Trước hết, nên biết, “Trưa quê” là bài thơ của một người chuyên viết văn xuôi. Đó là nhà văn Sao Mai. “Trưa quê” của Sao Mai là tiếng nói của các giác quan: thị giác - thính giác - khứu giác. Cảnh trưa ở làng quê Việt, đưa con người trở về với cái tĩnh lặng của thiên nhiên, cái xao xác của tiếng ve ran, cái vang động của tiếng gà bên sông, cái mùi thơm dịu dàng của hoa mướp và cả cái hiu hắt của lòng người, chùng xuống, lặng lẽ buồn.
Nhà văn Sao Mai - một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Những buổi trưa ở thôn quê thường lưu giữ cảm xúc nơi nhiều thi sĩ như Trưa trong Thôn ca (1944) của Đoàn Văn Cừ, Đi giữa đường thơm của Huy Cận, Nắng mới của Lưu Trọng Lư.
Trưa là khoảng thời gian chính giữa ban ngày, lúc mặt trời lên cao nhất, lúc vạn vật trốn nắng, nghỉ lao động, lúc không gian yên ắng và lòng người như hòa vào tạo vật, nghe như đất trời, cây cỏ, vạn vật tỏa ra tiếng nói riêng. Ta gặp ở đây một không gian sâu lắng, một nỗi buồn gờn gợn, mong manh, không thể nào quên.
Bài thơ có 3 khổ, 12 câu, có đến 13 lần nói đến “trưa”. “Trưa quê” của Sao Mai có nhiều nỗi niềm, nhung nhớ, vì thế được nhiều người yêu thích. Yêu thích trước hết là không gian quê nhà, gần gũi, thân quen, đầy hoài niệm. Thêm nữa, yêu một giọng thơ trong trẻo, trữ tình, xa vắng. Toàn văn bài thơ như sau:
Trưa ấy quê nhà, mây trắng bay
Đường trưa hun hút nắng vai gầy
Người trong trưa quạnh nhìn không nói
Mắt trẻ trưa làng xanh ánh cây
Trưa xóm đầu thôn trưa như không
Trưa về gờn gợn cỏ may đồng
Trưa nào xa quá gà đương gáy
Ngang hơi gà xưa trưa quê sông
Từ độ người đi biết trưa quê
Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về
Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn
Thơm đến trưa này trưa mướp quê.
Bài thơ bắt đầu bằng sự hồi tưởng về những buổi trưa ở quê nhà. Nghĩa là, trong ký ức thẳm sâu, hình ảnh “trưa ấy”, trưa của thời xửa thời xưa, trưa của năm tháng ấu thơ, có “mây trắng bay” không thể nào quên. Trong Đường thi, hình ảnh mây trắng quê nhà bao giờ cũng gợi nhớ khung trời kỷ niệm, đầy xao xuyến. Đó là Nhàn vân đàm ảnh nhật du du (Vương Bột), Bạch vân nhất phiến khứ du du (Trương Nhược Hư), Bạch vân thiên tải không du du (Thôi Hiệu). Từ gợi nhớ đó, cộng với hình ảnh không gian và thời gian của trưa: “đường trưa”, “người trong trưa”, “mắt trẻ trưa”, tất cả đều nhuốm sắc màu của tâm trạng qua cái nhìn: “vai gầy”, “quạnh nhìn không nói”, “trưa làng xanh ánh cây”. Cả khổ thơ, câu nào cũng có “trưa”, song, mỗi dòng là sợi nhớ thương riêng.
Tiếp đến, khổ thơ thứ hai có câu thơ rất gợi: Trưa xóm đầu thôn trưa như không. “Trưa như không” nghĩa là đương trưa, có trưa đấy, ở xóm đầu thôn, mà như là không có trưa, giữa trí và lòng đâu đó ngộ ra tiếng nói của hư không, cao vời. Cảm nhận này đưa nhà thơ đến với miền ký vãng ở những câu thơ kế tiếp về gờn gợn cỏ may đồng, về gà xưa đương gáy trưa quê sông.
Cỏ may là loài hoa dại, mộc mạc và nên thơ, giản dị và mong manh, vươn lên trong sương gió, có ý nghĩa gửi trao thông điệp về yêu thương nên khiến nhiều người yêu thích. Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh có thơ về hoa cỏ may. “Gờn gợn hoa cỏ may” gợi liên tưởng đến hình ảnh vừa mềm mại, vừa níu giữ của loài hoa hoang dại này!
Tha thiết và xao xuyến nhất, vẫn là âm thanh tiếng gà trưa. Tiếng gà một thuở xa xưa tưởng chìm đi trong ký ức, nay thức dậy, vang lên, gợi nhớ xa xăm, không dứt trong trí nhớ. Cả câu thơ toàn vần bằng: Ngang hơi gà xưa trưa quê sông. Những buổi trưa quê, đâu đây, như ta thường thấy, tiếng gà vẫn còn đương gáy ở bến sông quê, lung linh trong câu thơ của Lưu Trong Lư: “xao xác gà trưa gáy não nùng (Nắng mới), của Xuân Quỳnh với Tiếng gà trưa, bình dị, thiêng liêng về tình cảm gia đình, về tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt, Văn Cao trong Mùa xuân đầu tiên, giai điệu ngọt ngào: ‘’Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng cho bao tâm hồn/ Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”. Sự gặp gỡ và đồng điệu của những tâm - hồn - quê, đưa lại những dòng thơ, những giai điệu về tiếng gà trưa với bao niềm thương nỗi nhớ khi xa quê. Sao Mai gọi trưa ấy là “trưa quê sông”, một ý lạ và hay.
Khổ thơ cuối là tiếng lòng của “người đi” qua hình ảnh giàn mướp:
Từ độ người đi biết trưa quê
Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về
Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn
Thơm đến trưa này trưa mướp quê.
Từ độ “người đi”, trong đó, có tác giả, nhớ về “trưa quê”. Nhớ cụ thể, rõ ràng, đậm đà. Khoảng thời gian của “trưa ấy” và “trưa này”, vời vợi bao hình ảnh về những buổi trưa ở quê nhà yêu dấu, trong đó, nhớ nhất là “giàn mướp nhỏ hoa chưa về”. “Hoa chưa về” đã nhớ “giàn mướp nhỏ”. Hai câu thơ tiếp, vẫn là giàn mướp, giàn mướp có hoa vàng, có mùi thơm, vương vấn, kéo dĩ vãng về với hiện tại. Bàng bạc một khung trời thanh bình, một miền ký ức khó quên. Màu phấn vàng của hoa mướp và mùi thơm của hoa, hòa lẫn vào nhau. Một thứ hương quê hồn hậu, xa vắng, thơm mãi trong hồn, không tan loãng với thời gian: “Thơm đến trưa này trưa mướp quê”.
Trưa quê là bản hòa điệu về tâm thức làng của Sao Mai. Ta có cảm giác tác giả cứ để dòng cảm xúc trôi chảy tự nhiên. Thương lắm quê nhà mới có một “Trưa quê” gửi lại cho đời. Chẳng thế mà ông tự nguyện bỏ chốn phồn hoa đô hội của Hà Nội, đưa cả gia đình về Phú Thọ, sống, viết và nằm xuống nơi vùng đất tổ quê hương.
Nhà văn Sao Mai (1924-2008), tên thật là Tân Khải Minh, quê ở xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Vốn họ Nguyễn, song, do nghèo khó, bố làm thuê cho một người Hoa nên đổi sang họ Tân. Ông tham gia cách mạng từ năm 1943. Sau Cách mạng Tháng Tám, giữ chức Trưởng ty Bình dân học vụ tỉnh Nam Định, đồng thời là phóng viên của Báo Nam Định kháng chiến. Năm 1955, ông công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa I. Năm 1964, ông đưa gia đình rời Hà Nội về định cư tại Phú Thọ. Sau này, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Với giọng văn bình dị và lôi cuốn, nhà văn Sao Mai để lại cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm hay, giá trị. |
HUỲNH VĂN HOA