Về nghe gió hát

.
Minh họa: HÀ CÁT
Minh họa: HÀ CÁT

Khiêm tháo chiếc ba lô đang đeo trên vai quay ngược ra phía trước. Vừa siết chặt ba lô vừa ngó nghiêng tìm chỗ ngồi trong khuôn viên bệnh viện Chợ Rẫy lố nhố người. Thấy một ghế đá trống, Khiêm uể oải ngồi xuống, duỗi thẳng đôi chân mỏi nhừ. Khiêm ngáp một cái dài rồi đưa tay lên xem đồng hồ. Kim giờ đã chỉ sang cuối buổi chiều. Từ bốn giờ sáng, vừa xuống bến xe Khiêm đã bắt xe ôm tới thẳng bệnh viện. Cứ ngỡ mình đến sớm, ai ngờ tới cổng đã có một hàng dài người đứng chờ bốc số.

Khiêm lôi ra mớ giấy tờ xét nghiệm, đọc lại chậm rãi những dòng chữ bác sĩ phê. Tảng đá đè nặng trong lòng Khiêm mấy tháng nay được nhấc đi. Rõ ràng chẳng có ai quyền lực như bác sĩ, phê có mấy từ mà người thì thở phào, kẻ thì chết lặng. Bác sĩ bảo trường hợp của Khiêm không cần phải mổ. Chuyến xe đường dài một ngày một đêm làm Khiêm mỏi mệt, giờ mà nằm ngay ghế đá này Khiêm có thể đánh một giấc tới tối. Đang nhẩm tính gọi xe ôm chở về phòng trọ của đứa cháu thì bất chợt có một người vỗ vai.

- Khiêm... phải Khiêm không?

Quá bất ngờ, Khiêm nheo nheo mắt nhìn người đàn ông trung niên đang đứng trước mặt mình. Hắn có vẻ vui mừng khi gặp Khiêm. Hết vỗ vai lại cầm tay lắc nhẹ.

- Tao nè. Phương nè… Phương Trâu nè, nhớ chưa.

Khiêm nhăn trán, lẩm nhẩm trong miệng “Phương Trâu ư?”. Cái nốt ruồi trên mép miệng, nụ cười xởi lởi, hàm răng lởm chởm và cái vết sẹo ngay dưới cằm. Phải rồi, Khiêm bật lên thành tiếng: “Đúng Phương Trâu rồi!”. Khiêm lật đật đứng lên, nắm lấy tay bạn lắc lắc. Không ngờ Khiêm có thể gặp lại Phương Trâu. Kể từ cái bận chia tay ở ngã ba đầu làng để gia đình Phương vào Nam đến đây cũng gần ba mươi năm chứ ít ỏi gì. Gió thổi ba mươi năm cát đá cũng mòn huống hồ gì thanh xuân con người. Khiêm nhìn kỹ lại bạn, mơ hồ lục trong trí nhớ hình ảnh của người bạn thân thiết năm nào. Phương có vẻ cũng xúc động, cứ ngẩn ngơ cười mà đôi mắt như chực ứa nước mắt. Mãi một lúc sau, Khiêm mới nhận ra đứng bên cạnh Phương còn có một người đàn bà nữa. Chị ta cứ ngượng nghịu, luống cuống, chẳng biết làm gì khi Phương gặp lại bạn cũ.

- Ai đây Phương? - Khiêm hỏi.

- Quên mất, Thanh - vợ tao. Tao đưa vợ đi khám bệnh, giờ khám xong rồi, định về đây.

Thanh gật đầu mỉm cười chào Khiêm. Nụ cười héo hắt của một người bị bệnh lâu ngày. Rồi Thanh đưa mắt nhìn nhanh chồng, ý chừng giục chồng đi về. Khiêm tinh ý nhận thấy, đưa tay lên nhìn đồng hồ, đã hơn 5 giờ chiều. Khiêm vỗ vỗ vai Phương, bảo giờ phải ra cổng bắt xe qua nhà trọ của đứa cháu ở nhờ rồi sáng mai ngồi xe đò về quê. Nhà đứa cháu ở tận quận 7, chẳng biết xa hay gần nữa.

- Ôi trời, về quận 7 làm chi cho xa. Qua nhà tao, cũng ở trọ nhưng gần chán. Ăn với vợ chồng tao bữa cơm, ngủ thẳng giấc, sáng mai tao chở mày ra bến xe sớm được chưa. Ba mươi năm rồi, dễ chi gặp bữa…

Phương cầm tay Khiêm lắc lắc. Khiêm không muốn làm phiền bạn nhưng sự sốt sắng của Phương khiến Khiêm gật đầu. Phương ra ngoài, ngoắc cho Khiêm một chiếc xe ôm, nói địa chỉ để chở về phòng trọ mình. Phương chở vợ theo sau. Khiêm ôm chặt chiếc ba lô cũ chỉ rặt vài bộ quần áo và một ít tiền kẹp vào giữa lưng anh xe ôm. Nghe mọi người dặn thành phố này cướp giật dữ lắm. Bây giờ Khiêm mới có thời gian nhìn ngắm phố xá. Nắng đã tắt nhưng cái nóng vẫn hầm hập phả lên từ mặt đường bê-tông. Đường sá đông đúc, chộn rộn trong vô vàn những tiếng còi xe. Mới đi một đoạn từ cổng bệnh viện đã kẹt xe. Anh xe ôm thả chân xuống rà trên đường, nhích từng chút một mới qua được một cái ngã tư. Thấy lưng anh xe ôm mướt mồ hôi, Khiêm tặc lưỡi. Ở quê hay ở phố cũng đổ mồ hôi mới kiếm được đồng tiền.

Căn nhà Phương thuê ở sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Đường vào hẻm sâu hun hút, rêu mọc thành mảng bám hai bên tường. Mới hồi nãy, tiếng còi xe còn đinh tai mà bỗng chốc như rớt lại sau lưng. Anh xe ôm rẽ trái, rẽ phải, đi vào những lối nhỏ tối om và chật chội. Cuối cùng dừng lại trước một căn nhà cũ, cổng đã hoen gỉ vì mưa nắng. Khiêm móc túi định trả tiền thì anh xe ôm ngăn lại, bảo anh kia đã trả rồi. Nói xong, anh xe ôm vít ga quay xe ra khỏi con hẻm, cùng lúc đó thì vợ chồng Phương cũng vừa về tới.

Phương xởi lởi kéo Khiêm vào nhà. Hình như Phương áy náy vì nhà mình xa xôi nên vừa nhanh tay dọn dẹp mấy vỏ thuốc nằm bừa bộn dưới sàn vừa giải thích. Phương nói thuê nhà ở đây không xa trung tâm là mấy vậy mà rẻ, chịu khó vòng vèo một chút mà tháng tiết kiệm được mấy triệu. Cũng chỉ là chỗ che mưa che nắng, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu! Phương bảo Thanh đã ghé chợ gần nhà, kiếm đồ tươi nấu bữa cơm chiều. Phương giục Khiêm đi tắm rửa cho khỏe. Rồi cười - Khỏe để tối nay xả láng một bữa cho đã đời.

Chẳng mấy chốc, mâm cơm đã xong. Thanh trải chiếu dưới nền gạch, bày thức ăn. Thanh còn mua mấy lon bia cho hai người lai rai. Phương cười, bảo Thanh là người miền Tây, quen từ hồi mới vô Sài Gòn làm công nhân. Vợ chồng có một con đang học cấp ba, nay nghỉ hè về quê ngoại chơi. Thanh bị đau bao tử, cứ thuốc thang hoài mà không đỡ. Thanh có vẻ mệt mỏi, ăn uống qua loa rồi vào phòng nằm để hai người thoải mái chuyện trò.

Cụng ly, nốc cạn ly bia Khiêm mơ màng nhớ những ngày thuở nhỏ. Nhà Khiêm với Phương chỉ cách nhau một hàng chè tàu. Sáng í ới gọi nhau đi học, chiều đội nón cời dắt trâu ra đồng. Người trong làng ai cũng nói hai thằng nghịch như quỷ sứ bởi chuyên đầu têu bọn trẻ trong làng trốn ngủ trưa đi bắn chim, tắm suối. Mùa gặt, thả trâu giữa đồng chạy bắt châu chấu, hay nhổ trộm khoai sắn nướng ăn. Mà lạ, khoai sắn lấm lem giữa đồng vậy mà ngon chi lạ! Khiêm nhìn Phương. Cái vết sẹo ngay cằm là vì một lần trèo cây bị té.

- Ông già còn mạnh không mày? - Câu hỏi của Phương cắt ngang dòng suy nghĩ của Khiêm.

- Ba tao mất cũng hơn mười năm rồi.

Giọng Phương buồn:

- Hồi học cấp ba, bày đặt làm người lớn, tao với mày chuyên đi trộm thuốc rê của ông già hút. Lấy tờ giấy quyến, bỏ thuốc lá thái sợi vào rồi quấn lại, còn bắt chước ổng liếm mép giấy cho điếu thuốc chặt. Ông già ngày nào cũng quấn hút ngon lành mà mình ho sặc sụa, khói sặc tới óc nhớ tận bây giờ.

Nghe Phương nói, Khiêm bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm về người cha đã mất. Thuở nhọc nhằn, cả nhà sống dựa vào mấy sào ruộng thắt thẻo. Ba ngày nào cũng vác cuốc ra đồng làm ruộng. Mùa nắng cũng như mùa mưa. Những ngày mưa lạnh ngắt, ba vẫn quần quật ngoài đồng dưới màn mưa. Về nhà, ba vội vã hơ đôi bàn tay nhăn nheo, tái nhợt vào bếp củi dưới nhà bếp. Có những buổi chiều mùa hè ba thảnh thơi đôi chút, về nhà thả cái cuốc dựng nơi đầu hè, ba ngồi ở bậc thềm vấn thuốc rê mà hút. Cái lưng ba gầy còm, từng lọn khói quấn quíu trên đầu ba rồi loang trong buổi chiều tà. Thuốc rê ba hút cũng là loại rẻ tiền nhất, giấy hút cũng tận dụng từ tờ giấy quyến, tờ lịch cũ mèm. Giờ cũng chật vật nhưng cái thuở nghèo thiếu trước hụt sau ấy vẫn cứ khiến Khiêm xốn xang.

Phương học xong cấp ba thi rớt đại học. Hồi đó nhà Phương có bà con trong Sài Gòn làm ăn khấm khá rủ ba má Phương vô đó làm ăn. Ba Phương bán nhà, bán ruộng, dắt díu vô Nam. Cả nhà đi một hơi không thấy về thăm quê, Khiêm cứ nghĩ Phương khấm khá, nhà cao cửa rộng ở thành phố. Ai ngờ giờ gặp lại, đứa ở lại bám ruộng bám vườn với đứa tha hương cũng chẳng khác nhau là mấy...

- Ở đâu cũng trầy da tróc vảy kiếm miếng ơi mày ơi. Ba má tao giờ sống ở quận bên, bán nước vỉa hè mưu sinh, lâu lâu tau tạt qua thăm. Lâu lâu ba tao buồn, ổng nói phải chi hồi đó đừng bán đất, bán nhà ở quê thì còn có chỗ đi về. Giờ muốn về nhưng ông bà đã mất hết, có còn ai đâu mà về.

Phương lại nốc cạn ly bia, mắt nhìn xa xăm. Phương kể mình làm nhiều nghề lắm, làm công nhân nhà máy giày, bảo vệ, chạy xe ôm, chở hàng cho mấy bà trong chợ đầu mối. Trầy trật đủ đường nhưng may trời cho mạnh tay mạnh chân để làm lụng nuôi con.

- Còn mày sao, dưới quê vẫn làm ruộng hả? Vợ con khỏe hết chứ.

Khiêm gật gù, vợ con khỏe cả. Đứa con trai đầu học đại học ngoài Đà Nẵng, đứa con gái học cấp ba. Vợ chồng vẫn làm ruộng nhưng có mảnh vườn trồng bưởi, trồng cam. Hai vợ chồng xoay quay xoay lại cũng đủ nuôi con ăn học. Mấy năm nay tự nhiên đau lưng suốt, không làm việc nặng được. Khám ở quê kêu bệnh thận phải mổ. Vợ can, gom mớ tiền bảo vô Chợ Rẫy khám, may mà không phải mổ, chỉ cần uống thuốc rồi tái khám.

- Ở quê… mày có gặp Thương không? - Phương ngập ngừng hỏi.

Khiêm không ngờ Phương vẫn còn nhớ Thương. Cô bé Thương hàng xóm có mái tóc dài đen mượt. Hồi đó Phương vẫn hay đèo Thương đi học. Đến mùa, vẫn len lén để vào giỏ xe Thương những bông hoa dủ dẻ thơm nồng. Thương càng lớn càng đẹp, đứa con trai nào trong làng cũng mê. Vậy mà Thương chỉ chịu để Phương chở đến lớp. Tụi bạn cứ cười khúc khích, thấy hai đứa đèo nhau cứ réo Phương Thương ầm ĩ… Ngày Phương theo gia đình vào Nam, Thương buồn ngơ ngẩn, ốm đến rộc người.

- Thương lấy chồng xa. Mấy năm mới về nhà một lần. Tao nghe ba Thương kể chồng Thương uống rượu suốt, hay đánh Thương lắm. Năm ngoái Thương dắt hai đứa con về quê ngoại ăn Tết, gầy lắm. Nhìn dáng vẻ chắc cũng cực khổ nhiều. Chưa tới năm mươi mà tóc đã lấm tấm bạc cả rồi. Má Thương thì mất cách đây năm năm. Mày nhớ má Thương không. Mỗi bận mình đi qua nhà má Thương kiểu gì cũng dúi cho mớ mận, mớ ổi…

Nghe Khiêm kể Phương buồn. Thương với mái tóc dài ngày xưa đâu mất rồi? Ừ thì ai mà chẳng thay đổi. Như Phương Trâu lì lợm ngày đó cũng chẳng còn nữa. Nếu gặp lại chắc gì Thương đã nhận ra Phương. Má Thương nhỏ nhắn, hiền lành nhất làng… Phương nhấp ngụm bia. Làng vẫn ở đó bên những dãy núi chập chùng, dòng sông quê vẫn êm ru bên bồi bên lở mà giờ ở quê người còn người mất.

Đêm đã khuya mà câu chuyện của hai người vẫn không dứt ra được. Con tắc kè ở bờ tường bên cạnh chốc chốc lại kêu một hồi làm xao động đêm khuya. Phương bảo Khiêm ở lại thành phố vài hôm, đi chơi chỗ này chỗ kia cho biết Sài Gòn. Khiêm lắc đầu, bảo đâu có được. Nhà còn ruộng còn vườn, mớ bò mớ heo gà, đi một bữa mà nóng hơ cái ruột. Một mình vợ ở nhà quán xuyến không hết.

Thanh dọn mâm bát xuống, lau nhà rồi trải chiếu xuống cho hai người nằm. Hai người bạn nằm cạnh nhau, rưng rưng y như hồi cả hai cùng nằm trên bãi cỏ giữa đồng mà nhìn ngược lên mấy đám mây nhẩn nha trên bầu trời. Có lần hai đứa chẳng biết giận nhau chuyện gì mà vật lộn lấm lem bùn đất giữa ruộng. Tưởng cạch nhau, ai ngờ vài bữa lại í ới kêu nhau đi học.

- Mai mốt mày sắp xếp dẫn ông bà già về thăm quê một chuyến. Cả mày nữa, lâu lâu dẫn vợ con về quê chơi cho biết quê nội. Nhà đã bán, không có chỗ về thì còn có nhà tao. Người già vậy chớ họ nhớ đất nhớ quê nhiều lắm. Nhiều khi rớt nước mắt mà vẫn cứ giấu trong lòng. Về đi, về thăm bạn cũ, con Hân đen lấy chồng gần nhà, thằng Thịnh mở được cơ ngơi nuôi thỏ. Tụi tao lâu lâu gặp cũng nhắc mày, nhưng có biết ai đâu mà hỏi. Chừ quê mình khác xưa nhiều lắm nhưng người quê thì vẫn cứ chân chất thiệt thà.

 Rồi Khiêm quay qua đập nhẹ vào cánh tay Phương:

- Bạn quê thì vẫn cứ đợi mày về.

Phương ừ, tự nhiên nước mắt chảy ra trên gương mặt dạn dày sương gió. Tâm trí hiện ra cánh đồng xanh mướt, lúa đang trổ đòng làm ngọn gió như ướp hương thơm ngọt ngào. Gió lao xao như đang hát. Mấy người đàn bà cắm cúi nhổ cỏ. Tụi con nít loi choi chạy chơi dưới nắng vàng rực rỡ…

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.