Sau 12 năm xảy ra thảm họa kép động đất và sóng thần, chính phủ Nhật Bản dự kiến tiến hành xả hơn 1 triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương từ tháng 8 tới và tiến trình này kéo dài ít nhất 30 năm.
Những bể chứa nước đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Kyodo/Reuters |
Đến nay, người dân Nhật Bản vẫn không thể quên trận động đất 9 độ Richter vào ngày 11-3-2011 gây ra sóng thần, khiến gần 20.000 người chết hoặc mất tích, đồng thời làm tê liệt Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, cách thủ đô Tokyo khoảng 220km về phía đông bắc. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 300 tỷ USD.
Vì sao phải xả thải?
Sau thảm họa lịch sử, Nhật Bản phải bơm nước vào các lò phản ứng ở nhà máy Fukushima Daiichi để làm mát các thanh nhiên liệu. Mỗi ngày có 140 tấn nước nhiễm phóng xạ thải ra từ nhà máy Fukushima Daiichi. Lượng nước này sau đó được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến. Đến nay, tổng cộng 1,32 triệu tấn nước thải đang được chứa trong hơn 1.000 bể khổng lồ - do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xây dựng - thuộc khuôn viên nhà máy Fukushima Daiichi. Song, chẳng bao lâu nữa TEPCO sẽ sử dụng hết các bể chứa và diện tích đất có thể dùng để xây những bể mới.
Tháng 4-2021, chính phủ Nhật Bản dưới thời Thủ tướng lúc đó là ông Suga Yoshihide quyết định sẽ xả nước ô nhiễm đã qua xử lý ra Thái Bình Dương và xem đây là giải pháp “thực tế nhất” để tiến đến ngừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi một cách an toàn. Tokyo đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá độc lập về kế hoạch này.
Đến đầu tháng 7-2023, IAEA công bố báo cáo cho biết, kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và việc xả thải sẽ gây tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người cũng như môi trường. Tuy nhiên, đối mặt với phản ứng của các nước, ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc IAEA lý giải báo cáo của IAEA không đồng nghĩa với việc tán thành kế hoạch của Nhật Bản và Tokyo vẫn là bên đưa ra quyết định cuối cùng. “Chúng tôi không tán thành kế hoạch hay khuyến nghị thực hiện điều này. Chúng tôi chỉ nói rằng kế hoạch phù hợp với các tiêu chuẩn”, ông Grossi nói.
Với động thái “bật đèn xanh” của IAEA, chính phủ Nhật Bản dự kiến tiến hành xả nước từ tháng 8 tới và tiến trình này kéo dài ít nhất 30 năm. Bên thứ ba, trong đó có IAEA, sẽ giám sát quá trình trong và sau khi xả thải.
Những rủi ro
Theo TEPCO, nước nhiễm phóng xạ đã được lọc qua hệ thống lọc thì có thể loại bỏ hầu hết 62 nguyên tố phóng xạ trong nước, nhưng vẫn tồn tại nguyên tố tritium. Thực tế, lượng tritium thấp thì ít gây rủi ro vì phát ra tia bức xạ yếu, khó xâm nhập và tích tụ trong cơ thể người hay động vật.
Để giảm nồng độ tritium trong nước, nước xả thải sẽ được pha loãng thành 1.500 becquerel tritium/lít nước sạch (becquerel: đơn vị đo độ phóng xạ), rồi được giải phóng dần qua một đường hầm ngoài khơi bờ biển vào Thái Bình Dương. Quy định của Nhật Bản cho phép tiêu chuẩn tritium trong nước uống là 60.000 becquerel/lít; Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép 10.000 becquerel/lít; tiêu chuẩn của Mỹ là 740 becquerel/lít. Điều đó có nghĩa nồng độ tritium do phía Nhật Bản thải ra biển thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của chính quốc gia Đông Bắc Á này và WHO.
Xả nước thải đã qua xử lý vào đại dương là một hoạt động thông thường đối với các nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, việc xả nước thải đã qua xử lý tại Fukushima Daiichi là vấn đề lớn vì đã tiếp xúc trực tiếp với các thanh nhiên liệu hạt nhân. Nhiều nhà khoa học không an tâm về kế hoạch của Nhật Bản. Ông Robert H. Richmond, Giám đốc Phòng thí nghiệm biển Kewalo tại Đại học Hawaii ở Manoa, bang Hawaii (Mỹ), thành viên nhóm các nhà khoa học quốc tế làm việc với Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương để đánh giá kế hoạch xả nước thải - quan ngại việc pha loãng nước thải phóng xạ có thể không đủ làm giảm tác động của nước thải phóng xạ đối với sinh vật biển. Ông Richmond lập luận rằng, các chất gây ô nhiễm như tritium có khả năng sẽ tích tụ trong hệ sinh thái biển.
Trong khi đó, người dân các quốc gia láng giềng không thể ngồi yên vì lo lắng các chất phóng xạ tồn dư trong nước thải sẽ tác động tiêu cực đến ngành đánh bắt hải sản và môi trường. Tại Hàn Quốc, nhiều người đổ xô tích trữ hải sản và muối biển, khiến giá muối tăng dần lên đến 40% kể từ tháng 4-2023. Nhiều siêu thị trên khắp Hàn Quốc hiện không còn mặt hàng muối. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành một cuộc thanh tra đặc biệt kéo dài 100 ngày về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng hải sản nhập khẩu. Theo đó, việc không ghi nhãn mác xuất xứ có thể bị phạt tới 10 triệu won (7.600 USD); sử dụng nhãn mác giả mạo có thể bị phạt tới 7 năm tù, hoặc phạt tiền 100 triệu won.
KHÁNH LINH (theo Nikkei Asia, Washington Post, CNN)