Khá lâu rồi hôm nay tôi mới được dịp về quê, được thấy và nghe trực tiếp về một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh: khu tưởng niệm chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), nơi diễn ra một trong những trận đánh ác liệt nhất tại chiến trường Khu 5 cách đây gần 50 năm. Hơn 1.300 chiến sĩ đã hy sinh tại một quận lỵ nhỏ, ba mặt giáp núi, một mặt phía đông là nơi giao nhau của hai con sông Vu Gia và Thu Bồn, có vị trí chiến lược vì án ngữ phía tây thành phố Đà Nẵng, một cứ điểm quân sự tiền tiêu cho cả một vùng rộng lớn.
Minh họa: TLAThu |
Trong lịch sử của dân tộc, chiến thắng Thượng Đức năm 1974 là trận đánh lớn nhất của chủ lực ta với địch, là cuộc thử lửa nói lên trình độ chỉ huy và sự hiệp đồng binh chủng lớn để bắt đầu cho toàn bộ chiến dịch giải phóng miền Nam năm sau. Năm mươi năm không chỉ là bấy nhiêu mùa mưa và lũ, là cấy và gặt, là tất bật mưu sinh… mà hơn thế là sự hồi sinh kỳ diệu của vùng đất trung du sau hòa bình.
Trong khuôn viên đài tưởng niệm, tôi đi thật chậm để nhìn những phù điêu khắc họa sinh động dáng hình của lớp lớp bộ đội mà tôi biết sẽ không bao giờ nói lên hết sự ác liệt dữ dội của bom đạn, của từng ngày quần thảo giữa ta và địch, của đói, của hy sinh tại địa danh này… khi phía bên kia được đóng giữ bởi hệ thống công sự, đồn bót kiên cố nhất bấy giờ. Còn phía ta hàng mấy ngàn bộ đội công đồn kéo dài nhiều ngày…
Khi được biết sắp có chuyến “về nguồn”, tôi tìm đọc vài tài liệu, cái chính là để có thông tin về một địa danh lịch sử mình sắp đến, cho đến khi đứng im lặng tại đài tưởng niệm, rồi bước nhẹ trên những con dốc, triền đồi mà thấp thoáng vẫn còn những lô cốt, hầm hào thuở trước. Cái cảm giác ngay trước mặt mình, chỗ ngọn cỏ đương xanh mướt trong tiết nắng xuân kia là xương và máu của những người lính nằm yên dưới đó, nhiều trường hợp đến nay vẫn chưa xác định được danh tính, quê quán...
Trên tấm bia tưởng niệm khắc tên Một Ngàn Ba Trăm Bộ Đội hy sinh, hầu hết trong số đó còn rất trẻ, khi nằm xuống họ mới mười tám, đôi mươi. Có thể họ từ những cánh đồng chiêm trũng, từ xứ lụa nổi tiếng quê ngoại tôi, cũng có thể họ từ giảng đường đại học nào đó… cùng đến và mãi mãi nằm xuống nơi này. Năm những người anh hùng ấy ngã xuống là năm tôi ra đời, đau đáu trong tôi cảm giác mình mang nợ. Từng ngày ta sống hôm nay có được là từ những hy sinh mất mát của mấy mươi năm chiến trận. Tôi đi trong niềm ray rứt, những người anh hùng ấy mãi mãi không biết nhiều thứ, tỷ như họ chưa thể nào hình dung cái nồi cơm điện hôm nay, họ cũng chẳng bao giờ được xem trực tiếp những trận bóng đá diễn ra cách xa hàng vạn cây số… Các anh nằm lại cho quê này bình yên, để cho chúng tôi được hưởng những tiện nghi cuộc sống mà thời các anh khó mà hình dung.
Thượng Đức cách Đà Nẵng chỉ hơn một giờ ô-tô, hút vào tầm mắt tôi ngay trước UBND xã Đại lãnh là trụ bê-tông do Đài khí tượng thủy văn Trung Trung bộ dựng. Trên trụ khắc mớn lũ lịch sử năm 2009 để nhắc tôi nơi này có lúc chìm dưới nước gần 2,5m, nhưng tôi cũng hiểu cái trụ ấy không chỉ nhắc về cái mớn nước kinh hoàng đó mà còn để đo tiếp những trận lụt khác có thể xảy ra. Giữa cái nắng hanh vàng tháng ba, hơn tất cả lúc này là sự bình yên trên những cánh đồng trù phú, những con đường vạm vỡ, hai bên san sát những ngôi nhà kiên cố. Có lẽ do phù sa của các sông Vu Gia, Thu Bồn hợp dòng nên ruộng đồng xanh mướt, lúa đòng đòng ngậm sữa… Tôi như thấy mình reo ca cùng sự thay đổi của quê hương, làng xóm, để càng thêm yêu quê này.
NHÃ ĐAN