Hàn Quốc mở rộng cửa cho lao động nước ngoài

.

Với tỷ lệ sinh giảm nhanh nhất thế giới và tình trạng già hóa dân số, Hàn Quốc đang có kế hoạch thu hút lao động nước ngoài, đưa lực lượng này trở thành thường trú nhân.

Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung-sik (bìa trái) trò chuyện với các lao động Campuchia nhập cư tại thủ đô Seoul hồi đầu năm 2023.  Ảnh: Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc/Straits Times
Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung-sik (bìa trái) trò chuyện với các lao động Campuchia nhập cư tại thủ đô Seoul hồi đầu năm 2023. Ảnh: Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc/Straits Times

Báo Nikkei Asia dẫn lời một chuyên gia nhận định: Việc Hàn Quốc thiếu nhân lực sẽ là một trong những nguyên nhân khiến Indonesia và Nigeria - hai quốc gia đông dân - vượt qua xứ sở kim chi về quy mô kinh tế vào năm 2050, đẩy quốc gia Đông Á này ra khỏi nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất.

Hàn Quốc đang có hơn 57,4 triệu dân, nhưng có thể giảm còn 37,7 triệu người vào năm 2070. Một số chuyên gia cảnh báo quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt và những khu làng ở nông thôn có nguy cơ biến mất. Một quan điểm bi quan khác thậm chí cho rằng, Hàn Quốc sẽ không còn là quốc gia vào năm 2750 nếu số lượng trẻ em tiếp tục giảm với tốc độ hiện tại.

Khủng hoảng nhân lực

Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Hàn Quốc hiện là 0,78 - mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan. Hàn Quốc cũng là nước duy nhất trên thế giới có TFR dưới 1, dù chính phủ đã dành hơn 280.000 tỷ won (212 tỷ USD) trong 15 năm qua để tăng tỷ lệ sinh. Trong khi đó, một quốc gia phải đạt TFR 2,1 để bảo đảm dân số tăng trưởng ổn định. Tại thủ đô Seoul, con số này chỉ ở mức 0,59.

Nói đến Hàn Quốc, người ta thường nghĩ ngay về một nền kinh tế hỗn hợp phát triển cao với những tập đoàn lớn được gọi là Chaebol. Song, 99% các công ty trong nước có quy mô tương đối nhỏ, trả lương thấp nên không thu hút được giới trẻ. Vì vậy, các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản cũng như các ngành công nghiệp sản xuất không tìm ra người, nguyên nhân là mức lương thấp và tính chất công việc vất vả.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch mở cửa cho lao động nước ngoài. Hàn Quốc có khoảng 49.000 công dân nước ngoài cư trú dài hạn vào năm 1990. Số lượng cư dân nước ngoài (bao gồm cả những người lưu trú dưới 90 ngày) đã tăng lên 2,52 triệu vào cuối năm 2019, chiếm 4,9% trong tổng dân số khoảng 51 triệu người ở nước này. Trong đó, khoảng 40% là người Trung Quốc, chủ yếu là người gốc Hàn Quốc. Người Việt Nam là nhóm lớn thứ hai, tiếp theo là người Thái Lan.

Đầu tháng 3-2023, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc công bố kế hoạch thu hút ít nhất 10.000 lao động nhập cư mỗi tháng, đồng thời giảm các hạn chế về thị thực, tăng hạn ngạch lao động cho các ngành như sản xuất, đóng tàu và nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Lee Jung-sik nói rằng, chính phủ sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách cân đối cung - cầu.

Kết hôn để trở thành thường trú nhân

Với động thái được gọi là “mở cửa” thị trường lao động, Hàn Quốc đang hướng tới mở thêm một số chính sách giúp người lao động nước ngoài trở thành thường trú nhân. Theo đó, lao động nước ngoài giờ đây có thể nhập cư chính thức, cư trú hợp pháp hoặc trở thành thường trú nhân thông qua kết hôn. Số lượng các cuộc hôn nhân giữa lao động nước ngoài và công dân Hàn Quốc đã tăng mạnh kể từ năm 2000, với 1/10 cuộc hôn nhân hiện nay có sự tham gia của người nước ngoài.

Nếu công dân nhập tịch Hàn Quốc tái hôn với người nước ngoài sau khi ly hôn hoặc chồng/vợ qua đời, người bạn đời mới của họ sẽ đương nhiên trở thành công dân Hàn Quốc. Theo cách này, số lượng nam giới từ Đông Nam Á có quyền công dân Hàn Quốc đã gia tăng nhanh chóng. GS. Ikumi Haruki tại Đại học Seigakuin (Nhật Bản) cho rằng, kế hoạch hỗ trợ của chính phủ Seoul là chìa khóa để tăng lượng lao động nước ngoài thành thường trú nhân hoặc biến Hàn Quốc thành nơi cư trú của họ. “Hàn Quốc cung cấp các khóa học tiếng miễn phí tại 319 địa điểm trên khắp cả nước”, ông Haruki nói.

Cuối năm 2022, chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố gói biện pháp nhằm cải tổ hệ thống thị thực làm việc lần đầu tiên trong 19 năm qua; trong đó áp dụng đặc cách có điều kiện để thời gian cư trú kéo dài từ 4 năm 10 tháng lên thành 10 năm. Điều đó có nghĩa là người lao động nước ngoài không phải rời Hàn Quốc sau thời gian làm việc tối đa 4 năm 10 tháng, mà có thể làm việc 10 năm liên tiếp nếu muốn. Người lao động nhập cư cũng có thể làm giúp việc gia đình, chăm sóc trẻ, hoặc làm tại các công ty logistics.

Thực tế, những lao động nước ngoài tại Hàn Quốc thường được trả lương cao nhưng họ đối mặt với nạn phân biệt đối xử, quấy rối và phải làm việc nhiều giờ. Dù vậy, với những chính sách này, Hàn Quốc vẫn là nơi làm việc hấp dẫn đối với những người trẻ Đông Nam Á.

KHÁNH LINH (theo Nikkei Asia, The Straits Times)

;
;
.
.
.
.
.