Những chiếc ghim sắt ở Nhà thờ Đức Bà Paris

.

Vụ hỏa hoạn bao trùm Nhà thờ Đức Bà Paris bốn năm trước đã bất ngờ hé lộ một bí mật được cất giữ lâu nay về công trình biểu tượng của Paris: nhà thờ đầu tiên của kiến trúc Gothic sử dụng những chiếc ghim sắt một cách rộng rãi ở nhiều vị trí để gia cố độ bền vững cho công trình.

Các loại ghim sắt đã được dùng trong cấu trúc Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp. Ảnh: Researchgate.net
Các loại ghim sắt đã được dùng trong cấu trúc Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp. Ảnh: Researchgate.net

Phải tới khi triển khai dự án tái thiết lại nhà thờ sau vụ hỏa hoạn, một nhóm các nhà khảo cổ học mới phát hiện ra những vật liệu bằng sắt đặc biệt để gia cố công trình kiến trúc này.

Bí mật được bật mí

Nhà thờ Đức Bà Paris - tòa thánh đường nổi tiếng nằm ở trung tâm “kinh đô ánh sáng” Paris được khởi công xây dựng vào năm 1160, nhưng gần một thế kỷ sau mới hoàn thành. Vào thời điểm đó, nhà thờ này là tòa nhà cao nhất với các mái vòm cao tới 32m theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS ONE ngày 15-3-2023.

Ông Maxime L'Heritier, chuyên gia khảo cổ học tại Đại học Paris 8, cũng là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết một số yếu tố trong việc xây dựng công trình kiến trúc cổ này cho tới nay vẫn chưa ai biết, ngay cả khi nó đã sừng sững ở đó suốt nhiều thế kỷ qua.

“Vẫn chưa rõ làm thế nào mà những người xây dựng “dám - và đã thành công - trong việc dựng các bức tường mỏng như vậy lên được tới một chiều cao như thế”, ông Maxime L'Heritier nói.

Cũng theo nhà khảo cổ học này, còn thiếu quá nhiều tư liệu từ hơn 900 năm trước, và “chỉ có tòa kiến trúc này có thể nói” về kiến trúc xây dựng của nó, ông nói thêm.

Vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 15-4-2019 đã làm lộ ra những chiếc ghim sắt được dùng để gắn kết các khối đá của nhà thờ lại với nhau. Một số trong đó đã được nhìn thấy trên vài phần thuộc khung cốt nhà thờ, số khác đã tan chảy xuống sàn trong đám cháy.

Cấp độ sinh động hơn

Nghiên cứu cho biết, trong cấu trúc công trình Nhà thờ Đức Bà có thể có tới hơn 1.000 ghim sắt đã được “cài cắm” ở nhiều vị trí khác nhau. Các ghim sắt này có nhiều kích cỡ đa dạng, dài từ 25 đến 50cm, một số cái nặng tới vài kilogram.

Người ta tìm thấy chúng ở nhiều chỗ khác nhau trong nhà thờ, như ở các bức tường của gian giữa nhà thờ, khu vực bục biểu diễn của dàn đồng ca và trong nhiều phần phao chỉ trên các vòm trần. “Đây là việc dùng sắt quy mô thực sự lớn lần đầu tiên trong một nhà thờ Gothic, ở những vị trí rất cụ thể”, ông L'Heritier nói.

Ghim sắt đã được dùng trong xây dựng từ thời cổ đại, như ở kỳ quan Đấu trường La Mã và các đền thờ ở Hi Lạp. Tuy nhiên trong các công trình đó, ghim sắt chỉ đơn giản được dùng để giữ chắc các khối đá lớn trên những tầng thấp hơn. Theo ông L'Heritier, Nhà thờ Đức Bà có “một ý tưởng kiến trúc sinh động hơn nhiều”.

Ngay từ ban đầu, các thợ xây đã dùng ghim sắt để tạo nên những bệ đỡ cho nhà thờ vào đầu những năm 1160. Những người sau đó cũng đã tiếp nối việc sử dụng ghim sắt theo cách sáng tạo này với những phần cao hơn trên các bức tường trong khoảng từ 50 đến 60 năm tiếp sau đó. Các ghim sắt còn tiếp tục được sử dụng theo cách này ở rất nhiều nhà thờ khác trên toàn nước Pháp.

Hơn 200 nhà khoa học tham gia công tác tái thiết Nhà thờ Đức Bà sau hỏa hoạn. Theo kế hoạch, cuối năm nay, phần chóp nhọn biểu tượng của nhà thờ sẽ được dựng lại. Dự kiến công tác phục dựng sẽ hoàn tất vào cuối năm sau (2024), như thông tin Bộ Văn hóa Pháp chia sẻ với hãng tin AFP vào tháng trước.

Điều này cũng có nghĩa biểu tượng văn hóa, cũng là điểm thu hút khoảng 12 triệu du khách mỗi năm của nước Pháp sẽ chưa mở lại vào tháng 7 và tháng 8-2024, thời điểm nước Pháp đăng cai Thế vận hội Olympic (Olympic Games).

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.