Sớm đáp ứng nhu cầu ẩm thực khách Ấn

.

Sau Covid-19, không khí xúc tiến, đa dạng hóa thị trường du lịch được tiến hành sôi nổi hơn bao giờ hết. Ngành du lịch liên tục mở rộng thị trường sang hướng Tây, ở đó có thị trường quốc gia tỷ dân là Ấn Độ cùng với các quốc gia Trung Đông giàu có.

Con số thống kê từ ngành du lịch cho thấy hiện có 3 đường bay trực tiếp từ các thành phố của Ấn Độ gồm New Delhi, Mumbai và Ahmedabad đến Đà Nẵng do hãng Vietjet Air khai thác từ tháng 10-2022. Với tần suất 11 chuyến mỗi tuần cùng công suất khai thác hơn 70% là thành quả cho sự nỗ lực quảng bá của thành phố. Chưa đầy nửa năm từ khi có đường bay thẳng đến Ấn Độ thành phố đã có hàng chục ngàn lượt khách Ấn Độ, gấp nhiều lần những năm trước đây.

Trong tương lai quốc gia tỷ dân này được đánh giá là thị trường tiềm năng có thể thay thế thị trường khách Trung Quốc. Tuy nhiên đó vẫn là ở thì tương lai xa, theo các doanh nghiệp lữ hành, để khai thác tốt không đơn giản. Trong đó rào cản được cho là lớn nhất đến từ văn hóa ẩm thực, bởi người Ấn có thói quen thực hành tôn giáo.

Ngoài văn hóa ăn uống, cũng cần lưu ý thêm là với lượng du khách ngày càng tăng như hiện nay thì số lượng các nhà hàng Ấn Độ có quy mô khá nhỏ như ở Đà Nẵng chưa đủ sức phục vụ. Thành phố vẫn thiếu những nhà hàng đủ sức phục vụ từ 100 thực khách trở lên để làm hài lòng các đoàn khách lớn như khách MICE, đám cưới… Với quy mô nhà hàng và thực đơn theo đánh giá của các đơn vị lữ hành thì khó lòng thỏa mãn khách.

Là một trong những người mở nhà hàng Ấn đầu tiên ở Đà Nẵng, chị Trần Thị Phương Thảo (chủ cửa hàng Family Indian) đánh giá, những du khách Ấn vẫn chưa “mở lòng” với đồ ăn bản địa. Người Ấn có xu hướng trung thành với những món quen cũng bởi một phần lý do thực hành tôn giáo. Trong đó người đạo Hindu không ăn thịt heo, bò. Người theo Hồi giáo cũng chỉ sử dụng thức ăn ở hàng quán có chứng chỉ về Halal xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo. Đó là chưa kể đến lượng người ăn chay rất đông. Do vậy để khách hàng an tâm, chị Thảo đưa anh chồng người Ấn của mình ra “bảo lãnh” với thực khách.

Thấy khách đến thành phố liên tục tăng, anh chị lại vừa vui mà cũng vừa lo. Vui là bởi niềm mơ ước của anh chị khi cùng nhau mở nhà hàng này từ 20 năm trước sắp thành hiện thực. Đó là viễn cảnh nhà hàng lúc nào cũng đông đúc, rộn tiếng nói cười của thực khách.

Thực khách được phục vụ với sự chỉn chu, phù hợp với văn hóa và các quy tắc tôn giáo sẽ là một điểm cộng lớn để thu hút khách bên cạnh một thành phố có cảnh quan xinh đẹp. Chị Thảo cho rằng, khi khách chưa chịu “mở lòng” với đồ ăn bản địa, thì người làm dịch vụ cần có sự đi trước chuẩn bị để làm hài lòng khách. Sự cần thiết nhất lúc này là đầu tư cơ sở vật chất và con người liên quan đến lĩnh vực nhà hàng khi phục vụ dòng khách Ấn và những người theo đạo Hồi.

Tất nhiên có cầu ắt sẽ có cung. Vừa qua một số khách sạn đã tuyển dụng đầu bếp Ấn và Trung Đông để làm phong phú thực đơn và phát triển quy mô bếp. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để bên cạnh sợi dây nghỉ dưỡng còn có thêm sợi dây ẩm thực níu chân du khách.

Nhìn tổng quan, ngoài lợi thế là hạ tầng lưu trú sang trọng đang trở thành điểm đến hấp dẫn được giới siêu giàu Ấn Độ lựa chọn, Đà Nẵng còn có bảo tàng về điêu khắc Chăm độc nhất ở Việt Nam là thế mạnh. Những đơn vị lữ hành Ấn Độ đều đánh giá Đà Nẵng đang có những sợi dây văn hóa khác liên kết khách Ấn là những ngôi chùa lớn tại các khu vực có cảnh quan hùng vĩ. Hầu hết những ngôi chùa lớn ở núi Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và các nơi tụ tập xung quanh thành phố đã thực sự đem đến thiện cảm cho khách.

Tin rằng, những rào cản về văn hóa ẩm thực sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, để Đà Nẵng sẽ không chỉ là điểm đến trong lòng du khách Ấn mà xa hơn nữa còn là sự lựa chọn hàng đầu của tầng lớp trung lưu nước này.

BÌNH PHÚ

;
;
.
.
.
.
.