Sách mới, sách hay

.

1. Cuốn “Đi và ghi nhớ” tập hợp 58 bài viết của nhà văn Sơn Nam (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) từng được đăng báo trước và sau năm 1975, trong đó có nhiều bài in trên tạp chí Xưa & Nay. “Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là “địa đàng”. Xưa kia, người Khmer bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, không xông xáo “phá sơn lâm, đâm Hà bá” như dân Việt. Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng - vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định ngày nay, công ơn của tổ tiên thật là to lớn”. Đó là một trong những đoạn văn khái quát về Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ nói chung qua con mắt Sơn Nam. Không chỉ vậy, còn có những nhân vật cụ thể góp phần làm nên bản sắc vùng đất này, hay là những khu phố, con đường, hàng cây làm nên dấu ấn cho một địa danh.

Chúng ta sẽ thấy Sơn Nam, dù không phải sinh ra ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định, nhưng hơn cả một người Sài Gòn, ông sống, gắn bó chí tình với mảnh đất này và đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa và lịch sử của nó.

Nhà văn Sơn Nam đã quá quen thuộc với bạn đọc ở mảng truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và các công trình nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là về vùng Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ nói chung. Nhưng không nhiều người biết ông còn là một người chuyên viết báo. Chưa có thống kê nào về số lượng bài báo của Sơn Nam qua mấy chục năm viết, nhưng chắc chắn phải là rất nhiều. Ông đã ngang dọc nhiều nơi trên đất nước, mà nhiều nhất là ở Nam bộ, từ hồi ông còn trẻ trung xông pha cho đến lúc được đặt biệt danh “Ông già đi bộ” - ghi lại những điều giản dị nhưng luôn có vẻ hấp dẫn. Những bài viết này, biết đâu sẽ cho ta hiểu thêm và phát hiện thêm nhiều điều mới về nhà văn đặc biệt được yêu.

2. Quyển “Ẩm thực Việt Nam và thế giới” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) của Tiến sĩ, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Thị Diệu Thảo giới thiệu những yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực Việt Nam; nét đặc trưng, độc đáo của ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực từng vùng miền nói riêng. Đồng thời, nêu và phân biệt những điểm chung và riêng trong ẩm thực ba miền ở Việt Nam; phân tích tính khoa học trong việc phối hợp và chế biến món ăn ở Việt Nam.

Cuốn sách còn giới thiệu đặc điểm văn hóa ẩm thực Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác cũng như đặc sản ở mỗi quốc gia và một số món ăn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa mỗi quốc gia. Giới thiệu các loại gia vị trong món ăn Âu châu, so sánh các cách bày bàn tiệc theo phong cách châu Âu và liệt kê đặc sản ở mỗi quốc gia: Pháp, Ý, Mỹ… Vận dụng được trong chế biến món ăn địa phương và đánh giá những ưu điểm của ẩm thực từng địa phương. Cũng như các kiến thức về tổ chức để trình bày một bữa tiệc theo phong cách châu Âu.

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.