Pháp trợ lực cho ngành nghề thủ công

.

Chính phủ Pháp vừa công bố kế hoạch lớn với khoản ngân sách 340 triệu euro (khoảng 8.557 tỷ đồng) để hỗ trợ nhóm ngành thủ công sáng tạo của nước này, giúp các nghệ nhân vượt qua hệ lụy ảnh hưởng bởi Covid-19, cũng như sức ép của tình hình lạm phát kéo dài.

Hàng hóa làm bằng da tại công ty Who’s Next, thương hiệu thời trang quốc tế lớn, ở Paris, Pháp vào tháng 1-2023. Ảnh: AFP
Hàng hóa làm bằng da tại công ty Who’s Next, thương hiệu thời trang quốc tế lớn, ở Paris, Pháp vào tháng 1-2023. Ảnh: AFP

Trước thềm hội nghị thường niên hai năm một lần về nghề thủ công và sáng tạo quốc tế được tổ chức từ ngày 7 đến 11-6 tại Không gian trưng bày triển lãm Grand Palais Ephémère ở Paris (Pháp) ngày  30-5, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rima Abdul Malak và Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Olivia Grégoire đã công bố bản kế hoạch được nhiều nghệ nhân chờ đợi.

Thủ công - ngành công nghiệp chiến lược

Kế hoạch này dự kiến sẽ hỗ trợ các nghệ nhân và nghề thủ công bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 và tình hình lạm phát căng thẳng thời gian qua. Theo đó, trong vòng 3 năm triển khai, sẽ thiết lập một “hợp đồng công nghiệp chiến lược” giữa chính quyền và các doanh nghiệp địa phương.

“Các nghề thủ công đáp ứng nhu cầu của mọi người về những sản phẩm có ý nghĩa, bền vững và thân thiện với môi trường, đặc biệt, ở thời điểm mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang ảnh hưởng tới cuộc sống chúng ta, khi giá trị của công việc này bị đặt dấu hỏi và khi sự chuyển đổi sinh thái học (môi trường) đang là mối quan tâm trước nhất”, bà Abdul Malak nói. Kể từ khi nhậm chức năm 2022, bà Bộ trưởng Văn hóa Pháp đã rất xông xáo trong việc thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ này.

Thông báo mới rõ ràng đã làm nức lòng khoảng 281 ngành nghề thủ công, khoảng 60.000 doanh nghiệp và 150.000 người đang hoạt động trong đó, hầu hết họ đều là các doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu. Theo báo Le Monde, mặc dù ngành này (lĩnh vực giao thoa giữa nghệ thuật và sự sáng tạo khéo léo) rất nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng bất ngờ nó lại được quan tâm chưa thỏa đáng tại Pháp.
Làm thế nào để vừa bảo đảm tính liên tục và bảo tồn các kỹ thuật nghề truyền thống vừa thích ứng được với các nhu cầu hôm nay; làm thế nào để vừa duy trì nguồn gốc và bản sắc địa phương của các ngành nghề, sản phẩm trong khi vẫn có thể tỏa sáng trên môi trường quốc tế, đó là những vấn đề mà những người trong cuộc trăn trở.

Khan hiếm lớp nghệ nhân kế thừa

Để có thể đưa dự án quy mô lớn này vào thực tiễn và tạo kết quả tốt, hai bà bộ trưởng và đội ngũ giúp việc đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn, lắng nghe ý kiến. Ngoài ra kế hoạch này cũng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của học sinh trung học với các ngành nghề thủ công, thu hút người trẻ đến với các ngành thủ công, mỹ nghệ như chế tác trang sức, kim hoàn, làm đồ gỗ, đồ da… Mỗi năm ngành này cần khoảng 20.000 nghệ nhân và rất khó để tìm đủ, theo bà Bénédicte Epinay, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp xa xỉ Comité Colbert ở Pháp. Nếu không có đội ngũ nhân lực này, ngành công nghiệp xa xỉ của Pháp sẽ không tồn tại và việc bảo tồn di sản cũng sẽ là điều không thể. Vì thế, dễ hiểu khi bà Bénédicte Epinay rất vui mừng khi nhận thấy các lĩnh vực này đã được chính phủ quan tâm. “Thực sự thì khi nói về các ngành nghề công việc ở Pháp, chúng ta thường có cơ hội nghe về các ngành công nghiệp và rất ít khi nói về các ngành nghề thủ công”.

Trang Luxus-plus cho biết, chiến lược hỗ trợ này sẽ được chia làm 5 lĩnh vực: quảng bá các ngành nghệ thuật, thủ công tới người trẻ; đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật điêu luyện trong những ngành nghề này; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nghề thủ công với cộng đồng địa phương, đặt nó ở trung tâm của cộng đồng; hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; và phát triển nghệ thuật thủ công của Pháp ra quốc tế.
“Để phát triển, khối ngành nghệ thuật và nghề thủ công cần cởi mở, và đây là điều mà chiến lược hỗ trợ lần này giúp họ làm được điều đó, bằng cách mang nghệ thuật thủ công không chỉ tới gần hơn với khách hàng, mà còn với tất cả công chúng”, bà Olivia Grégoire khẳng định.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.