Muồng Hoàng yến

.

* Hôm theo đoàn đến tham quan Nghĩa trủng Hòa Vang ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, tôi thấy có 3 cây cao 6-7m, nở hoa vàng rực rỡ. Hỏi, thì có người nói đó là cây Muồng Hoàng yến, người lại cho đó là cây Osaka vàng. Cách gọi nào là chuẩn xác? (Trần Văn Quang, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).

Cây Muồng Hoàng yến tại Công viên Thanh Niên ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Cây Muồng Hoàng yến tại Công viên Thanh Niên ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

- Cả hai cách gọi (Muồng Hoàng yến và Osaka vàng) đều là tên của một loại cây cho hoa vàng rực với những cành hoa mọc thành chuỗi vô cùng đẹp mắt, nở rộ từ xuân sang hạ.

Theo “lý lịch” đăng trên trang cayxanhhoanggia.vn (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Cây xanh Hoàng Gia), cây cho loài hoa được mệnh danh là hoa Nữ hoàng này có nhiều tên gọi: Muồng Hoàng yến, Muồng Hoàng hậu, Osaka vàng, Bò cạp vàng, Hoa lồng đèn... Tên khoa học: Cassia fistula. Họ thực vật: thuộc phân họ Vang của họ Đậu (Fabaceae). Cây có nguồn gốc từ miền Nam châu Á, từ miền Nam Pakistan kéo dài về phía đông qua Ấn Độ, Srilanca. Ở nước ta, Muồng Hoàng yến mọc trong các rừng thưa ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; và hiện nay được trồng ở nhiều nơi đô thị như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Muồng Hoàng yến thân gỗ có kích thước trung bình, có độ cao dao động 10 đến 20m, cây lớn rất nhanh; gỗ có giác lõi, cứng và khá nặng. Hoa có 5 cánh màu vàng tươi, hình bầu dục rộng, có móng ngắn; có 10 nhị, bao phấn phủ lông tơ ngắn. Loại cây này có cốt gỗ chắc, chất lượng khá cao nên được trồng để lấy gỗ làm đồ gia dụng, nội thất, thủ công mỹ nghệ và cả xây dựng nhà cửa.

Trang caygiong4s.com (Trung tâm Cây giống 4S) cho biết thêm, Muồng Hoàng yến là tên gọi quen thuộc ở Việt Nam, ở nước ngoài nó có tên là Oaka vàng và là quốc hoa của Thái Lan. Tại đất nước này, chúng được gọi là Dok Khuen và những bông hoa màu vàng của cây tượng trưng cho Hoàng gia Thái. Tại lễ hội hoa năm 2006, Dok Khuen được đặt thêm tên mới là “Royal Flora Ratchaphruek” (Hoàng gia Flora Ratchaphruek). Osaka vàng còn có một tên gọi khác là Kanikkonna và là loài hoa tượng trưng cho Bang Kerala tại Ấn Độ. Osaka vàng có tầm quan trọng lễ nghi trong lễ hội Vishu (lễ đón năm mới của người Hindu). Tại Ấn Độ, con tem 20 rupi có hình hoa Osaka vàng.

Vì có tốc độ phát triển nhanh nên Muồng Hoàng yến được chọn làm cây tạo bóng mát, tạo cảnh quan đẹp mắt, được chọn trồng ở rất nhiều công trình, trồng trang trí trước hiên nhà, cổng ngõ, khu đô thị… Ngoài ra, cây còn mang lại nhiều lợi ích khác.

Tán lá của loài cây này khá rậm nên có khả năng hấp thụ khí độc và khói bụi tốt, thanh lọc bầu không khí, trả lại môi trường trong lành, giúp khuôn viên có cây thêm mát mẻ. Nhiều người cầu kỳ còn trồng Muồng Hoàng yến trong chậu và khống chế để cây ra hoa đúng dịp Tết làm cây cảnh chưng trước nhà.

Muồng Hoàng yến cũng được dùng để bào chế thuốc. Ở Ấn Độ, loài cây này còn được gọi là “Cây tiêu diệt bệnh”. Các bộ phận của cây đều có những tác dụng y học nhất định, đặc biệt là quả. Thành phần các chất trong quả của cây Muồng Hoàng yến có thể ứng dụng để điều chế các loại thuốc như: thuốc xổ, thuốc chữa rối loạn tim mạch, thuốc chữa táo bón, đau khớp, liệt nhẹ, các bệnh ngoài da, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, viêm khớp…

Vỏ và gỗ cây có giá trị kinh tế cao. Vỏ cây màu hồng, dày nên có thể dùng để chế thuốc nhuộm. Lõi gỗ rất giàu tannin. Giác lõi nặng và cứng, có độ bền cao nên được ưa chuộng để làm nông cụ, dùng trong xây dựng hay đóng các đồ nội thất.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.