Vọng xanh tuổi mình

.

Tôi biết Trần Tùng Chinh từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường với những truyện ngắn học trò rất dễ thương và lắng đọng. Với thế hệ chúng tôi ngày đó, cái tên Trần Tùng Chinh luôn gây háo hức trên các tờ báo dành cho tuổi mới lớn như Áo Trắng, Mực Tím, Hoa Học Trò…

Mỗi truyện ngắn viết cho lứa tuổi xanh này của anh luôn mang đến một hình ảnh thân gần nào đó, thể như anh thấu hiểu ngọn ngành tâm tư của chúng tôi. Tôi còn nhớ, lần mình đọc truyện ngắn “Tía ơi” của anh đăng trên Áo Trắng đó là những ngày tôi chỉ vừa học lớp 9, đâu đó năm 1998 thì phải, truyện ngắn gây ấn tượng bằng giọng văn Nam Bộ chân phương mà sâu lắng chạm đến trái tim của một đứa trẻ đang bắt đầu tập tễnh đường văn.

Chỉ vậy thôi, rồi biến thiên cuộc đời khiến tôi chẳng đi con đường mà mình vốn dĩ đam mê. Cho đến 20 năm sau, tôi bất ngờ rẽ lại vào con đường văn chương như duyên nghiệp mà mình trót phải vương mang. Lúc này, tôi mới có dịp gặp anh. Làng văn hay trêu Trần Tùng Chinh là nhà văn đẹp lãng tử nhất miền Tây. Dường như năm tháng thời gian đã bỏ quên anh. Vẫn là Trần Tùng Chinh trẻ trung và đầy tình cảm. Có lẽ với công việc là giảng viên môn Ngữ văn ở Đại học An Giang khiến môi trường xung quanh anh đều là các cô cậu tuổi cập kê nên anh vẫn trẻ bất biến là vậy.

Trần Tùng Chinh đã đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn báo Áo Trắng, giải Nhất truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long, giải C của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc. Anh xuất bản nhiều tập truyện dành cho lứa tuổi học trò như Mùa mưa ở lại, Thủ khoa, Bâng quơ trên núi, Trại mùa Xuân, Anh em hô biến… Và mới nhất là tập truyện ngắn Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào.

Với 10 truyện ngắn trẻ trung xoáy vào đề tài học đường với những câu chuyện xanh màu tuổi trẻ. Lật từng trang sách cứ ngỡ như thanh xuân vọng về biêng biếc những tươi trong thiếu thời. Ở đó, độc giả bắt gặp “Năm nhất” với nhiều chiêu trò mà mấy cô cậu sinh viên vẫn luôn áp dụng để đối phó giáo viên. Kể cả câu chuyện “ngã ba tình” của Thuộc, Thảo, và Bích. Cái vòng luẩn quẩn tình cảm học trò luôn là mảnh đất dễ dàng cày xới của các nhà văn khi viết về đề tài này. Thế nhưng, để hay thì phải cần một sự quan sát tinh tế và cách viết rộng mở. Bởi nếu chỉ nhìn vào các câu chuyện dễ thấy sự na ná nhau, hoặc quá nhẹ nhàng và kiểu trong trẻo cũ kỹ. Tuy nhiên, với Trần Tùng Chinh thì khác, anh bám vào thời đại để đem đến cho độc giả câu chuyện tình yêu rất mới mẻ, trẻ trung, hợp thời và cuốn hút bạn đọc. Kể cả cách anh dùng chữ Nam Bộ trong tác phẩm cũng cho thấy sự chọn lựa rất kỹ càng khi viết.

Mảng tình cảm học đường ngày nay còn có những cuộc tình “trái ngang” mà ở đó người viết cần có cái nhìn nhân văn thoát ra những khuôn phép cố hữu mới có thể chinh phục được độc giả trẻ ngày nay.

Trần Tùng Chinh viết “Cả một trời xuân nhớ” bằng giọng văn tha thiết, thương tưởng. Đọc truyện ngắn này thấy nỗi nhớ của chàng trai trẻ với ngôi xưng “mình” bộc bạch nỗi nhớ nhẹ tênh nhưng mà đằm đẵm tấm chân tình. Nhà văn đã dẫn độc giả đi qua từng nỗi nhớ, song song đó là những ước mơ với mệnh đề nếu - thì khá mượt mà. Nỗi nhớ của “mình” với Nguyễn đẹp một cách xanh lành. Tình yêu lạ lẫm ấy của hai chàng trai được kể lại qua thủ pháp viết về nỗi nhớ khiến độc giả bâng khuâng và thầm cười tủm tỉm. Chẳng có vĩ tuyến nào cho tình yêu cả. Càng không có một điều gì lạ lẫm khi hai trái tim tìm chung một nhịp đập. Mọi con người trên thế gian này đều có quyền sống và yêu như một lẽ thường tình của bản năng. Khác chăng chính là ánh nhìn lạ soi chiếu vào tình yêu bằng một tâm thế chưa thấu hiểu. Tôi thích cách mà Trần Tùng Chinh dùng trái tim người thầy để tiếp nhận những tư liệu sống động từ các sinh viên của anh, để tạo nên những trang văn đầy thích thú.

Viết cho lứa tuổi học đường tưởng dễ mà kỳ thực rất khó. Bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của các em để trải lòng lên trang viết, lay động chính độc giả để văn chương học đường luôn mới mẻ là điều mà bao năm qua làng văn chỉ quanh quẩn vài cái tên gạo cội. Bạn đọc vốn quen thuộc với Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh, Lưu Thị Lương, Kim Hài, Lý Lan… thì nay đã có thêm một Trần Tùng Chinh bền bỉ theo mảng đề tài này.

Có thể nói Trần Tùng Chinh như chính ông thầy quân sư Hai Lúa trong truyện ngắn “Ông thầy quân sư”. Thể như anh bê nguyên bản chính mình vào câu chuyện tham vấn tình yêu cho cái bút nhóm văn học mà anh đang phụ trách của Trường Đại học An Giang. Đời như truyện, và truyện cũng chính từ đời. Người viết đôi khi vì tình mà viết, người đọc cũng vì tình mà tìm thấy cho mình hình ảnh chính mình trong câu chuyện đó. Văn chương vô tình kết nối những tâm hồn đồng điệu từ đấy.

Gấp trang sách cuối, vỏn vẹn 10 truyện ngắn nhưng đầy đặn một vùng ký ức thanh xuân xanh lành mà tin chắc độc giả luôn sẽ háo hức để vọng về tháng ngày hoa niên tràn ngập niềm thương luyến ấy.

TRÚC THIÊN

;
;
.
.
.
.
.