“Ngày không gió” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ thứ ba của Thụy Sơn sau “Như hạt bụi đam mê” (2017) và “Trầm tích” (2019); gần 100 bài thơ đúc kết những ngẫm suy của người đàn bà với khát vọng “xin làm người thắp nến”, để “gánh chữ đi xa” - một khao khát tưởng nhỏ bé nhưng cả một đời tận hiến thi sĩ chưa chắc đã nắm bắt được. Đọc thơ Thụy Sơn, ta bắt gặp biết bao nỗi niềm khi lật qua từng trang sách của “Ngày không gió”: niềm thao thức của một trái tim đàn bà giàu nữ tính, mãnh liệt sống và yêu, trăn trở đầy thế sự trước dư chấn của thiên nhiên dẫn đến thiên tai địch họa, niềm đau xót trước những chia cắt xé lòng vì dịch bệnh, chiến tranh… Song với tôi, mảng thơ chị viết về tình mẹ con đọng lại nhiều ấn tượng nhất.
Nhiều người làm thơ hay viết về mẹ bởi suốt cuộc đời người con, mẹ là nguồn sống, chỗ dựa và cũng là nơi neo đậu cảm xúc nhiều nhất. Thơ Thụy Sơn cũng không nằm ngoài cảm thức đó; song ở “Ngày không gió”, hình ảnh mẹ vừa mang những nét phổ quát trong cảm xúc thi ca, vừa đậm đặc những nét riêng, được lạ hóa qua cách nhìn, cách cảm của “người đàn bà giấu cô đơn luồn vào khuy áo”… Yêu thương và biết ơn vô vàn tình mẹ, Thụy Sơn - người con “tóc đã hai sương ngả màu” dệt nên những vần thơ thắm thiết: “Con ngồi/ bới vết thời gian/ Lượm từng hạt nhớ/ xâu tràng yêu thương”.
Người con ấy cài lên ngực bông hoa hồng trắng nhưng lại thầm mong mẹ cài hoa đỏ trong ngày gặp lại ngoại mình ở chốn thiên thu. Đọc những câu thơ trong bài “Mẹ tôi cài hoa hồng đỏ”, ta nghe vang lên nỗi trống vắng đơn côi khi mẹ không còn; người con tiễn mẹ trong niềm tiếc nuối, nỗi xót đau vì từ đây mình mãi mãi mồ côi nhưng trong lòng lại cầu mong mẹ và ngoại sớm đoàn tụ, cùng phiêu diêu miền cực lạc.
Viết về tình mẹ, Thụy Sơn còn có nhiều bài thơ khác như: “Lá khuyết”, “Người mẹ thời 4.0”, “Dòng sông tật nguyền”, “Lời người mẹ có con tự kỷ”, “Mùa xuân trên tóc mẹ”, “Bên bờ hoàn nguyên”… Cùng là phụ nữ và đều làm mẹ nên Thụy Sơn hiểu và cảm thông cho tâm tư của mẹ mình và biết bao người mẹ khác; chị cũng như hàng triệu người con gái được mẹ thai nghén hình hài và lớn lên từ giọt sữa của mẹ: “Sau mỗi lần vượt cạn/ mẹ chưng cất một mùa xuân/ giọt sữa chín/ từ hương hành hương nếp”. Không chỉ mang nặng đẻ đau, mẹ còn là người chăm bẵm ta bằng giọt sữa ngọt ngào được chưng cất từ sự hy sinh thầm lặng.
Trong hành trình thực hiện thiên chức, nuôi con từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, tuy vất vả trăm bề nhưng mẹ còn có ngày được mỉm cười. Còn người mẹ có đứa con tật nguyền, khiếm khuyết, bị bệnh tự kỷ thì suốt một đời nuốt nước mắt ngược vào trong… Thụy Sơn cúi xuống, mở lòng để sẻ chia cùng nỗi đau đó bằng trái tim của người làm mẹ: “Những chiếc lá non khiếm khuyết/ Khai sinh từ buổi nhú chồi/ Lá có linh hồn có tuổi/ Biết đau từng giấc trở mình”.
Bằng những ẩn dụ, so sánh, Thụy Sơn gửi gắm cả tấc lòng tâm sự của người mẹ về những đứa con “đặc biệt” của mình. Những đứa con vô ưu ấy đâu biết sẽ là gánh nặng suốt đời của mẹ mình. Còn người mẹ dù biết sẽ nếm đủ chua cay vẫn sẵn lòng chấp nhận. Vĩ đại làm sao và mênh mông biết bao tấm lòng của mẹ: “Một ngày mẹ còn hiện hữu dưới mặt trời này/ Xin làm sóng dìu thuyền con qua biển rộng/ Mẹ và con bơi giữa nghiệp trần thực mộng/ Cuộc chơi này cút bắt chua cay”. Người mẹ dâng hiến cả cuộc đời mình cho đời con được lành lặn nhưng mẹ như ngọn bấc đã đến lúc cạn dầu; liệu làm sao để níu kéo thời gian, làm sao để mẹ che chắn cho cả cuộc đời con được.
Thơ Thụy Sơn còn chất chứa cả những thảng thốt, bàng hoàng giật mình giữa đêm khuya của mẹ khi nghĩ đến... lỡ một mai: “Một mai lời thiên thu gọi/ Hoang vu bốn phía chỗ nằm/ Nước mắt thành dòng lưu thủy/ Chờ con… lá khuyết trôi về”. Thi ảnh chiếc lá khuyết gợi trong tâm tư ta bao ám ảnh, hơn một lần trong tập thơ nữ sĩ đã khắc họa: “Bóng đổ gập đường/ một chiếc lá khuyết… rơi… rơi!”.
Để diễn tả sâu sắc tấm tình mẹ con, thơ Thụy Sơn dùng nhiều ẩn dụ hóa, lối điệp cấu trúc, vận dụng xen kẽ nhiều thể thơ: 5 chữ, lục bát, tự do... Nhiều câu thơ có dấu chấm đặt giữa dòng phần nào thể hiện những hụt hẫng chới với trong tâm trạng, vừa là những quãng ngắt, dấu lặng... tạo khoảng trống cho người đọc ngẫm suy. Thơ chị dùng khá nhiều từ cổ, vận dụng hài hòa những điển tích, điển cố làm cho chất cổ điển hòa quyện trong cái nhìn hiện đại. Nhiều bài thơ ảnh hưởng tư tưởng Thiền, xem mọi được mất là sắc sắc không không. Bằng tình yêu dạt dào với thi ca cùng một tâm hồn mẫn cảm, thi sĩ đã chinh phục độc giả yêu thơ, thắp lên trong lòng người khát vọng sống cao cả; đồng thời nhắn gửi cho bao người con phải trân quý, kính yêu cha mẹ của mình và sau này có làm cha, làm mẹ hãy sống vì con, cho con, biết nuôi dạy con thành người tử tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
NGUYỄN THỊ THU THỦY
(*) Ý thơ của Thụy Sơn trích trong tập “Ngày không gió” (NXB Hội Nhà văn, 2023).