1. Người ta sẽ chẳng hình dung nỗi nhớ một nơi chốn quay quắt đến thế nào khi chưa rời xa. Con sông ngang qua dọc về mỗi ngày mươi bận nên vòng xe cứ vun vút để kịp giờ học chính, học thêm. Cái quán đầu ngõ sáng nào cũng tấp vào gọi món như một thói quen, khi thì tô bún mắm nêm, lúc là tô cháo cá nục đậu đỏ, bữa lại xôi thịt nướng… Chợ Đống Đa chân thấp chân cao theo chân ngoại, dì, mẹ đến thuộc lòng hàng nào có món gì ngon, hay chưa bước chân vào chợ Cồn đã mường tượng ra cái xôn xao tiếng rao của hàng chợ si giữa chập choạng chiều. Đường này có món bánh bèo chén nóng hổi, đường kia có bún chả cá ngọt thanh, đường nọ có bánh mì gà thơm bơ… rành rẽ như trong lòng bàn tay.
Ảnh: K.M |
Năm mười tám tuổi, khi vẫn còn gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, mọi thứ thuộc về chốn ấy đều bình thường như một sự hiển nhiên. Lẽ thường, người ta chẳng mấy khi trân trọng hay nâng niu điều hiển nhiên. Rứa mà, cũng năm mười tám tuổi, khi cách xa nhà gần 1.000 cây số, mỗi góc phố lại hiện lên rõ nét cả hình và thanh, mỗi món ăn thấm đượm cả hương và vị. Phải chăng, cái tên gọi “quê nhà” chỉ thật sự nên vóc nên dáng khi người ta ở nơi phương xa bùi ngùi nhớ mà chẳng thể chạm. Cái nỗi nhớ bảng lảng trong từng câu chuyện với bạn bè, trong câu kể “quê tui có chỗ ni đẹp dã man”, “quê tui có món nớ ngon khủng khiếp…”. Cái nỗi nhớ đọng trong đôi mắt sáng bừng tự hào mỗi dịp giới thiệu bản thân là người Đà Nẵng hay lúc nghe hai chữ “Đà Nẵng” được nhắc đến ở đâu đó. Cái nỗi nhớ vương trong niềm hân hoan bữa tình cờ gặp đồng hương…
2. Người ta vẫn thường nói, thời gian là liều thuốc để quên. Nhưng thật kỳ lạ, ta có thể quên gương mặt người từng thương, quên cách yêu một ai đó nhưng chẳng thể nào xua cái nhớ quê nhà, cho dù bao năm và bao xa. Nỗi nhớ trải dài theo tháng năm biền biệt xa xứ lại càng đậm đặc và day dứt, vấn vít trong tiếng thở dài của những người con lâu rồi chưa có cơ hội về thăm.
Nhớ có lần, đứa bạn ủ rũ bảo: “Tui ngưỡng mộ mấy người có quê ghê. Tui sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chưa bao giờ biết mùi vị về quê hay cảm giác nhớ nhà là như thế nào”. Tự dưng, thấy cái nhớ hanh hao bỗng dưng ngọt ngào đôi phần. Có một quê nhà để thương, có một quê nhà để nhớ và có một quê nhà để trở về âu cũng là diễm phúc của một đời người phiêu diêu!
Vậy chứ, năm mười tám tuổi, rời nhà đi xa, “quê” chỉ gói ghém trong con đường từ nhà đến trường, nhỏ bé và đơn sơ. Rứa mà mỗi lần trở về, ngắm nhìn những chốn quen thuộc đều thấy nơi này nơi kia khác biệt quá đỗi so với ký ức cẩn thận gìn giữ. Có bữa, đứng giữa nơi ăm ắp kỷ niệm thơ dại mà tần ngần mãi không thôi. Bất giác nhận ra bản thân trưởng thành là khi tặc lưỡi nuối tiếc: dường như thành phố phát triển lẹ làng hơn cả sự lớn lên của một con người. Mà cũng phải, đâu ai mãi trẻ thơ, “quê” cũng vậy thôi. Chỉ là, theo nhịp đâm chồi ấy, niềm thương vẫn còn ở lại, với người và với “quê”…
3. Rồi những bước chân cũng vượt xa hơn đoạn đường quẩn quanh. Rong ruổi đôi ba chuyến, thấy quê nhà đầy những mới mẻ và thi vị. Vài nơi mình chưa từng biết. Dăm món mình chưa từng nếm. Quê nhà trở thành điểm du lịch ưu tiên hàng đầu trong quãng thời gian rỗi rãi hạn hẹp. Nhưng chừng nhiêu đó chưa đủ, lại tham gia hội này nhóm kia trên nền tảng mạng xã hội Facebook để kịp thời cập nhật sự đổi thay của quê hương. “Quê” từ đó cứ mải miết “lạ lẫm” với các món “trending”, những điểm “check-in” đa dạng phong vị từ trung tâm đến ngoại ô… Lần nào bắt gặp địa chỉ hay ho mới của “quê” cũng lẩm nhẩm đợt tới chắc chắn phải ghé. Rứa mà cuộc trở về nào cũng dành phần lớn thời gian cho những điều cũ. Nên danh sách chốn mới cứ dày thêm mà mãi chưa có dịp khám phá.
Mà hình như càng thêm tuổi, ước mơ phiêu du lại càng nhỏ hẹp. Những ngày mười tám đôi mươi khao khát đi ra thế giới, khám phá sự đa dạng bên ngoài biên giới. Lớn lên đôi chút, phiêu bạt vài miền xa, bỗng chốc nhận ra đất nước mình còn nhiều điều lạ. Hành trình của những bước chân thu gọn trong dáng hình chữ S. Rồi lưng chừng ba mươi, balo lúc nào cũng sẵn sàng cho một cuộc trở về với nơi mình sinh ra.
Không còn những chuyến đi xa, cũng chẳng thiết tha những điều mới lạ, quãng này, chỉ cần được đứng giữa “quê” hít hà hương biển mằn mặn, hương gió oi nồng, hương phố chênh chao… là đã đủ hạnh phúc. Hạnh phúc như cái lúc biên thư cho bạn, cứ phải mở đầu bằng một dòng chữ đầy niềm thương: “Mình có một quê nhà chẳng thơm mùi rơm củi dại nhưng dịu dàng biết mấy…”.
KHA MIÊN