Đà Nẵng cuối tuần

Sách mới, sách hay

20:55, 17/06/2023 (GMT+7)

1. Xuất bản lần thứ I năm 2023, tác phẩm Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh của luật sư Triệu Quốc Mạnh (NXB Trẻ) thể hiện Sài Gòn trong cuộc chiến qua hồi ức của tác giả là một tuyến đầu vĩ đại, một công sự vĩ đại. Đồng bào nơi đây vừa đấu tranh vừa đùm bọc, vừa xây dựng để cuối cùng có được thành quả cũng thật sự vĩ đại - một Sài Gòn tuyệt đẹp, lẫy lừng.

Sách gồm 4 phần: phần khái quát: Từ hòa ước Giáp Tuất 1874 đến năm 1945; phần hai: Kháng chiến bùng nổ và Pháp khủng bố: từ 1945-1955; phần ba: Hoa Kỳ gầy dựng chế độ cai trị độc tài Ngô Đình Diệm: từ 1954-1963; phần thứ tư: Chế độ quân phiệt và sự leo thang chiến tranh: từ 1963-1975.

Với tác phẩm Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh, nếu người đọc là người đã trải nghiệm cuộc sống trong một thời khắc, một giai đoạn nào đó tại Sài Gòn thì sách dễ gây nơi họ lòng hoài niệm về một quá khứ; nếu người đọc là người từng sống xa xứ, người chưa từng biết Sài Gòn thì sách tạo cho họ những cảm xúc về thành phố hiếu khách, hiếu hòa nhưng cũng rất cương quyết chống lại áp bức, xích xiềng.

2.Xuất bản lần thứ I vào năm 2023, tác phẩm “Thương ngàn” của tác giả Vĩnh Quyền là tác phẩm văn học hiếm hoi của Việt Nam, kể về cuộc sống ở rừng và môi trường nói chung. Sách viết đan xen giữa những chuyện xảy ra ở hiện tại và truyền thuyết cổ xưa, có lúc nhẹ nhàng nên thơ nhưng cũng nhiều phân đoạn mạnh mẽ khốc liệt, khi thiên nhiên ứa lên tiếng kêu cứu.

Tác phẩm có những trích đoạn đầy xúc động như: “Sau cơn mưa khung trời đêm trở lại màu xanh thẫm nguyên sơ trên những cánh rừng chưa thắp sáng bởi thứ ánh sáng nhân tạo. Bhoo lặng lẽ ngước nhìn ngọn lim xanh rồi mơ màng nhìn quanh. Tôi nhận ra tôi và cô bé Katu có chung một giấc mơ. Rằng lúc này chúng tôi đang trông thấy rừng lim non nhú lên từ mặt đất hoang, lớn thật nhanh quanh gốc lim già, quanh ngôi nhà sàn và trải rộng tới vô cùng”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét về tác phẩm: “Tôi đã đọc bản thảo, thấy rưng rưng thương rừng Việt đã bị khai thác đến mức kêu cứu. Khát khao “tiểu thuyết hóa” tiếng kêu ấy, Vĩnh Quyền không ngần ngại đưa vào Thương ngàn một cấu trúc mới lạ. Cảm hứng và cảm xúc nén chặt trong tiếng kêu câm nín của chữ nghĩa. Từ đáy sâu của tiếng kêu tiểu thuyết ấy, khối tư liệu khoa học, báo chí tự cất tiếng phán xét về mối quan hệ khủng hoảng giữa con người với tự nhiên hôm nay. Từ đó suối cạn, rừng khô đã được nhà văn chuyển hoá thành nhân vật tiểu thuyết…”.

Tác giả Vĩnh Quyền đã xuất bản 18 đầu sách. Các tác phẩm của nhà văn Vĩnh Quyền gây được tiếng vang trong đời sống văn học, văn hóa trong nước cũng như nước ngoài.

MẪU ĐƠN

.