cùng lời bình của các nhà văn, kể cả thư từ bút tích… tôi nhận ra nỗi ám ảnh chiến tranh, niềm khắc khoải về thân phận con người bàng bạc suốt tập sách.

Viết về bóng ma chiến tranh bao phủ làng quê, anh dùng gam màu đỏ, màu của lửa cháy, của máu và nước mắt: Chiến tranh không ca hát bằng linh hồn/ Lửa cứ cháy/ Đỏ (Lửa cháy). Quay cuồng trong cái vòng luẩn quẩn ấy là số phận điêu linh của bao người vô tội và thơ Nguyễn Nho Nhượn không thể tránh khỏi băn khoăn. Phải làm gì đây? Là câu hỏi luôn đau đáu trong thơ anh, trở thành một ám thị đeo đẳng: Lửa đã bắt đầu cháy/ Quả đất quay cuồng/ Quê hương phẫn nộ/ Em vẫn thản nhiên ca hát/Trên cánh đồng cỏ khô/ Anh đã đập nát cây đàn để phản đối/ Nhưng thế giới vẫn còn khiêu vũ (Cánh đồng tình yêu).

Viết về thân phận con người trong bom đạn, Nguyễn Nho Nhượn xoáy sâu vào hai đối tượng: mẹ già và em thơ, bởi họ là những sinh linh đáng thương và vô tội. Thơ tuổi 20 - Nguyễn Nho Nhượn đi tìm chút ấu thơ, trong sáng còn sót lại sau những điêu tàn: Đàn em dại nở nụ cười chưa trọn/ Vội kinh hoàng theo tiếng nổ lê thê (Thương nhớ). Ôi mùa xuân sắp đến/ Vui chơi này - khoảng trống/ Trẻ thơ này - mất mẹ/ Nước mắt lẫn với cơm (Mùa xuân sắp đến). Những câu thơ giàu chất hiện thực và thấm đẫm cảm xúc yêu thương chỉ bắt rễ từ một trái tim nồng hậu, bao dung. Nỗi sầu, niềm ái ngại của người mẹ luôn để lại trong tim thi sĩ một vết thương không lành miệng: Tôi nhỏ dại dưới nỗi sầu của mẹ/ Ươm linh hồn trong luống tuổi quê hương (Người con quê hương). Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa cho rằng, với Nguyễn Nho Nhượn, những thao thức về hiện trạng xã hội luôn là những đốm lửa cháy lên trong tâm hồn nhà thơ. Giữa biển lửa chiến tranh, con người chỉ là hạt cát bé nhỏ chịu biết bao dập vùi; với trái tim bé nhỏ nhưng khát vọng rộng lớn, người trai ấy vẫn tha thiết trải lòng với thiên nhiên, con người và cuộc sống: Hoa ngạt ngào hương dâng tình đất mẹ/ Lúa ngùi say ươm sữa ngọt ven đồng/Theo tuổi trẻ lớn dần lên thế hệ/ Vỗ tay reo thương mơ ước nhà nông (Đất mẹ).

Viết về thân phận con người, thơ Nguyễn Nho Nhượn không chỉ viết về người, viết cho người mà còn viết cho mình, đau cho mình. Nỗi buồn trong thơ anh đậm dày, đó là nỗi buồn của một thế hệ đang buồn: Bàn tay run rẩy phân trần/ Van xin cơm áo không cần công danh/ Nghe xa hồn vỡ chiến chinh/ Con đò sóng vỗ đành chìm đáy sâu (Tiếng nói giữa hư vô). Công danh sự nghiệp một thời ở học đường nuôi dưỡng và gắng sức đã tan tành như mây khói bởi bóng đen cuộc chiến, mộng ước bây giờ đã thành mộng ảo. Câu thơ vang lên như một tiếng thở dài não nuột khiến độc giả sững sờ. Để chạy trốn nỗi cô đơn đang gặm nhấm trong từng tế bào, thi sĩ chỉ biết tìm đến tình yêu, nhưng càng yêu nỗi sầu càng dâng cao chất ngất. Đọc những vần thơ tự thuật viết ở những ngày tháng cuối đời, khi tuổi trẻ đang dâng trào nhựa sống lại phải giam hãm trong bốn bức tường bệnh viện, ta cùng buồn đau, đồng cảm với thi sĩ: Thân lừ đừ vô vọng/ Mang mang cõi u trầm/ Một tâm hồn sóng vỗ/ Một bóng hình tả tơi/Võ vàng nhà thương thí/ Mùa xuân trơ nhánh cành/ Ngày không ai thăm viếng/ Xin cuộc đời lãng quên (Thơ từ bệnh viện).

Thân xác bị đọa đày vì bệnh tật, tâm hồn mang nặng nỗi ám ảnh chiến tranh nhưng nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn vẫn tha thiết với thơ ca, khát khao được viết, được khẳng định ý nghĩa đời mình. Bản thảo anh để lại có thể bị lạc đi ít nhiều nhưng chỉ cần phần sưu tầm được của gia đình và bạn bè in trong Thơ Nguyễn Nho Nhượn đã minh chứng cho một cuộc đời hữu hạn nhưng sáng tác anh để lại là vô hạn, sẽ tồn tại bất chấp quy luật nghiệt ngã của thời gian.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.