Mùa trâm tuổi thơ

.

Mùa trâm rộ nhất là giữa tháng 4 âm lịch đến Tết Đoan ngọ, ăn miệt mài chả hết. Nhà tôi hồi đó có một cây trâm như vậy. Thân nó thẳng đuột như cột nhà, tán lá thì xòe xuống rất thấp. Trái càng nhiều thì cành lá càng oằn xuống. Nhưng dù thấp cỡ nào thì cô bé tuổi 15 có dáng thấp bé như tôi cũng khó lòng hái được nhiều.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không hái được nhiều trâm cho bầy em bốn đứa ăn đỡ đói, dù mình là chủ nhân cây trâm nên tôi ức lắm. Vậy nên bọn thằng Tựu, thằng Được, con Út Đẹt, Út Bé sang xin là tôi ra điều kiện: “Mỗi đứa hái xong phải để lại cho tao một bụm để tao cho em tao ăn”. Một bụm thì ăn nhằm gì với tụi nó. Con trai sẽ trèo cây vặt trái, con gái căng cái mền dưới gốc và hứng trái trâm.

Màu trâm tím đẹp ơi là đẹp, thêm cái vỏ căng bóng mướt nên nhìn cứ muốn ăn ngay. Ngày đó, mùa trâm tuổi thơ của chúng tôi là đâm một chén muối ớt, ra gốc trâm ngồi thì thế nào tí nữa cũng no lửng bụng. Vì trâm nhiều quá, món quà quê ấy mà, hầu như lúc ấy nhà nào cũng có nên chợ chẳng ai mua đâu, trâm cũng không thành thứ trái cây đặc sản như bây giờ.

Đặc biệt cây trâm nhà tôi nhiều trái và trái ngọt hơn các cây khác trong xóm nên bọn trẻ cứ vây tới xin và thỏa thích hái. Trâm ăn nhiều thì lưỡi sẽ tím lịm, mặt mũi cũng tèm lem sắc tím rất buồn cười. Mẹ tôi thường dặn là không cho em bé nhà tôi ăn trâm vì nó còn quá nhỏ, sẽ xót ruột và đau bao tử sau này. Nhưng con nít ngày đó thiếu thốn , đói, chả có quà bánh gì  nên trâm đầy cây đó, anh chị hái cho thì cứ ăn đi. Khi nào… đau bao tử hẵng hay.

Tôi còn nhớ mùa trâm năm đó, thằng Được vì tranh hái trâm với thằng Tựu nên dù cây trâm rất nhiều trái nhưng tụi nó vẫn tranh cái cành nhiều hơn để hái. Kết quả, đánh nhau trên cây và té xuống,thằng Được ná thở!

Bà Hai, má Được tới mắng vốn cha mẹ tôi để cây trâm đầu độc con bà. Thằng Được mà có mệnh hệ nào, bà Hai sẽ: “Cào nhà và mua bằng bất cứ giá nào” cây trâm nhà tôi vì nó đã làm thằng bé “con cầu con khẩn” của bà té. Bà Hai còn nói rằng, mua cây trâm xong, bà sẽ đốt nó ra tro mới hả dạ. Chị em tôi khóc bù lu bù loa vì sợ cây trâm bị đốt nên đã lấy hết bó nhang trên bàn thờ đốt, cầu trời Phật cho thằng Được không sao. Thằng Được không sao vì bác sĩ giỏi. Nhưng thứ “có sao” là gian bếp nhà tôi, cháy hết nửa bên vì bó nhang đốt phựt lửa lên nóc mái tranh ngày đó.

Mùa trâm tuổi thơ chúng tôi đã đi qua. Sau này Nhà nước làm đường lớn để cuộc sống người dân khang trang hơn. Thế là cây trâm cạnh ranh đất ấy bị chặt bỏ. Mà đâu phải chỉ có cây trâm nhà tôi bị máy ủi ủi mất. Cả con đường dài, những dừa, mít, nhãn, bưởi lâu nay bà con trồng làm ranh đất đều bị bỏ hết.

Bây giờ ra chợ, thảng hoặc mới gặp một mâm tuổi thơ tím lịm bóng mướt. Sờ vào, kêu giá năm chục ngàn một ký. Hóa ra, một ký trâm bằng ba ký gạo!

Tôi chợt nhớ mùa trâm tuổi thơ ngày ấy. Cho nhau thỏa thích trái trâm, cả hái ăn và cả chơi trò bôi mặt nhát ma nhau. Bây giờ, mùa trâm tuổi thơ đã đi vào dĩ vãng.

ĐÀO PHẠM THÙY TRANG

;
;
.
.
.
.
.