Lần ấy, lên xóm Sưng vẫn không có sóng điện thoại. Nghe kể, có người đã trèo lên tận ngọn cây cao nhất để “hứng sóng” nhưng cũng chỉ thấy có một, hai vạch mờ. Bà tôi kể ngày xưa nơi đây là “thiên đường” của cả huyện, bởi quanh năm mây phủ trên núi Biều, nơi có những cây chè shan tuyết xanh mướt, hái búp về đem pha với nước suối Sưng thì thấy vị đậm đà khiến ai đi đâu xa vẫn nhớ về…
Giờ người ta vẫn tìm đến đây để mua thứ chè đặc sánh ấy nhưng đều ngán ngẫm vì không có sóng điện thoại để bật định vị. Chỉ cách duy nhất là bằng “google miệng” nên có khi phải đợi đến nửa tiếng mới gặp được một người đi ăn ong (bắt ong), đi củi qua đường. Bởi thế, dân đi phượt hay nói với nhau: muốn đến đó phải đợi ong đốt sưng mặt…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ở lại xóm Sưng một đêm sẽ thấy thú vị như câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Đứng một ngày đất lạ thành quen”. Cái “lạ” ở đây là được sống bằng tâm thế của một thời “quen” khi cuộc sống còn tự cung, tự cấp, chưa có mạng xã hội, nhưng bản thân cái xóm núi này cũng đã thành một xã hội thu nhỏ mà người với người “kết nối” với nhau bằng ánh mắt, nụ cười, bằng câu “hả”, “hỡi”, hỏi thăm, đánh tiếng nhau.
Người ta bảo, muốn có áo chạm đầm màu với hoa văn sáp ong sắc nét thì lên nhà bà Mế, bà biết hái thứ lá chàm có hoa màu tím nhạt. Còn nếu muốn học chữ Nôm hay xem người trong xóm tập viết chữ Nôm phải đến lớp học của ông Hềnh. Lên uống trà shan tuyết thì tới nhà nào… cứ thế, sự kết nối ấy như một “hệ sinh thái” của tình làng nghĩa xóm trong các câu chuyện hằng ngày.
Cho đến hôm nay, người ta vẫn kể cho nhau về người mở đất, tộc trưởng rất uy tín Đinh Công Niều, về câu ví von "Núi Biều như diều con gà. Núi Trà như mà con cua” (theo nghiên cứu của nhà văn Lê Va). Chắc hẳn vì sống bên ngọn núi đứng bên sông uy nghiêm, trầm mặc như thế mà người ta cứ sống chậm, sống vui mà chẳng mấy lo toan, bon chen như nhiều vùng đang lo bán đất, đang tàn phá môi trường…
Theo xu hướng đầu tư của xã hội, các vùng kinh tế sẽ được kết nối, rồi mạng internet sẽ về đến xóm giúp kết nối thông tin, phục vụ sản xuất kinh doanh. Xóm Sưng cũng sẽ không phải là một ngoại lệ, khi thế hệ các cụ già mất đi, con cháu lớn lên sẽ phải biến đổi để thích nghi chứ không còn “nguyên thủy” như nhiều người từng nói đùa. Chỉ có điều, dẫu thế nào, tôi vẫn mong người ta giữ lại những nét chưa bao giờ cũ ấy. Đó là vẻ đẹp “tự cung, tự cấp” từ màu áo nhuộm, từ lớp học dạy chữ Nôm để người trẻ lớn lên đọc lại trang sách cổ biết được lịch sử dòng họ, dân tộc mình. Những lúc nhàn nhã, người ta lại được ngồi bên nhau quanh ấm trà được sao từ búp non ngậm sương núi để cảm nhận sự thanh khiết, để nói với nhau về những điều chưa phải, biết đối nhân, xử thế…
Tôi còn trở lại xóm Sưng đôi lần, cảm nhận từng đổi thay và nhận ra, ở đây có một điều thú vị: người dân vẫn quan niệm cuộc sống bình yên này được tạo nên bởi sự giao hòa của đất trời, đất này là sự lựa chọn thấu đáo của tổ tiên nên không ai bảo ai, họ quyết giữ gìn những nét đã thuộc về bản sắc đó.
Những khung cửi vẫn lách cách thoi đưa, bộ quần áo được làm thủ công dành cho ngày hội, ngày lễ, ngày cô dâu về nhà chồng. Tờ giấy dó được seo, được phơi dưới nắng để lưu giữ ký tự mà cổ nhân đã cải biến, người trong xóm vẫn sao chè để đón khách xa đến thăm nhà. Khi mỗi xóm làng đều biết gạn lọc, giữ gìn bản sắc sẽ giữ lại được hồn vía để ai đến một lần sẽ còn lưu luyến mãi.
Xóm Sưng là cõi nhớ trong tâm hồn tôi…
BÙI VIỆT PHƯƠNG