Gần 150 năm lịch sử của Toshiba đã kết thúc khi tập đoàn điện tử này “bán mình” cho Japan Industrial Partners (Quỹ đầu tư đối tác công nghiệp Nhật Bản - JIP) với giá 2.000 tỷ yên (khoảng 14 tỷ USD) theo hình thức chào mua công khai, tức mua lại cổ phiếu từ các cổ đông.
Toshiba từng được xem là biểu tượng của nền công nghiệp Nhật Bản. Ảnh: Nikke |
Thương vụ được bắt đầu từ ngày 8-8 đến 20-9-2023, với giá khởi điểm 4.620 yên/cổ phiếu (32 USD), khép lại chặng đường thăng trầm của Toshiba - một trong những doanh nghiệp lớn nhất của đất nước mặt trời mọc, để lại nhiều tiếc nuối.
“Kiếm củi 3 năm, đốt 1 giờ”
Khủng hoảng tại Toshiba bắt đầu từ tháng 5-2015 khi tập đoàn này điều tra nội bộ về những sai phạm tài chính. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập lúc đó, Toshiba đã thổi phồng 1,2 tỷ USD lợi nhuận trong giai đoạn 2008-2014 nhằm che giấu những khoản lỗ do hoạt động kinh doanh không hiệu quả và đánh lạc hướng nhà đầu tư. Hàng loạt lãnh đạo cao cấp đã từ chức, Toshiba buộc phải cải tổ, tái cấu trúc và cải thiện hình ảnh công ty.
Sau quá trình tái cơ cấu, Toshiba tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng do những rắc rối liên quan nhà máy điện hạt nhân Westinghouse ở Mỹ mà hãng này mua lại hồi năm 2006 với giá 5,4 tỷ USD. Dự án kinh doanh không thuộc chuyên môn của Toshiba đã phá sản vào tháng 3-2017 với khoản thua lỗ hơn 6 tỷ USD.
Những thất bại liên tiếp khiến Toshiba phải bán mảng chip nhớ cho quỹ đầu tư Bain Capital của Mỹ với giá 18 tỷ USD, sau đó bán mảng TV cho Hisense Group - nhà sản xuất thiết bị điện tử tại Trung Quốc - với giá 113,6 triệu USD.
Tháng 11-2021, Toshiba công bố kế hoạch tách thành 3 công ty (gồm một công ty về năng lượng và cơ sở hạ tầng, một công ty cung cấp thiết bị và một công ty sản xuất chip nhớ flash) để gia tăng giá trị, nhưng không được đa số cổ đông ủng hộ. Tháng 2-2022, phương án tách thành 2 công ty cũng không thể thực hiện vì nhiều cổ đông lớn cho rằng việc chia tách chỉ gây thêm rủi ro trong quá trình điều hành. Sau đó, khi không thể tự quyết được số phận của mình nữa, hãng cân nhắc phương án rao bán.
Tháng 6-2022, Toshiba nhận được nhiều đề nghị mua lại. Liên minh 20 doanh nghiệp thành viên của JIP được chọn tiến hành thương vụ mua Toshiba theo hình thức chào mua công khai, tức mua lại cổ phiếu từ các cổ đông.
Ngày 23-3-2023, Hội đồng quản trị Toshiba chấp nhận đề xuất mua lại với giá trị 2.000 tỷ yen (14 tỷ USD) của JIP, kết thúc 148 năm của tập đoàn từng nổi tiếng với khẩu hiệu “Leading innovation” (Dẫn đầu đổi mới) và “In touch with tomorrow” (Kết nối với tương lai).
Bài học từ khủng hoảng
Toshiba được thành lập vào năm 1939 bằng việc hợp nhất hai công ty tiên phong trong việc phát triển các thiết bị điện tại Nhật Bản gồm Shibaura Seisaku-sho (thành lập năm 1875) và Tokyo Denki (thành lập năm 1890). Theo đó, lịch sử ra đời của Shibaura Seisaku-sho, Toshiba đã tròn 148 năm tuổi.
Giai đoạn 1980-1990, Toshiba khẳng định tên tuổi là một đế chế toàn cầu. Thương hiệu này được nhắc đến với hàng loạt sản phẩm đầu tiên “made in Japan”, như sáng chế Radar năm 1942, máy tính số TAC năm 1954, máy thu hình bán dẫn và lò vi sóng năm 1959, điện thoại màn hình màu năm 1971, máy tính xách tay năm 1986, đĩa DVD năm 1995...
Năm 2010, Toshiba là công ty chế tạo máy tính cá nhân lớn thứ năm thế giới về doanh thu (sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo); đồng thời là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu (sau Intel, Samsung và Texas Instruments).
Thế nhưng, Toshiba dần trở nên mờ nhạt và doanh thu ngày càng lao dốc. Có nhiều nguyên nhân khiến tượng đài công nghệ của Nhật Bản sụp đổ, trong đó một phần do các yếu tố khách quan như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008; cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khiến Nhật Bản và hàng loạt nước khác ngừng các dự án hạt nhân; sức ép cạnh tranh khốc liệt...
Tuy nhiên, nguyên nhân căn cơ chính là những sai lầm trong quản trị và văn hóa bảo thủ của người Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng, không có doanh nghiệp nào không bị ảnh hưởng từ sự quản lý yếu kém. Hơn nữa, việc xây dựng bộ máy lãnh đạo hoàn chỉnh không hẳn bảo đảm sự thành công của doanh nghiệp, bởi hoạt động thực tế của ban lãnh đạo mới là yếu tố quyết định. “Mọi quyết định của ban lãnh đạo phải dựa trên quan điểm của các cổ đông có tầm ảnh hưởng”, nhà nghiên cứu Mio Kato tại Lightstream Research nói.
Những năm 2000, số lượng người dùng mong muốn sở hữu máy tính cá nhân tăng đột biến. Các đối thủ mới như Acer và Asus nhanh chóng nhảy vào thị trường sản xuất laptop giá rẻ. Đã thế, Toshiba càng không thể cạnh tranh được với các thương hiệu như Lenovo, HP, Dell và Apple.
Khi thị trường toàn cầu cho các mặt hàng điện tử gia tăng theo cấp số nhân, các hãng tivi của Hàn Quốc và Trung Quốc liên tục tạo ra xu thế cạnh tranh về giá cả và thông số kỹ thuật, đồng thời tạo ra xu hướng tiêu dùng mới. Trong khi đó, việc chậm thay đổi đường lối phát triển, không thích nghi với thời đại cùng sự thiếu nhất quán trong chiến lược đầu tư khiến Toshiba từ đỉnh cao trở thành lỗi thời và dần trượt dài trong vòng xoáy khủng hoảng.
KHÁNH LINH (theo Bloomberg, Japan Times)