Trong số 100 tấn quần áo cũ từ phương Tây được chuyển tới chợ Kantamanto, thủ đô Accra của Ghana mỗi ngày, 30-40% kết thúc vòng đời ở bãi rác. Quốc gia Tây Phi này trở thành bãi rác khổng lồ của quần áo cũ không được tái sử dụng hoặc tái chế.
Thủ đô Accra của Ghana tiếp nhận 100 tấn quần áo từ phương Tây mỗi ngày. Ảnh: Anadolu Agency |
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, “thời trang nhanh” ở các nước phát triển với thói quen tiêu dùng, may mặc thừa mứa đã tạo ra gánh nặng ô nhiễm nghiêm trọng cho Ghana.
Nhận tiền để xử lý rác quần áo?
Tuần trước, một nhóm doanh nghiệp kinh doanh quần áo cũ tại Kantamanto đã có mặt ở thủ đô Brussels (Bỉ) - nơi đặt trụ sở Liên minh châu Âu (EU) - để vận động liên minh này thông qua luật buộc ngành sản xuất thời trang hỗ trợ ứng phó “thảm họa môi trường” do lượng quần áo cũ khổng lồ từ các nước phát triển gây ra.
Tại Brussels, nhóm doanh nghiệp gặp gỡ bà Alice Bah Kuhnke - nghị sĩ Nghị viện châu Âu, các tổ chức môi trường, các đại diện Ủy ban châu Âu và Cục Môi trường châu Âu, đề nghị siết chặt áp dụng chính sách “mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất” (EPR). Chính sách này quy định Ghana được nhận tiền để xử lý 100 tấn quần áo cũ ở chợ Kantamanto mỗi ngày.
Theo chính sách EPR hiện hành của EU, các nhà sản xuất phải chịu một phần trách nhiệm tài chính để xử lý rác thải do sản phẩm của họ tạo ra. Tuy nhiên, Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu áp dụng chính sách EPR với doanh nghiệp trong ngành may mặc.
Những người chỉ trích cho rằng, nếu áp dụng chính sách EPR thì cũng không giúp ích nhiều cho những quốc gia ở “cuối vòng đời” của quần áo như Ghana, bởi các nhà sản xuất chỉ trả khoảng 0,06 euro cho mỗi sản phẩm của họ. Số tiền này hầu như không đến được những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ những bãi rác quần áo cũ. Chẳng hạn, 30-40% trong số 100 tấn quần áo cũ từ phương Tây được chuyển tới chợ Kantamanto mỗi ngày phải kết thúc vòng đời ở bãi rác vì không thể tái sử dụng hay tái chế. Hơn nữa, chính phủ Ghana không có tiền và thiếu cơ sở hạ tầng để xử lý rác thải của những nền kinh tế phát triển.
Các doanh nghiệp kinh doanh quần áo cũ ở Kantamanto muốn chính sách EPR nâng mức chi trả cho mỗi sản phẩm bị thải ra lên 0,5 euro và một phần khoản tiền này được chia cho những thị trường tiếp nhận quần áo cũ, trong đó dành 10% cho quỹ môi trường.
Người tiêu dùng chỉ nên mua những mặt hàngcần thiết
Với diện tích khoảng 7ha, Kantamanto là chợ quần áo cũ lớn nhất ở Ghana, nằm ngay trung tâm thủ đô Accra. Khu chợ này xử lý khoảng 15 triệu sản phẩm may mặc mỗi tuần và tạo việc làm cho khoảng 30.000 người. Các nhà bán lẻ mua và phân loại các kiện quần áo nặng 55kg - hầu hết là hàng “deadstock” (quần áo được cất giữ trong nhà kho và phòng chứa hàng nhiều năm nhưng không bao giờ mặc), hoặc các mặt hàng được quyên góp cho tổ chức từ thiện, hoặc bỏ lại trong thùng tái chế. Khoảng 6 triệu mặt hàng chất lượng tốt được bán hoặc tái chế trên thị trường mỗi tuần. Khoảng 30-40% số quần áo được đưa đến các bãi chôn lấp bởi chúng chỉ là rác.
“Thời trang nhanh” phát triển và sở thích mua sắm quần áo ồ ạt dẫn đến tình trạng dư thừa quần áo giá trị thấp. Theo đó, doanh thu của các doanh nghiệp ở Kantamanto ngày càng giảm, nhiều doanh nghiệp thậm chí rơi vào nợ nần.
Báo cáo của Or Foundation - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Accra công bố năm 2022 cho biết, 6 triệu trang phục được tái chế mỗi tuần là điều đáng kinh ngạc. “Chợ Kantamanto trở thành bãi rác không phải do các công nhân không làm việc chăm chỉ, mà bởi có quá nhiều quần áo cũ”, báo cáo nêu. Trong khi đó, ông Solomon Noi - Giám đốc Cơ quan quản lý rác thải Accra cho hay, thành phố này đã mất khả năng xử lý lượng rác thải khổng lồ tại chợ Kantamanto. Trong vòng 10 năm (từ 2010-2020), 10 bãi rác hợp pháp của thành phố quá tải và phải đóng cửa. Theo ông Noi, các quốc gia phát triển phải có một phần trách nhiệm hỗ trợ Ghana xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý rác từ quần áo cũ mà những nước này thải ra.
Các chuyên gia mạng lưới chiến dịch toàn cầu Greenpeace và Or Foundation khuyến cáo: Chính những người tiêu dùng mặt hàng thời trang sẽ quyết định vận mệnh của môi trường. Thay vì mua những món đồ “hot” và thay đổi chúng liên tục hằng ngày, người tiêu dùng nên mua những thứ thật sự cần thiết và có thể sử dụng lâu dài.
KHÁNH LINH (theo The Guardian, BBC)