KINH TẾ ĐỨC SUY THOÁI

Hệ lụy từ Covid-19 và khủng hoảng năng lượng

.

Với tăng trưởng âm hai quý liên tiếp (quý 4-2022 và quý 1-2023), nền kinh tế Đức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật. Nguyên nhân được cho là Covid-19 và khủng hoảng năng lượng.

Tăng trưởng ở Đức âm trong 2 quý liên tiếp. TRONG ẢNH: Một khu mua sắm trên đường phố Stralsund ở Đức. Ảnh: CNN
Tăng trưởng ở Đức âm trong 2 quý liên tiếp. TRONG ẢNH: Một khu mua sắm trên đường phố Stralsund ở Đức. Ảnh: CNN

Các nhà kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế Đức sẽ ở mức thấp nhất khối Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo triển vọng kinh tế của quốc gia này sẽ yếu nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Đức, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Canada và Mỹ). Theo IMF, GDP của Đức sẽ giảm 0,1% trong năm nay, so với con số 0,4% mà giới chức Berlin dự đoán.

Ít ảm đạm hơn dự báo

Một nền kinh tế thường được cho là suy thoái khi trải qua 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. GDP của Đức đã giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm nay. Quý 4-2022, kinh tế Đức cũng giảm 0,5%. Song, việc Đức rơi vào suy thoái kinh tế về mặt kỹ thuật đã được dự báo trước đó. Câu hỏi đặt ra lúc này là có bất kỳ sự phục hồi nào trong nửa cuối năm hay không.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn mô tả triển vọng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu và cũng là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới là “rất tốt”, đồng thời nói đến các biện pháp mà chính phủ của ông đã triển khai trong những tháng gần đây để đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái sinh và thu hút lao động nước ngoài. “Có nhiều dự án đầu tư ở Đức trong các lĩnh vực pin và đóng tàu… Vì vậy, chúng tôi có thể tự tin”, ông Scholz nhấn mạnh. Tham vọng của nhà lãnh đạo này là Đức sẽ tăng tốc trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ hơn và trung hòa được lượng khí thải carbon vào năm 2045.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cuộc suy thoái của kinh tế Đức là suy thoái nông, trong khi dự báo được đưa ra trước đó cho rằng bức tranh ảm đạm hơn nhiều. Tình trạng suy thoái kỹ thuật nghĩa là mọi thứ còn nằm trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu suy thoái kéo dài thì sẽ là cơn ác mộng với nước Đức. Lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp và vỡ nợ sẽ gia tăng, hàng hóa tồn đọng, sản xuất đình trệ, các ngân hàng sụp đổ…

Tác động đến châu Âu

Trong nhiều thập niên, Đức luôn là đầu tàu tăng trưởng vững chắc của châu Âu, kéo cả khu vực vượt qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Tuy nhiên, khi đầu tàu lao đao thì các toa tàu khác cũng hụt hơi. Hãng tin Bloomberg nhận định: Đó là điều rất nguy hiểm đối với kinh tế châu Âu.
Nguyên nhân của đợt suy thoái này là ảnh hưởng hai năm đại dịch Covid-19. Cũng như nhiều nước khác, Đức đã phải đóng cửa nền kinh tế để chống dịch. Sau Covid-19, khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục thì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến Đức và cả châu Âu loay hoay ứng phó với bài toán năng lượng. Giá khí đốt, giá điện tăng mạnh làm suy yếu năng lực tiêu dùng tư nhân, hộ gia đình và giảm thiểu thu nhập khả dụng. Các hộ gia đình tư nhân chi tiêu ít hơn cho thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép và đồ nội thất hơn. Họ cũng mua ít ô-tô mới hơn, một phần nguyên nhân có thể do chính phủ ngừng trợ cấp vào cuối năm 2022. Khủng hoảng năng lượng còn khiến ngành công nghiệp gang thép, hóa chất của Đức lần lượt phá sản 5% và 8%, trong khi ngành công nghiệp phân bón hóa học đã đóng cửa 70% năng lực sản xuất.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Đức phụ thuộc quá nhiều vào những ngành công nghiệp truyền thống mà thiếu đi quyết tâm chuyển sang những lĩnh vực tăng trưởng đột phá hơn. Đặc biệt, xung đột Ukraine phơi bày sự phụ thuộc của Đức vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.

Hiện áp lực lớn nhất là Đức phải chuyển đổi năng lượng thành công. Giá điện ở mức phải chăng là yếu tố chủ chốt tạo nên sức cạnh tranh của một nền công nghiệp. Vậy mà kể cả trước khi đứt nguồn cung khí đốt từ Nga, Đức có giá điện cao nhất châu Âu. Nếu chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz không giải quyết nhanh vấn đề này, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển tới nơi khác.

Nhà kinh tế Rudiger Bachmann tại Đại học Notre Dame ở Indiana (Mỹ) dự báo bức tranh ngành sản xuất Đức sẽ thay đổi vĩnh viễn. Một tỷ lệ nhỏ các công ty sử dụng nhiều năng lượng, với quy trình đơn giản, sẽ chuyển ra nước ngoài. Những công ty khác, với quy trình sản xuất phức tạp hơn, có thể sẽ thay thế họ.

Thực tế, Đức đã áp mức trần giá điện đến năm 2030 cho một số ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như hóa chất, nhưng đây có lẽ chỉ là biện pháp tình thế. Sau khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào mùa xuân năm nay, Đức xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời với công suất khoảng 10 gigawatt. Song, tốc độ này chỉ bằng một nửa yêu cầu cần thiết để đạt mục tiêu năng lượng và khí hậu mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu đặt ra.

KHÁNH LINH (theo WSJ, Bloomberg, CNN)

;
;
.
.
.
.
.