Phận thuyền thúng

.

Nghề đan thuyền thúng không chỉ tạo ra công ăn việc làm, giúp ngư dân cải thiện đời sống mà còn góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống. Hiện nay, trước tốc độ đô thị hóa nhanh, có người vẫn dốc tâm chăm bẵm với nghề, nhưng cũng không ít người đành bỏ lửng, khiến nghề đan thuyền thúng mai một.

Mỗi khi có người quen đặt vài chiếc thúng, ông Lý Hữu Tiến coi đó là cơ hội để vơi đi nỗi nhớ nghề. Ảnh: T.V
Mỗi khi có người quen đặt vài chiếc thúng, ông Lý Hữu Tiến coi đó là cơ hội để vơi đi nỗi nhớ nghề. Ảnh: T.V

Cha truyền con nối

Đến thôn Hà Quảng Đông (phường Điện Dương, Quảng Nam) hỏi thăm các hộ còn làm nghề đan thuyền thúng, ai cũng nhiệt tình giới thiệu ông Trần Thái Thanh (54 tuổi), người có hơn 40 năm gắn bó với nghề. Khi tôi bất ngờ bởi số năm kinh nghiệm gần bằng số tuổi của ông, thì được người dân giải thích rằng, từ lúc còn là cậu bé, ông Thanh đã theo cha là “bậc thầy” nghề thuyền thúng để tập tành.  

Sau vài lời chỉ dẫn, tôi may mắn tìm được nhà ông Thanh, khi ông đang cần mẫn vót tre đan thúng. Nhìn xa xăm, ông Thanh kể, ngày xưa gia đình đã có truyền thống làm nghề đan thuyền thúng, đến ông là đời thứ 4 tiếp nối. Hơn 40 năm qua, ông cùng với cha quán xuyến công việc với vài thợ phụ, vì tuổi cao sức yếu nên cha ông đã nghỉ tay hồi năm ngoái. Tính đến nay, ông là người duy nhất trụ lại với nghề đan thúng giữa làng biển đầy nắng gió này.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở làng chài Điện Dương, hình ảnh con tàu, chiếc thúng đã hằn sâu vào tâm khảm. Tôi sớm được cha ướm tay làm quen với nghề đan thúng như phơi tre hay quét dầu rái. Cha luôn nói rằng, cái nghề này như là món ăn tinh thần của gia đình, phải cố mà giữ lấy nghề. Vì thế, sau khi lớn lên, tôi quyết tâm bám nghề cha ông để lại dù gặp nhiều khó khăn. Làm nghề này ngoài tay nghề chuẩn thì phải chăm chỉ, chịu khó, nếu người làm nghề không có tính kiên trì thì khó tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh”, ông Thanh tâm sự.

Dẫu đôi lúc bấp bênh nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề. Bằng chứng là nhiều người trong làng phải rời nghề vì không cạnh tranh lại giữa thúng đan truyền thống và thúng nhựa hiện đại. Nhưng ông Thanh vẫn ăn nên làm ra nhờ thuyền thúng và tạo công ăn việc làm cho hơn chục nhân công. Ông còn khoe đã kín đơn đặt hàng thuyền thúng đến tháng sáu năm nay. Chủ yếu đơn hàng ông làm cho các ngư dân đi tàu lớn, khách sạn và khu du lịch rừng dừa Cẩm Thanh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).

“Có giai đoạn tôi cũng như các thợ nghề khác đứng ngồi không yên khi thúng nhựa bỗng chốc nở rộ vì giá rẻ và đẹp. Tuy nhiên, sau thời gian trải nghiệm thì khách hàng quay trở lại với thúng tre vì chất lượng. Thúng tre nổi tiếng bền, chắc, giữ thăng bằng tốt hơn thúng nhựa và có tuổi thọ 10 đến 15 năm nếu biết cách giữ gìn. Quan trọng hơn là tôi không đành lòng bỏ nghề, nó như hơi thở, cuộc sống của tôi vậy”, ông Thanh trải lòng.

Để đan một chiếc thúng hoàn thiện, theo ông Thanh phải trải qua 10 công đoạn như: chẻ tre, vót tre, phơi tre, đan mê, lận vành, trít phân bò và quét dầu rái. Đồng thời, cần khoảng 25 cây tre thẳng, vót tối đa 1.000 nan và tối thiểu 600 nan, mỗi nan cự ly 7mm, yêu cầu người thợ phải vót đều và bảo đảm mềm ở ngoài, cứng bên trong. Muốn chiếc thuyền thúng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt trên biển, người thợ phải chọn những cây tre tầm 1,5 tuổi, không quá non cũng không quá già. Nếu không đủ điều kiện này thì khi đan sẽ gặp lỗi rất nhiều.

Ông Thanh chia sẻ kinh nghiệm: "Công đoạn khó nhất của thuyền thúng là vót nan và đan mê dùng làm phần bụng thúng. Vót nan cần có sức khỏe và đan mê phải dùng sự nhạy bén để phân chia số lượng nan phù hợp thì tuổi thọ mới tăng cao. Đan xong rồi lận vành, đây là khâu quan trọng nhất, bởi nó đòi hỏi người làm phải có kỹ năng. Nếu lận không cân bằng và đều sẽ mất tính thẩm mỹ, không trụ vững trên biển. Ngoài ra, để chống nước ngấm qua nan thuyền, sau khi đan xong phải dùng phân bò bịt kín thuyền thúng rồi đem phơi nắng, khi lớp này khô sẽ tiếp tục quét thêm một lớp khác. Khi phân bò khô, bước cuối cùng là quét dầu rái chống nước thực hiện 3 lần và mỗi lần phơi 2 ngày. Đây là bí quyết để bảo đảm chiếc thuyền khi lướt trên biển không bị nước ngấm vào. Mọi quy trình đan thúng đều dùng tay thủ công toàn bộ. Vì thế, quá trình để xuất xưởng một chiếc thúng không hề đơn giản, có khi mất đến cả tuần, tối đa mỗi tháng tôi sản xuất khoảng ba chiếc thúng, giá 6-8 triệu đồng/chiếc tùy kích thước”.

Được tận mắt xem thao tác đan thuyền thúng, tôi mới thấy sự tỉ mỉ, khéo léo, điêu luyện của nghề, nó không còn là nghề đơn thuần mà gọi là nghệ thuật đan thúng. Đôi bàn tay của nghệ nhân đan thúng chằng chịt những vết xước, chai sần vì bị tre cắt, dằm đâm. Vất vả là vậy nhưng ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào với công việc.

“Ai làm nghề này thì bàn tay cũng đầy sẹo, sẹo cũ chưa lành thì sẹo mới mọc lên. Nhưng đó không phải là niềm đau quá lớn, được sống với nghề đối với tôi không còn gì trọn vẹn hơn. Tôi chỉ lo đến khi già đi thì chắc không còn ai nối tiếp nghề truyền thống, nó sẽ mất đi và bị lãng quên. Nghĩ đến đó, tôi cũng hay động viên con cháu trong gia đình hãy cố mà theo nghề, nhưng rất khó vì cuộc sống hiện đại chúng nó có nhiều sự lựa chọn tốt hơn là làm nghề”, ông Thanh bộc bạch.

Đau đáu nhớ nghề

Từ ngày xưa làng biển Mân Thái hay làng chài Thọ Quang (quận Sơn Trà) rất nổi tiếng với nghề đan thuyền thúng. Thậm chí, hơn chục hộ phải làm miệt mài ngày đêm để kịp sản xuất và nhiều gia đình thoát nghèo nhờ làm thuyền thúng. Vậy mà bây giờ không còn ai mặn mà với nghề này. Xuất phát từ việc đầu ra không có, nguyên vật liệu khan hiếm. Chia sẻ đầy tâm trạng, ông Lý Hữu Tiến (55 tuổi), người có 20 năm kinh nghiệm đan thuyền thúng nói rằng, ông chấp nhận bỏ nghề đi theo tàu lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Tuy yêu nghề nhưng một mình ông không thể níu giữ thị trường thuyền thúng ở chính nơi nó sinh ra.

“Nghề này hơn mươi năm về trước rất thịnh, tuy không giàu có nhưng giúp tôi cũng như bà con có cái ăn cái mặc và việc làm quanh năm. Nhớ lại thời kỳ còn làm nghề, cả năm cũng không có thời gian rỗi, những ngày cận Tết vẫn ngổn ngang với thúng. Nghề đan thuyền thúng cực kỳ vất vả nhưng chủ động về thời gian nên người dân miền biển thích lắm. Đặc biệt, đan thúng không chỉ phù hợp với người trẻ mà ngay cả các cụ già vẫn có thể làm được. Tôi nghĩ sẽ khó để nghề quay trở lại vì bây giờ khách hàng đã quen đặt những nơi sản xuất đan thúng có quy mô lớn ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đôi lúc, vài người quen đặt làm một đến hai chiếc thúng, tôi cũng lọ mọ tìm mua tre rồi đan cho nguôi nỗi nhớ nghề. Chỉ cần được cầm tre, vót tỉa cũng khiến tôi vui và hạnh phúc. Thậm chí, đi trên đường thấy thuyền thúng ở bất cứ đâu, lòng tôi cũng rạo rực theo. Đó là niềm yêu nghề mà tôi không lý giải được…”, ông Tiến bỏ lửng câu nói vì xúc động.

Ông Trần Thái Thanh tỉ mỉ đan mê, công đoạn này là khó nhất đòi hỏi người thợ dùng sự nhạy bén để xếp các nan phù hợp. Ảnh: T.V
Ông Trần Thái Thanh tỉ mỉ đan mê, công đoạn này là khó nhất đòi hỏi người thợ dùng sự nhạy bén để xếp các nan phù hợp. Ảnh: T.V

Cùng tâm trạng, khi nhắc đến nghề đan thuyền thúng, đôi mắt ông Phan Ánh (53 tuổi, có hơn 25 năm gắn bó với nghề) thoáng nỗi buồn: “Nhà tôi ba đời làm nghề đan thuyền thúng, đến đời tôi thì đành bỏ. Lúc đầu cũng nhớ nghề, nhưng dần dà cũng quen và tôi phải tìm công việc khác để phụ giúp kinh tế gia đình. Bất cứ ai đi biển cũng lận lưng vài ba chiếc thúng phụ trợ chuyển ngư lưới cụ, mớ mực, nắm cá và phòng hờ trường hợp thoát thân khẩn cấp. Những ngày đêm vươn khơi, thì thuyền thúng là phương tiện rất cần thiết để ngư dân bám biển vì len lách tốt. Nếu có điều kiện và cơ hội thì tôi sẽ quay lại với nghề để nối tiếp truyền thống gia đình”.

Thật vậy, phận thuyền thúng từ bao đời nay lênh đênh cùng với ngư dân đi biển như một phần da thịt. Nhưng chắc chưa bao giờ chính họ nghĩ rằng có lúc phải tạm biệt nghề. Đã từ lâu thuyền thúng tre như là một nét đẹp văn hóa, khó có loại thuyền nhỏ nào sánh kịp. Thuyền thúng không chỉ là phương tiện di chuyển và đánh bắt của ngư dân mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo, nét độc đáo của cha ông để lại.

Nói về nghề truyền thống đan thúng đang dần mất đi, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho hay, hiện nay, trên địa bàn quận hầu như không còn thợ nghề đan thuyền thúng. Từ khi có chỉ thị cấm sử dụng đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng thì người dân cũng bỏ nghề. Họ tìm theo tàu lớn khai thác hải sản mưu sinh là chính.

“Xã hội ngày càng chuyển mình hiện đại hơn nên nghề biển cũng bị ảnh hưởng, không ít các phương tiện đánh bắt truyền thống bị đào thải vì không thể thích nghi. Nhưng chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những chiếc thuyền thúng trên bãi biển hay khu du lịch, các vùng biển xa bờ. Đó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của thuyền thúng. Trong tương lai, nếu có thể khôi phục lại nghề thì tôi nghĩ đó là niềm mong ước của rất nhiều người dân. Đồng thời, cũng nhắc nhớ thế hệ mai sau biết đến thuyền thúng như là một giá trị sống còn trên biển”, chị Mai vui vẻ nói.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.