Cây tà vạc của người Cơ tu

.

Tà vạc (có vùng gọi là cây đoác) cùng họ với cây dừa và cây thốt nốt, mọc hoang trong rừng. Khi cây lớn khoảng 10 năm tuổi sẽ ra vài buồng. Ngoài việc thu hái quả để chế biến thành bột làm bánh, đồng bào miền núi còn khai thác nguồn nước tinh khiết tiết ra từ thân cây để làm rượu.

Cụ bà Trần Thị Thông, chủ nhân của cây tà vạc quý hiếm còn sót lại ở làng dân tộc Cơ tu vùng thấp. Ảnh: T.T.V
Cụ bà Trần Thị Thông, chủ nhân của cây tà vạc quý hiếm còn sót lại ở làng dân tộc Cơ tu vùng thấp. Ảnh: T.T.V

Có những cánh rừng, khe suối phân bố nhiều cây tà vạc nên mỗi gia đình chọn một vài cây làm dấu sở hữu riêng. Đến ngày trổ buồng, cây của ai người nấy thu hoạch, tuyệt đối không tranh giành nhau. Khi trái chín rụng xuống gốc, những cơn mưa rừng, lũ núi hay những loài chim, thú ăn trái vô tình di chuyển chúng đi xa và mọc lên những cây tà vạc lớn nhỏ khác.

Ngoài những cây có sẵn trong thiên nhiên, đôi khi đồng bào còn biết nhổ cây con mới nhú mầm hoặc mọc ra vài bẹ lá mang về trồng ở vườn nhà hoặc nương rẫy để làm cảnh hoặc thuận tiện chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch khi cây trổ buồng sau này. Đó là trường hợp hai cây tà vạc ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hoa Vang, Đà Nẵng).

Chất xúc tác cho tình làng nghĩa xóm

Nói thêm về công dụng của cây tà vạc trong văn hóa ẩm thực. Khi cây trổ buồng, đồng bào chọn buồng nào to nhất, tốt nhất để lấy nước. Mỗi buồng có nhiều chùm trái nhỏ bằng quả cau non có khi trĩu xuống tận gốc. Thời điểm trổ buồng diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm. Thường khi nào cây không ra lá nữa thì nó mới trổ buồng già. Từ bẹ ra đến cuối buồng dài 1 đến 2 mét, cọng buồng to khỏe và tròn như buồng chuối. Muốn lấy nước tà vạc, đồng bào chặt bỏ phần buồng có quả, chỉ để lại cái thân cuống. Người ta dùng cây gỗ cầm tay đập xung quanh cọng buồng. Sau đến 5 hoặc 6 lần làm như vậy là nước chảy ra từ mặt cắt của buồng. Khi nước hết chảy hoặc ra ít, đồng bào phải cắt một lát mỏng ở mặt cắt cũ để thông mạch chảy, nếu không, mặt cắt sẽ tự lành, không cho lượng nước như mong muốn. Từ cái cuống ấy tiết ra một thứ nước đục, có màu trắng như như rượu nếp, thơm dịu và rất ngọt vì giàu lượng đường.

Nếu để kết tinh đậm đặc lại thì ta sẽ có một sản phẩm giống y như đường thốt nốt. Nhưng đồng bào Cơ tu ít khi chưng cất chúng thành đường mà chỉ thích lấy nước nguyên chất ấy làm ra một thứ rượu nhẹ chính hiệu của bản làng, gọi là “rượu trên cây”. Đồng bào làm sẵn một cái thang đặt cố định vào thân cây tà vạc để hằng ngày leo lên lấy nước. Cây cho nhiều nước thì một ngày lấy hai lần, cây cho ít nước thì hai ngày lấy một lần. Họ hứng phía dưới một cái xô hoặc cái can nhựa và bỏ sẵn vào đó vỏ cây chuồng (duôn) như là một thứ có tác dụng lên men để chuyển hóa nước tà vạc thành rượu. Đàn ông Cơ tu cứ mỗi buổi sáng trước khi đi làm rẫy, hoặc lúc chiều tối thường mang ống bương to ra rẫy để lấy rượu tà vạc. Một cây tà vạc có thể cho nhiều nhất là 20 lít nước, ít nhất là vài lít mỗi ngày và tùy cây to nhỏ, cọng buồng dài hay ngắn, cho nước liên tụ từ 1 đến 3 tháng.

Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ tu, rượu tà vạc là thức uống ưa thích của cộng đồng. Tà vạc là chất gây men nối kết tình cảm cộng đồng. Nó là thứ rượu không thể bảo quản lâu và di chuyển đi xa mà chỉ được dùng tại chỗ là chính. Có được bao nhiêu rượu là đem mời nhau cùng thưởng thức. Trong làng, cây tà vạc nào cho rượu ngon, dồi dào thì cả làng đều biết. Mời đãi nhau uống rượu tà vạc trở thành một tục lệ đẹp, thể hiện rõ nét nhất tinh thần chia ngọt sẻ bùi, gắn kết cộng đồng của đồng bào Cơ tu.

Mỗi lần được mời uống tà vạc cũng là lúc bà con xóm giềng gặp gỡ, thăm hỏi, chuyên trò để biết thêm tình cảnh gia đình, những khó khăn của mỗi nhà mà tìm cách giúp đỡ nhau. Men tà vạc thơm thảo, nồng nàn chẳng những cung cấp cho đồng bào những tinh chất của thiên nhiên, của đất trời để cơ thể có thêm sức vóc mà còn rót vào lòng người những tình cảm cao quý, thấm đẫm chất nhân văn. Hương tà vạc quyến rũ mọi người bởi nó còn là cái chất xúc tác cho tình làng nghĩa xóm.

Phù hợp điều kiện thổ nhưỡng Hòa Vang

Đồng bào Cơ tu ở vùng cao, việc trồng tà vạc khá phổ biến như một thú chơi cây cảnh, còn đối với người đồng bào dân tộc ở vùng thấp thì đây là trường hợp hiếm thấy. Đặc biệt, cây tà vạc nơi đây phát triển tốt, ra buồng to, trái ken dày, có nét “độc lạ” xứng đáng để chiêng ngưỡng.

Cách đây hơn chục năm, trong một lần đi rừng, bà Trần Thị Thông cùng chồng là Trương Văn Nhơi (người Cơ tu ở vùng thấp thường lấy họ giống như người Kinh) mang 2 cây tà vạc con từ Khe Mun, đầu nguồn sông Cu Đê về trồng ở vườn nhà. Một cây trồng ở hàng rào trước nhà, một cây khác trồng ở bờ rào bên phải của ngôi vườn để làm cảnh và tạo bóng mát. Cây tà vạc trước nhà chẳng những làm đẹp cho sân vườn nhà mà còn tạo nét duyên dáng cho đường giao thông liên thôn được quy hoạch khá rộng rãi, khang trang. Năm 2022 hai cây tà vạc bắt đầu ra buồng, mỗi cây có 2 buồng.

Một điều thật kỳ lạ là trong hai cây tà vạc đó có một cây ra buồng to, trái đều, đẹp. Thấy buồng trái đặc biệt như vậy, gia đình quyết định giữ lại để mọi người đến ngắm. Bởi, thôn Tà Lang và Giàn Bí của đồng bào Cơ tu gần đây được du khách từ trung tâm thành phố  thường xuyên đến tham quan, nhất là vào dịp cuối tuần. Từ ngày cây tà vạc trổ buồng khủng đến nay, qua mạng xã hội, nhiều người biết tiếng và đến tận nơi để xem.

Do môi trường sống nên tập quán ẩm thực của đồng bào Cơ tu ở vùng thấp như thôn Tà Lang, Giàn Bí, có sự thay đổi nhất định. Bà con nơi đây hầu như không còn biết khai thác, chế biến và nhu cầu ống rượu tà vạc như người đồng tộc ở vùng cao. Những cây tà vạc may mắn còn sót lại cho đến nay ở trong thôn chủ yếu để làm cảnh và bóng mát chứ không phải làm rượu.

Tuy nhiên, với sự sinh trưởng tốt của hai cây tà vạc ở vườn nhà cụ bà Trần Thị Thông, chứng tỏ điều kiện thổ nhưỡng ở vùng cao như xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) rất phù hợp cho việc trồng, canh tác loại cây này. Thiết nghĩ, bộ phận khuyến nông ở thôn, xã cần giúp đỡ, hướng dẫn bà con giữ hạt, ươm giống để có thể phát triển thêm nhiều cây con mới. Cách làm này đã thành công ở một số thôn bản Cơ tu ở huyện Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

Hy vọng, trong tương lai không xa, du khách đến thăm các thôn bản của đồng bào Cơ tu sẽ được ngắm những cây tà vạc xanh tốt, buồng trái sum suê mang biểu tượng của no ấm, sung túc và được thưởng thức “rượu trên cây” mang thương hiệu của các thôn bản vùng cao dưới chân Bà Nà, Núi Chúa của Đà Nẵng.

TRẦN TẤN VỊNH

;
;
.
.
.
.
.