Trong dòng chảy lịch sử nghệ thuật dân tộc, tuồng là loại hình biểu diễn cổ truyền độc đáo được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian. Tuồng còn được gọi là hát bội, hát bộ. Cuối thế kỷ XVIII, tuồng phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn và được ghi nhận là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Xứ Quảng nói chung và vùng Hàn Giang - Đà Nẵng nói riêng cũng là nơi mà thể loại tuồng rất được ưa chuộng.
Tuồng vùng Hàn Giang, nhánh văn hóa từ tài nguyên văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Quảng nay đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố trẻ. TRONG ẢNH: Một tiết mục được biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Theo một số nhà nghiên cứu, tuồng xứ Quảng với không gian tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Sang những năm đầu và giữa thế kỷ XX là giai đoạn phát triển rực rỡ của các rạp hát ở Quảng Nam và một loạt các trường tuồng ở Đà Nẵng. Các gánh diễn nơi đây được tổ chức quản lý tương đối nền nếp, quy mô từ lực lượng diễn viên đến trình độ biểu diễn. Tiêu biểu là gánh hát Quảng Hiệp Ban, Ý Hiệp Ban, các danh ca như Chánh Đệ, Đội Tảo, Sáu Lai, Sáu Lê, Ngô Thị Liễu, Phó Sơn, Phó Thủ…
Giá trị nghệ thuật trước hết của tuồng xứ Quảng - vùng Hàn Giang chính là tính giải trí. Bằng những nội dung mang nặng các trăn trở, tự sự, bi hùng, mãnh liệt, sự có mặt của tuồng đã góp phần làm đời sống văn hóa tinh thần của người dân được phong phú và đa dạng hơn. Một vở tuồng được trình diễn là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang và phục trang.
Tuồng nơi đây tuy cùng nằm trong chiếc nôi tuồng Việt nhưng vẫn mang những nét riêng biệt. Đó là sự thiên về lối hát nam, chuộng tuồng văn, múa ít, động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, ít khai thác động tác võ thuật. Trong nội dung vở diễn, chính tính bác học từ xử lý làn điệu và thể nói lối/ hát bằng thơ theo cùng cặp đã khiến tuồng không chỉ dừng lại ở tính giải trí đơn giản - thông thường mà đã được nâng lên thành hàng nghệ thuật, trở thành loại hình giải trí đòi hỏi có sự kén chọn về người xem.
Tuồng còn có tính thẩm mỹ rất cao. Là loại hình sân khấu ưa chuộng hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật trình thức, đặc tính ước lệ và tượng trưng, những kỹ thuật trong lối diễn của tuồng đã đạt đến đẳng cấp của tính biểu đạt, tìm được sự đồng điệu trong cảm nhận cùng với khán giả qua mỗi vở diễn. Nội tâm nhân vật, ngoại hình nhân vật, không gian trình diễn, đạo cụ sử dụng và đặc biệt là giọng hát đã phản ánh trọn vẹn được tính thẩm mỹ của một loại hình diễn xướng. Nhiều ý kiến học giả đã nhận định rằng ngữ hiệu phối hợp cùng ngữ khí trong từng phân màn nhân vật đã đẩy nghệ thuật cường điệu giọng hát của người nghệ sĩ lên cao, tạo được những rung cảm sâu lắng nhất trong nghệ thuật.
Tuồng xứ Quảng - vùng Hàn Giang còn mang nặng giá trị hiện thực được phản ánh trong mỗi vở diễn. Tùy vào ý đồ sáng tạo kịch bản của người nghệ sĩ mà tính hiện thực có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Mỗi chủ đề diễn của nghệ thuật tuồng ở mỗi giai đoạn, thời kỳ đều có giá trị hiện thực của bức tranh lịch sử: từ hóa trang, phục trang đến đạo cụ, động tác, tổ hợp động tác vũ đạo, lời nói… tất cả đều có ý nghĩa phản ánh hiện thực xã hội một cách sâu sắc.
Bên cạnh đó, tuồng còn mang đậm tính nhân văn. Sở dĩ loại hình diễn xướng này từ khi ra đời cho đến nay vẫn luôn có được các khán giả của riêng mình là vì dấu ấn bản sắc dân tộc; trong đó chính giá trị nhân văn của nghệ thuật tuồng, của vở diễn tuồng khiến nó luôn có sức sống bền bỉ. Chủ đề nổi bật của tuồng luôn là sự xung đột diễn ra giữa cái thiện và cái ác một cách khốc liệt, và cái thiện luôn thắng hoàn toàn về mặt tư tưởng, tinh thần, tình cảm.
Chính vì vậy, cho dù là đề tài quân quốc đậm nét với những tấm gương trung thần mẫu mực, trung, hiếu, tiết, nghĩa hay các đề tài quan hệ gia đình, xã hội thì cấu trúc kịch bản tuồng luôn theo mô típ là những giằng xé giữa tốt - xấu một cách bạo liệt nhằm tạo nên sự lựa chọn hướng tới những chuẩn mực của đạo đức xã hội, xây dựng hình tượng nhân vật với các giá trị đạo đức cao đẹp hơn.
Giá trị nhân văn trong mỗi tác phẩm tuồng được chuyển tải thông qua sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và tài hoa của những người nghệ sĩ, bức tranh cung bậc cảm xúc của sự lên án, phê phán xã hội; sự ngợi ca các phẩm chất tốt đẹp hoặc sự thương cảm, bênh vực vẻ lương thiện nào đó cho đến việc chỉ ra con đường, lối thoát cho nhân vật trong tuồng đều toát lên chất nhân văn sâu đậm.
Có thể nói, tuồng là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Những giá trị nghệ thuật, tinh thần mà tuồng đang nắm giữ góp phần làm đa dạng và phong phú hơn kho tàng văn hóa của dân tộc. Tuồng xứ Quảng - Hàn Giang - Đà Nẵng đã thể hiện dấu ấn lịch sử, con người vùng đất nơi đây cả về thời gian lẫn không gian.
Năm 2015, nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là nơi tạo nên điểm nhấn ấn tượng về tuồng ở đây. Cuối năm 2009, ngành du lịch thành phố lên ý tưởng khai thác loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng để xây dựng thành các chương trình nghệ thuật độc đáo, được biểu diễn thường xuyên phục vụ du khách tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và ở một số cơ sở nghệ thuật khác trong thành phố.
Hơn 10 năm cho đến nay, ý tưởng đó đã đi vào hiện thực và gặt hái được những thành công nhất định. Các đơn vị lữ hành, cơ sở kinh doanh lưu trú phối hợp nhà hát và các cơ sở biểu diễn nghệ thuật tổ chức các show diễn tuồng trong chương trình tour và điểm đến du lịch của khách.
Tuồng vùng Hàn Giang, nhánh văn hóa từ tài nguyên văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Quảng nay đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố trẻ. Chúng ta tin tưởng rằng với Đà thành, tuồng sẽ không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống đơn thuần mà đó còn là một “thương hiệu” độc đáo, được du khách nghĩ và luôn nhớ khi có dịp ghé thăm hoặc được gợi nhắc về.
TRẦN THỊ MAI AN