Mỹ loay hoay với bạo lực súng đạn

.

Nạn bạo lực súng đạn ở Mỹ là vấn đề lớn đang gây tranh cãi và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Theo một báo cáo của USA Today, tại Mỹ, cứ 100.000 dân thì có khoảng 12 người tử vong do súng đạn, gần gấp 4 lần tỷ lệ của quốc gia xếp thứ hai là Thụy Sĩ.

Một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ). Ảnh: Washington Post/Getty
Một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ). Ảnh: Washington Post/Getty

Nước Mỹ đã chứng kiến các vụ xả súng xảy ra tại đủ địa điểm, từ trường học, nhà riêng, nhà thờ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, buổi hòa nhạc, công viên đến trụ sở các doanh nghiệp…

Một năm sau vụ thảm sát ở Buffalo

Một năm sau vụ xả súng hàng loạt có động cơ phân biệt chủng tộc tại cửa hàng tạp hóa Tops ở thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ) khiến 10 người chết và 3 người bị thương, các gia đình nạn nhân vẫn chưa nguôi ngoai với nỗi đau mất người thân. Vụ việc xảy ra vào ngày 14-5-2022, một tay súng người da trắng Payton Gendron bắn 13 người, trong đó có 11 người gốc Phi.

Gendron đã nhận tội và bị kết án tù chung thân không ân xá. “Tôi đã làm điều kinh hoàng vào hôm đó. Tôi bắn chết nhiều người vì họ là người da màu”, Gendron nói hôm nhận tuyên án. Nhiều người có mặt tại phiên tòa đã tức giận khi nghe Gendron nói.

Thời điểm gây án, Gendron 18 tuổi. Y là bị cáo đầu tiên ở New York bị buộc tội “khủng bố trong nước với động cơ thù hận”, theo một đạo luật của tiểu bang được ban hành vào tháng 11-2020. Song, Gendron cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc liên bang khác, có thể dẫn đến án tử hình nếu Bộ Tư pháp Mỹ truy cứu.

Ngày 12-5-2023, ba gia đình mất người thân trong vụ thảm sát ở Buffalo đệ đơn kiện cha mẹ của Gendron, các nền tảng trực tuyến và một nhà sản xuất áo giáp. Họ cáo buộc rằng, thuật toán của các nền tảng truyền thông xã hội đã truyền cảm hứng cho cuộc tấn công. “Payton Gendron đã nhận tội và không còn là mối nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, các nền tảng truyền thông xã hội đã cực đoan hóa Gendron và các công ty trang bị vũ khí cho hắn vẫn phải chịu trách nhiệm. Mục tiêu của chúng tôi là thay mặt các khách hàng, làm cho cộng đồng này và quốc gia của chúng ta an toàn hơn, đồng thời ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt khác”, ông John Elmore - một trong những luật sư đại diện cho các gia đình tuyên bố.

Sau vụ việc ở Buffalo, nhiều vụ xả súng hàng loạt đã gây chấn động nước Mỹ, trong đó có vụ xả súng tại một trường học ngày 24-5-2022 ở thành phố Uvalde, bang Texas, khiến 19 trẻ em và 2 giáo viên thiệt mạng. Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Gun Violence Archive, từ đầu năm 2023 đến nay, 213 vụ xả súng hàng loạt đã xảy ra tại Mỹ. Tạp chí Forbes cho rằng, bạo lực súng đạn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hành động hơn nữa để cứu sinh mạng người Mỹ

Nhân lễ tưởng niệm 1 năm xảy ra vụ xả súng ở Buffalo, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đang sử dụng quyền hành pháp của mình để thúc đẩy hoặc củng cố các biện pháp kiểm soát súng hiện có, bao gồm cả những biện pháp đã được thông qua trong “Đạo luật Cộng đồng an toàn hơn” hồi tháng 6-2022 với những thay đổi đáng kể về quy định mua súng áp dụng cho những người từ 18-21 tuổi. “Tôi đang làm mọi thứ có thể để giảm bạo lực súng đạn, nhưng Quốc hội phải làm nhiều hơn nữa… Quyền lực của tôi không phải là tuyệt đối… Một lần nữa, tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo thực thi pháp luật huy động các đồng nghiệp của họ trên khắp đất nước để thúc giục Quốc hội cấm vũ khí tấn công”, ông Biden viết trên báo USA Today.

“Nước Mỹ không nhất thiết là nơi con cái chúng ta học cách tránh né kẻ bắn súng, hoặc tìm kiếm các phương án thoát thân khỏi các rạp phim, nhà hàng”, Tổng thống Biden nêu quan điểm, đồng thời trích dẫn dữ liệu cho thấy nước Mỹ đã trải qua 650 vụ xả súng hàng loạt, làm 40.000 người chết kể từ sau vụ xả súng ở Buffalo.

Luật sư Terrence Connors đại diện 7 gia đình mất người thân trong vụ thảm sát ở Buffalo, nói với Yahoo News rằng, mỗi một vụ bạo lực súng xảy ra đều gợi lại nỗi kinh hoàng cho những ai đã trải qua sự kiện ngày 14-5-2022. “Chúng tôi đang trong quá trình xem xét vụ kiện dân sự, vì đó sẽ là con đường tuyệt vời để cố gắng thực hiện một số thay đổi trong cách thức hoạt động của ngành công nghiệp súng”, luật sư Connors nói. Chưa xác định được vụ kiện sẽ đi về đâu nhưng các gia đình vẫn hy vọng tạo ra những đổi thay đáng kể để không gia đình nào phải trải qua những đau thương, mất mát như thế nữa.

Tại Serbia - quốc gia ở đông nam châu Âu, sau 2 vụ xả súng hàng loạt hồi đầu tháng 5 này, Tổng thống Aleksandar Vucic cam kết “giải trừ quân bị” và cấm bán súng. Người dân Serbia giao nộp khoảng 13.500 vũ khí gồm súng đạn các loại, trong đó có cả súng phóng tên lửa chống tăng. Tuần này, hàng chục nghìn người tham gia tuần hành tại thủ đô Belgrade nhằm phản đối bạo lực.

Điều dễ thấy là Serbia có quyền sở hữu súng và văn hóa sử dụng súng khá giống nước Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Serbia đã hành động nhanh chóng. Trong khi đó, bạo lực súng đạn vẫn là “căn bệnh trầm kha” ở Mỹ. Người Mỹ chiếm 4% dân số thế giới nhưng sở hữu khoảng 46% trong số 857 triệu vũ khí dân sự toàn cầu.

KHÁNH LINH (theo Yahoo News, Forbes)

;
;
.
.
.
.
.