Về nhân vật mõ làng

.

* Vì sao người có nhiệm vụ gõ mõ và thông báo theo chỉ thỉ của các chức sắc trong các làng xã cổ Việt Nam lại bị gọi bằng một tên có vẻ xem thường là “thằng mõ”? Nhân vật này ra đời từ bao giờ và đóng vai trò gì trong xã hội Việt xưa? (Nguyễn Quỳnh, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Tranh dân gian Thằng Mõ với 4 chữ Hán “Mộc đạc xã trung”. Ảnh tư liệu
Tranh dân gian Thằng Mõ với 4 chữ Hán “Mộc đạc xã trung”. Ảnh tư liệu

- Trong đời sống làng Việt xưa, “thằng mõ” giữ nhiệm vụ truyền tin, đi khắp làng gõ mõ gọi dân làng đến tề tựu ở sân đình để nghe những tin tức mới xảy ra trong làng. Ngoài công việc trên, người này có nhiệm vụ khác là tuần phòng ban đêm và gõ từng hồi mõ báo hiệu giờ giấc dưới sự hướng dẫn của viên chức và các tráng đinh trong làng.

Hiện chưa tìm được tư liệu thành văn nào, có tính chất hành chính quốc gia, là lệnh chỉ của vua chúa cho các làng xã có mõ, quy định về chức phận và phạm vi hoạt động của mõ làng. Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sự và Nguyễn Xuân Diện trong bài viết “Thằng Mõ” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay số 2 - 1995, trang 23, cho rằng có hai tư liệu rất quan trọng giúp “xác định niên đại” của nhân vật này là: “Hồng Đức quốc âm thi tập” và vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.

Trong Hồng Đức quốc âm thi tập, ở phần Phụ lục có bài Thằng Mõ. Bài thơ này đã được các cụ Phan Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên khẳng định không phải là của Lê Thánh Tông, mà của người đời sau. Nhưng theo nhận định của hai tác giả nói trên, nếu không phải là của Lê Thánh Tông thì cũng là sáng tác của người thế kỷ XV chứ không thể sớm hoặc muộn hơn. Mẹ Đốp trong chèo cổ Quan Âm Thị Kính là một vợ mõ, và vở chèo này ra đời vào thế kỷ XV là điều đã được các nhà nghiên cứu khẳng định.

Các thông tin này cho thấy nghề rao mõ đã có rất lâu trước khi được đưa vào văn học, là nơi để người dân các làng xã xưa gửi gắm, bộc lộ, phản ánh những khao khát của mình.

Cũng theo bài đã dẫn, “thằng mõ” không phải chỉ phục vụ là lý trưởng cùng các chức dịch trong làng xã, mà là cả cộng đồng làng xã. Khi làng vào đám, cả gia đình mõ được huy động ra “việc làng”. Khi chia phần, dân làng chia cho mõ một cỗ riêng, nếu ăn không hết thì mang về… Mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp giữa các phe, giáp trong làng xã. Lý trưởng họ này đổ, lý trưởng họ khác sẽ thay thế, nhưng vẫn cần đến mõ và không hề vì thế mà thay cả mõ.

Nghề rao mõ đã đi vào tranh dân gian với một anh chàng cầm mõ đi trên đường làng có bụi cỏ, hàng tre cùng 4 chữ Hán 木鐸社中 (Mộc đạc xã trung). Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hán Nôm Đà Nẵng giải thích 4 chữ này có nghĩa là “cái mõ trong làng xã”. Trong đó, đạc [鐸] là cái chuông lắc, một loại nhạc khí, có cán và lưỡi, đánh vào lưỡi thì phát ra tiếng. Ngày xưa khi nào ra tuyên mệnh lệnh thì lắc chuông. Mộc đạc là cái mõ (có lưỡi bằng gỗ).

Người rao mõ thường bị khinh miệt như nhận định của nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc trong bài viết “Nghề mõ/ thằng mõ cũng là… nghề báo/ nhà báo?” đăng trên trang doanhnhanplus.vn: “Từ xửa từ xưa, thằng mõ - một hạng cùng đinh, nghèo hèn mạt hạng, nghèo rách xơ mướp từ nơi xa đến ngụ cư trong làng được các bậc tiên chỉ giao cho nghề này, chứ dân trong làng không ai thèm làm cả - cái nghề mà người ta khinh rẻ đến nỗi người đó dù được cha mẹ đặt tên cũng như không, vì không ai gọi họ bằng tên mà chỉ gọi trống trơn là “thằng mõ” hoặc gọi “bố đốp” và vợ được gọi là “mẹ đốp”! “Đốp” là do tiếng dùi đập vào mõ kêu đốp đốp!”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.