Những nông dân năng động, sáng tạo

.

Bằng sự tâm huyết, sáng tạo nhằm vực dậy làng nghề nước mắm Nam Ô đang có nguy cơ thất truyền trước quá trình đô thị hóa và là người tổ trưởng dân quân trên biển làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, nông dân Bùi Thanh Phú (39 tuổi, quận Liên Chiểu) và Lê Dũng (48 tuổi, quận Thanh Khê) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Ngoài kinh doanh, sản xuất giỏi, anh Bùi Thanh Phú (thứ 2, từ phải sang) còn kết hợp đưa các tour trải nghiệm thực tế, tìm hiểu lịch sử tại làng nghề nước mắm Nam Ô đến các học sinh và du khách. Ảnh: H.T.V
Ngoài kinh doanh, sản xuất giỏi, anh Bùi Thanh Phú (thứ 2, từ phải sang) còn kết hợp đưa các tour trải nghiệm thực tế, tìm hiểu lịch sử tại làng nghề nước mắm Nam Ô đến các học sinh và du khách. Ảnh: H.T.V

Vực dậy làng nghề

Chiều cuối tuần, tôi tìm đến kiệt 884 đường Nguyễn Lương Bằng gặp anh Bùi Thanh Phú, chủ hộ kinh doanh nước mắm Nhĩ Nam Ô Hương Làng Cổ để chia sẻ niềm vui khi anh được bình chọn nông dân xuất sắc bởi nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi và đã góp sức đưa làng nghề nước mắm Nam Ô vang danh. Vừa đến cổng nhà, những lu sành nước mắm được anh ủ gần 2 năm tỏa ra một thứ hương vị thơm lừng, mật ngọt làm dịu đi cái nóng rát bỏng những ngày cuối hè.

Nhớ về khoảng thời gian chông chênh của làng nghề hơn 400 năm, anh Phú trầm ngâm nói, năm 2015, anh nhận thấy làng nghề có nguy cơ mai một bởi không có đầu ra, nhiều hộ dân vẫn làm theo cách thức nhỏ lẻ, chưa bài bản và chuyên nghiệp. Anh Phú ngày đêm trăn trở với cái khó của bà con vì gia đình anh cũng trải qua truyền thống 4 đời làm mắm, tuổi thơ anh gắn liền những kỷ niệm, câu chuyện của ông bà về mắm, về cá. Vì thế, anh quyết tâm đưa làng nghề quay trở lại với sức sống mà nó vốn có hàng trăm năm qua. Giai đoạn đó, đa số người dân bỏ nghề làm mắm nên việc anh thành lập Công ty TNHH Mắm Hồng Hương là sự liều lĩnh nhưng lại giúp nhiều người dân nhìn nhận rằng nước mắm vẫn còn có tương lai và cùng nhau đưa nước mắm Nam Ô vươn xa thị trường trong nước, sánh ngang nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết.

“Tuy là con dân làng nghề nhưng tôi vẫn là kẻ ngoại đạo khi bắt tay vào kinh doanh. Tôi dày công tìm hiểu và nghiên cứu lại công thức làm mắm từ những bước cơ bản để cho ra giọt nước mắm hương vị thơm ngon, có màu nâu hổ phách đặc trưng, đạt chuẩn “Tiến vua”. Đồng thời, không sử dụng chất bảo quản, không hương điều vị, không hương liệu. Đến nay, mỗi năm, tôi xuất bán gần 25.000 lít nước mắm, doanh thu khoảng 2 tỷ/năm. Sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ được chứng nhận OCOP 4 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP và là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố. Được vinh danh nông dân xuất sắc, đó là nguồn động lực to lớn để thời gian tới tôi tiếp tục nâng tầm sản phẩm nước mắm Nam Ô  hơn nữa”, anh Phú bày tỏ.

Làng nghề nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp logo, nhãn hiệu tập thể và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia. Đó không chỉ là kết quả sự cố gắng của anh Phú nói riêng và tập thể người dân làng nghề nói chung mà còn là biểu tượng văn hóa truyền thống lâu đời, mang bản sắc riêng biệt của địa phương.

Gắn bó với biển khơi

Nông dân Lê Dũng là một trong 100 nông dân tiêu biểu được vinh danh nông dân xuất sắc năm 2023 cùng với anh Phú. Ông Dũng sinh ra trong gia đình có truyền thống là ngư dân. Ba ông là ngư dân có tiếng ở làng chài Xuân Hà nên ông sớm được ba cầm tay chỉ việc, ngang dọc biển cả học nghề từ năm 13 tuổi. Sau hơn 10 năm, ông đã tích lũy kinh nghiệm đầy mình từ con nước đến ngọn sóng, năm 25 tuổi, ông trở thành “tài cả” của con tàu công suất lớn với gần 10 lao động. Hơn 20 năm qua, ông Dũng vừa hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản vừa là một tiểu đội trưởng dân quân trên biển, ông được coi là “cột mốc sống” giữ gìn chủ quyền biển, đảo.

Ông Dũng cho hay: “20 năm đi biển đánh bắt hải sản tôi luôn tâm niệm rằng, ngoài mang lại nguồn thu gầy dựng kinh tế gia đình thì điều quan trọng hơn là mỗi chuyến ra khơi, tôi muốn giương cao ngọn cờ bảo vệ lãnh thổ vùng biển mà cha ông để lại. Mỗi lần nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên boong tàu, tôi thấy vinh dự vô cùng. Vì vậy rất nhiều lần, đối mặt hiểm nguy nơi biển khơi lộng gió nhưng nhờ tinh thần dân tộc, sự hỗ trợ của đồng nghiệp đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ, niềm lo trước khó khăn”.

Nhiều năm liền, ông Dũng luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh thu 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều ngư dân. Hiện nay, ông Dũng sở hữu 2 con tàu công suất lớn 840CV và 880CV được trang bị nhiều máy móc hiện đại gồm: pin năng lượng mặt trời, máy icom 710, máy giám sát hành trình Vifish-18. Song song, ông được trao nhiều giấy khen với thành tích tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, ông được Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố chọn thực hiện mô hình sử dụng máy tầm ngư dò đứng do lắp đặt. Vì vậy, sản lượng khai thác hải sản tăng lên đáng kể, thu nhập cải thiện rất nhiều.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố cho biết, những năm qua, thành phố có nhiều nông dân được vinh danh từ hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi đến giám đốc HTX nhỏ và vừa cũng như đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những cá nhân đã cố gắng không ngừng, hỗ trợ nhiều lao động thoát nghèo bền vững, kiên trì nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất để hướng đến thành quả tốt nhất.

Đầu tháng 7-2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”, trong đó hoạt động tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những sự kiện quan trọng. Có 5 nhóm, lĩnh vực được bình chọn gồm: đạt thành tích sản xuất, kinh doanh; xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới; xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có sáng kiến, phát minh ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; giám đốc các hợp tác xã, hộ kinh doanh tư nhân nhỏ và vừa.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.