Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố đạt nhiều thành tựu, qua đó thúc đẩy xây dựng mạng lưới khởi nghiệp an toàn, hiệu quả của giới trẻ trong tương lai.
Đội Euphoria Trường Đại học Bách khoa giành giải Nhất cuộc thi "Thử thách Sáng tạo và Khởi nghiệp IEC-2023". Ảnh: H.L |
Chắp cánh ước mơkhởi nghiệp
Nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên Đại học Đà Nẵng liên tục đoạt giải cao trong các cuộc thi uy tín. Đơn cử, dự án “Horizan S-Company: Nền tảng giả lập trong đào tạo kỹ năng làm việc” của nhóm sinh viên IMP1028, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) đạt Quán quân Cuộc thi I’MPOSSIBLE - Bệ phóng khởi nghiệp do Quỹ Dairu - Thụy Sĩ tài trợ. Đứng trên bục nhận giải ngày 7-5, sinh viên Lê Văn Tú, Trưởng nhóm IMP1028 gửi lời cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô và đặc biệt là các thành viên cố vấn chuyên môn thuộc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng và Vườn ươm Doanh nghiệp DNES. “Việc trở thành quán quân toàn quốc cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp - I’MPOSSIBLE 2022” là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ sinh viên không ngại khó khăn và của các thầy cô cố vấn. Em cảm thấy thật may mắn khi trở thành một phần của các dự án khởi nghiệp trẻ tại VNUK nói riêng và Đại học Đà Nẵng nói chung. Đây cũng là nền tảng để em và các bạn cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường khởi nghiệp trong tương lai”, Tú cho biết.
Dự án “Horizan S-Company: Nền tảng giả lập trong đào tạo kỹ năng làm việc” cung cấp các trải nghiệm mang tính “cá nhân hóa”, giúp sinh viên trang bị kỹ năng mềm và những kiến thức cần thiết trong quá trình làm việc sau này. Theo Lê Văn Tú, việc giả lập các tình huống trong công việc giúp sinh viên chủ động bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm cũng như có kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Điều này cũng giúp nhà trường thay đổi cách giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, những dự án khởi nghiệp của sinh viên Đại học Bách khoa được giới chuyên môn đánh giá “thắng đậm” trong các cuộc thi lớn. Nổi bật, tại vòng chung kết cuộc thi “Thử thách sáng tạo và khởi nghiệp - IEC 2023” do Chương trình USAID và Dow Vietnam STEM Program tổ chức, sinh viên Trường Đại học Bách khoa xuất sắc đoạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 1 giải Đội dẫn dắt bởi nữ sinh có dự án tốt. Để có mặt tại vòng chung kết IEC 2023, các dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã vượt qua 60 dự án đến từ các trường đại học trên cả nước. Ngoài ra, tại Chương trình Thử thách đổi mới và kinh doanh 2023 (thuộc dự án “Thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ - BUILD-IT”) do Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) và Công ty Dow Việt Nam tổ chức, một số dự án khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Bách khoa liên quan đến trí tuệ nhân tạo, sản phẩm công nghệ mới… cũng giành nhiều giải cao.
Tăng cường thúc đẩy, đồng hành
Thực hiện đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thời gian qua Đại học Đà Nẵng tiên phong thực hiện chủ trương gắn kết phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chủ trương trên được hiện thực hóa thông qua việc ban hành quy định cụ thể, thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện liên quan đến nghiên cứu khoa học gắn kết phong trào khởi nghiệp trong sinh viên hằng năm.
Ông Huỳnh Sang, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho biết, với vai trò đầu mối thực hiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố, trung tâm thường xuyên triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện, truyền thông, nâng cao năng lực cũng như hỗ trợ các thủ tục pháp lý, liên kết và phát triển thị trường; thử nghiệm và phát triển mẫu sản phẩm… Trên cơ sở đó, trung tâm luôn đồng hành, thúc đẩy hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.
Thời gian qua, trung tâm đã đồng hành với Đại học Đà Nẵng trong rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như Festival Khoa học và Công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng, Startup Runway hay cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên... Thông qua đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp được phát hiện và nhận hỗ trợ từ nhà trường cũng như các vườn ươm.
Đồng hành rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên, ông Vũ Xuân Trường, nguyên Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, đánh giá hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên Đại học Đà Nẵng ngày càng sôi nổi, hiệu quả. Ông cho rằng, đối với những trường chưa có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, cần xây dựng các chuyên đề, tổ chức các hội thảo nhằm tận dụng nguồn lực chuyên gia ngoài nhà trường. Đặc biệt, nội dung đào tạo cần cân đối, lồng ghép 3 yếu tố kiến thức - kỹ năng - kinh nghiệm, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn ngắn có nội dung liên quan đến khởi nghiệp từ cơ bản đến nâng cao.
HUỲNH LÊ