Linh Giang - Sông Gianh được biết đến bởi lưu vực dòng sông có nhiều danh thắng nổi tiếng không những trong nước và trên thế giới: Đập thủy lợi Rào Nan, Hòn Đá Đứng trên nguồn Nan, núi Lệ Sơn 99 ngọn bên nguồn Nậy, hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng ở nguồn Son. Hơn hết thảy, Đèo Ngang - Linh Giang - Sông Gianh là miền biên ải “ngàn năm không yên tĩnh” giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, lịch sử lại giao dòng sông làm phân giới.
Non nửa thế kỷ (1627-1672) chiến tranh mịt mù, đầu rơi máu chảy, Linh Giang hoang tàn chỉ nghe tiếng quạ kêu, cú rúc, nhói lên những lời ly biệt: Linh Giang nước chảy hai giòng/ Đèn thắp hai ngọn em trông ngọn nào?... Do những dấu ấn đặc biệt suốt cả tiến trình lịch sử, nên từ thế kỷ XVIII, Linh Giang được đổi tên thành sông Gianh chăng!
Sông Gianh đi vào lịch sử dân tộc và chứa đựng trong mình bao sự tích, huyền thoại. Ảnh: T.Đ |
Nhiều tác phẩm viết về dòng sông với nhiều góc độ, ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên cũng như làm sống lại những bi hùng dòng sông huyền thoại. Nhưng có một điều làm nhiều người băn khoăn chưa có giải thích thỏa đáng: chữ “Gianh” trong sông Gianh nghĩa là gì?
Trong bài thơ Nghỉ lại ở cửa biển Bố Chính (Linh Giang hải tấn), nhà vua Lê Thánh Tông chẳng từng viết: “Núi ôm vòng biển, biển xa mờ/ Bố Chính, bờ biên, cõi vắng xưa/ Làng xóm ven sông, tranh lợp mái/ Cử quan đầu bến, trúc thay cờ” (Ngô Linh Ngọc dịch).
Có lẽ dựa vào căn cứ này, một số người cho rằng, nhà dân dọc hai bờ sông lợp bằng tranh, người miền Bắc (một số vùng) phát âm “tranh” là “gianh” nên họ lấy chữ gianh đặt tên cho dòng sông - sông Gianh!
Cách lý giải đó không thuyết phục, có phần khiên cưỡng vì chữ tranh trong cỏ tranh, nhà tranh (茹 爭) và chữ Gianh trong sông Gianh chỉ là từ đồng âm, còn chữ viết hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, cha ông ta rất cẩn trọng trong việc đặt tên làng, xã, vùng đất, sông núi. Chọn tên, dù đơn giản, nhưng bao giờ cũng có dụng ý, phù hợp với lịch sử, thuần phong mỹ tục của địa phương, không bao giờ có chuyện lấy thổ âm của vùng lạ hoắc để đặt tên cho dòng sông quê hương mình được.
Để đi đến tận cùng vấn đề, chúng tôi tìm đến những nhà nghiên cứu Hán - Nôm và được giải thích: sông Gianh (tên Nôm: 滝 淨). Gianh (淨) là chữ ghép bởi chữ thủy (氵) và chữ tranh (爭) trong: tranh nhau, phân tranh, tranh giành). Trong từ ghép, chữ 爭 vừa giữ vai trò là thanh phù (biểu thị âm đọc) vừa giữ vai trò nghĩa phù (biểu thị ý nghĩa chữ ghép). 淨 đọc là Gianh, nghĩa là phân tranh, chiến tranh, tranh nhau. Sông Gianh có nghĩa là dòng sông phân giới, dòng sông giới tuyến!
Trong chữ Hán không có chữ Gianh. Từ “gianh” trong chữ Nôm cũng như trong ngôn ngữ Việt hiện nay gần như không ai sử dụng, nhưng khi được định danh cho dòng sông, nó trở nên gần gũi, thân thương và nổi danh. Đọc, viết tiếng Việt là sông Gianh, nhưng nghiên cứu kỹ chữ Nôm mới thấy thâm ý tiền nhân nhắc nhở muôn đời sau, rằng dòng sông là chứng nhân một thời đất nước tang thương do nạn phiên trấn, cát cứ. Lịch sử đừng bao giờ để vết hằn ấy lặp lại!
THẢO ĐAN